Cái gai bên cạnh xương sống
Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Quân giải phóng (QGP) miền Nam Việt Nam đã làm chủ đường 9. Để tăng cường năng lực vận chuyển trên tuyến hậu cần chiến lược 559, Bộ Tổng Tư lệnh quyết định mở đường 14B từ Đắk Krong (Quảng Trị) qua A Lưới nối vào Quốc lộ 14 cũ ở Quảng Nam.
Quốc lộ 14 cũ có điểm khởi đầu ở La Sơn (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế)qua Nam Đông rồi chạy dọc cao nguyên vào đến Chơn Thành, Bình Phước. Đây là con đường huyết mạch nối các tỉnh bắc miền Trung với các tỉnh Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ nên được ví như "xương sống của cao nguyên".
Nếu nối được đường 14B và tuyến đường này sẽ hình thành tuyến vận tải Đông Trường Sơn và nâng cao năng lực vận tải trên toàn tuyến lên khá cao.
Đặc biệt, việc tiếp tế cho chiến trường B1 (khu V) và B3 (Tây Nguyên) thuận lợi hơn rất nhiều so với sử dụng tuyến đường Tây Trường Sơn...
Tuy nhiên, sau khi hai tuyến đường đã được kết nối với nhau thì việc tiếp tế cho B3 theo tuyến đường này vẫn chưa thực hiện được. Lý do: vẫn còn một số chốt chặn chưa thông. Trong đó có một chốt chặn là cụm cứ điểm Đắk Pék (ngày nay là thị trấn Đắk Glei).
Năm 1973, khi thị sát tuyến đường này, Tư lệnh Đoàn 559 Đồng Sĩ Nguyên đã đánh giá: "Đắk Pék như cái gai nằm cạnh xương sống". Và nhiệm vụ đặt ra với B3 là phải "nhổ" nó đi.
Nói vậy song không hề đơn giản! Cụm cứ điểm Đắk Pék là một đồn biên phòng của Quân đội Việt Nam cộng hòa (VNCH) nằm trên đường 14, lọt sâu trong vùng giải phóng tỉnh Kon Tum.
Do vị trí biệt lập và quan trọng như vậy, Đắk Pék đã được quan tâm xây dựng thành một cứ điểm hết sức vững chắc và có khả năng phòng ngự rất mạnh.
Lực lượng VNCH đồn trú ở đây gồm có Tiểu đoàn 88 thuộc Lữ đoàn 31 Biệt động quân, quân số 435 tên và lực lượng bảo an dân vệ, quân số 350 tên do quận trưởng trực tiếp chỉ huy. Về trang bị có 2 khẩu pháo 105mm, 6 khẩu cối 106,7 mm và nhiều hỏa khí khác.
Ảnh minh họa.
Hệ thống công sự chiến đấu chủ yếu là gỗ đất, một số được xây thêm lớp gạch để chống sạt lở và được liên kết với nhau qua các giao thông hào. Xung quanh cụm cứ điểm là 5-6 hàng rào dây thép gai cùng 1 lớp cọc thép cao 0,6-1,2 mét để chống đạn B40, B41.
Về phía đông cụm cứ điểm là sông Pô Cô, phía bắc và phía nam được hai con suối Đắk Oai và Đắk Pék bao bọc. Bởi vậy, nếu đối phương muốn tiến công bắng binh chủng hợp thành thì chỉ có duy nhất một hướng là từ phía Bắc xuống.
Xét thấy vị trí lợi hại của Đắk Pék, tháng 5.1974, Bộ Tư lệnh B3 quyết định "nhổ cái gai" Đắk Pék bằng một trận đánh hợp đồng binh chủng.
Sáng tạo linh hoạt "nhổ gai" nhưng không được thưởng Huân chương
Do Đắk Pék là một cứ điểm được xây dựng khá kiên cố, có hệ thống vật vản xung quanh tương đối vững chắc, ngoài ra còn được sông suối bao bọc tạo thành các vật cản tự nhiên nên ý định của Bộ tư lệnh B3 là sẽ sử dụng 2 trung đoàn bộ binh được tăng cường pháo binh, xe tăng tiến công cứ điểm này.
Nhiệm vụ cụ thể của các đơn vị như sau: Trung đoàn BB 66 (Sư đoàn 10) được tăng cường Đại đội xe tăng 6 (Trung đoàn 273) tiến công trên hướng chủ yếu. Trung đoàn BB 3 (Sư đoàn 324) tiến công trên hướng thứ yếu. Lực lượng pháo binh và phòng không bố trí ở đông - bắc cứ điểm.
Sau khi đi trinh sát và nhận nhiệm vụ về, phía xe tăng nhận thấy do đặc điểm địa hình nên chỉ có thể tiến công trên một hướng theo trục đường 14. Tuy nhiên, do Đắk Pék nằm ở dưới một thung lũng, xung quanh có nhiều ngọn đồi bao bọc nên nếu bố trí được trận địa bắn trực tiếp thì rất tốt.
Từ nhận định trên, ý định sử dụng xe tăng được đề đạt lên cấp trên như sau: Sử dụng 1 trung đội cùng bộ binh tham gia xung phong trên hướng chủ yếu. Đồng thời sử dụng 1 trung đội xây dựng trận địa bắn ngắm trực tiếp tại một điểm cao phía bắc cứ điểm, cách tiền duyên địch khoảng 1.500 mét.
Ảnh minh họa.
Nhiệm vụ cụ thể của trung đội này là: bí mật chiếm lĩnh trận địa, khi pháo binh tiến hành hỏa lực chuẩn bị sẽ tham gia bắn ngắm trực tiếp tiêu diệt các mục tiêu đầu cầu, yểm hộ bộ binh mở cửa và tiêu diệt các mục tiêu bên trong. Khi có thời cơ sẽ tham gia xung phong.
Có một khó khăn là do ở khoảng cách quá gần địch, việc xây dựng trận địa bắn cũng như khi cơ động xe vào trận địa phải hết sức bí mật. Nếu để lộ ra sẽ làm lộ ý đồ trận đánh và sẽ bị không quân, pháo binh oanh kích ngay. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra.
Ngày 15.5.1974, trận địa bắn đã được xây dựng xong. Đường cơ động vào trận địa cũng đã hoàn thành mà địch vẫn không hay biết gì.
Từ 15h ngày 15.5, pháo binh bắt đầu bắn chế áp. 20h, Trung đội XT2 dưới sự chỉ huy của chính trị viên Huỳnh Rịch cơ động vào chiếm lĩnh trận địa bắn và tiến hành mọi mặt công tác chuẩn bị như đo đoán khoảng cách, lập yếu đồ bắn...
9h35 ngày 16.5, các xe tại trận địa bắn bắt đầu nổ súng tham gia pháo hỏa chuẩn bị. Do ở trên cao, quan sát rõ mục tiêu, khoảng cách lại được đo đoán trước nên hiệu suất diệt mục tiêu của pháo 100 mm bắn trực tiếp rất cao. Sau 45 phút đã tiêu diệt hầu hết các mục tiêu được phân công.
10h25 có lệnh xung phong. Trung đội XT 1 do đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy bắt đầu xuất kích. Khi vượt qua suối, do gặp bờ đất cao không vượt qua được, Đoàn Sinh Hưởng linh hoạt cho quay lại theo đường 14 đánh thẳng vào cổng chính cứ điểm.
Do phần lớn lô cốt, công sự chiến đấu đã bị pháo bắn trực tiếp phá hủy nên chỉ sau hơn 1 giờ chiến đấu, QGP đã hoàn toàn làm chủ cứ điểm, diệt và bắt toàn bộ quân địch, thu 675 pháo, súng các loại. Về phía QGP thương vong không đáng kể, đặc biệt lực lượng xe tăng còn nguyên vẹn xe và người.
Sau khi làm chủ hoàn toàn cứ điểm, đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng rời xe xuống khu vực sở chỉ huy xem xét. Thấy tài liệu của địch bay lung tung anh chỉ thị cho cấp dưới của mình thu lại để nghiên cứu. Khi thấy 2 cái chảo quân dụng bằng i-nox sáng bóng, anh cũng cho đưa lên xe đem về đơn vị.
Tổng kết trận đánh, Bộ tư lệnh mặt trận đánh giá rất cao vai trò của xe tăng: Nhờ linh hoạt sáng tạo sử dụng xe tăng bắn trực tiếp tham gia tiêu diệt mục tiêu ngay từ giai đoạn pháo hỏa chuẩn bị đã "làm mềm chiến trường" trước khi xung phong nên trận đánh kết thúc nhanh với tổn thất không đáng kể.
Và "cái gai bên cạnh sống lưng" đã được nhổ, tuyến đường Đông Trường Sơn sang Bắc Kon Tum được mở thông, việc tiếp tế vận chuyển cho chiến trường B3 thuận lợi hơn rất nhiều
Tuy nhiên, khi về trung đoàn thì chiến công của Đại đội 6 lại không được đánh giá cao như vậy. Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng còn có nguy cơ bị kỷ luật vì đã bỏ vị trí chỉ huy đi thu chiến lợi phẩm sai nguyên tắc.
Sự việc rồi cũng được cho qua, song Đoàn Sinh Hưởng cũng không được tặng Huân chương như anh em đã bình công. Và từ đó, cán bộ chiến sĩ trong đại đội hay trêu Đại đội trưởng: không thích lấy Huân chương mà chỉ thích lấy chảo thôi!
(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong Hồi ký "Những tháng ngày đẹp nhất" của Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng - NXB QĐND 2012)
No comments:
Post a Comment