Leo thang chiều nga ng
Cuộc chiến tranh của Mỹ nhằm chống lại Trung Quốc hoặc Nga sẽ rất khủng khiếp. Dù Mỹ có thắng đi chăng nữa thì họ vẫn phải chịu những thiệt hại khổng lồ về tiền tài và nhân mạng, khiến những mất mát trong hai cuộc chiến tại Iraq và Afghanistan trở nên nhỏ nhoi nếu đem ra so sánh.
Liệu có cách nào giúp Mỹ ngăn chặn được cuộc tấn công của Trung Quốc ở Thái Bình Dương, hay của Nga ở Đông Âu mà không cần phải đối đầu trực diện? Đây là câu hỏi tạo động lực, làm nảy sinh ý tưởng "leo thang chiều ngang".
"Leo thang chiều ngang" là một khái niệm chiến lược với trọng tâm là tấn công vào các điểm yếu của đối phương bên ngoài chiến trường chính – nơi cuộc chiến được phát động, nhằm tránh phải đối đầu với những điểm mạnh của đối phương ở chiến trường đó. Thật không may, chiến lược này có lẽ sẽ không hiệu quả.
"Leo thang chiều ngang" là phương thức đáp trả cho một vấn đề thật sự nan giải, đó là những thách thức lớn có liên quan trực tiếp đến việc đánh bại sự hung hăng của Trung Quốc hoặc Nga.
Mỹ có thể tấn công lực lượng Nga tại Syria nếu áp dụng chiến lược "leo thang chiều ngang"?
Nghiên cứu của tập đoàn tư vấn RAND cho thấy, nếu Bắc Kinh quyết định dùng vũ lực với Đài Loan hoặc Nga quyết định tấn công vào các nước láng giềng Baltic, thì Mỹ sẽ gặp khó khăn nếu muốn đáp trả hiệu quả.
Các lực lượng Mỹ sẽ phải bảo vệ những vùng lãnh thổ sơ hở ngay trên ngưỡng cửa của đối phương.
Họ sẽ phải vượt qua hàng nghìn dặm để triển khai được lực lượng mang tính quyết định tới những khu vực mà Trung Quốc và Nga có thể thực thi năng lực chống xâm nhập/chống tiếp cận (A2/AD – với các hệ thống phòng không, tên lửa chống tàu… tinh vi). Việc này khó khăn hơn bất cứ điều gì mà quân đội Mỹ đã trải qua kể từ Thế chiến 2.
Việc tìm cách áp chế các khả năng của đối phương sẽ tạo ra thêm nhiều rủi ro. Chẳng hạn, để tiêu diệt hệ thống pháo tầm xa của Nga hoặc vô hiệu hóa các tên lửa chống tàu Trung Quốc, Mỹ cần phải thực hiện các cuộc tấn công ngay bên trong lãnh thổ Nga và Trung Quốc.
Trong trường hợp của Nga, mọi việc còn phức tạp hơn bởi Kaliningrad – vùng lãnh thổ của Nga nằm giữa Lithuania và Ba Lan, được trang bị nhiều loại vũ khí tiên tiến và nằm ngay sau các tiền tuyến của NATO.
Kế hoạch này còn làm dấy lên nguy cơ các đối thủ của Mỹ đáp trả bằng cách sử dụng vũ khí hạt nhân để chống lại Washington và các đồng minh của họ.
Do những viễn cảnh này quá đáng sợ nên chiến lược "leo thang chiều ngang" trở thành một lựa chọn hấp dẫn.
Trong nhiều năm qua, các nhà chiến lược Mỹ tranh luận rằng Washington nên đáp trả sự hung hăng của Trung Quốc tại tây Thái Bình Dương bằng cách phong tỏa đường biển, chặt đứt nguồn cung cấp dầu và các mặt hàng quan trọng khác cho Trung Quốc.
Tương tự, Mỹ và đồng minh có thể "trừng trị" sự hung hăng của Nga bằng cách gia tăng các biện pháp trừng phạt tài chính khắc nghiệt, như "hất cẳng" Moscow ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu Swift.
Thậm chí trên lý thuyết, quân đội Mỹ có thể tiến hành chiến dịch trên các mặt trận thứ cấp – như nhằm vào lực lượng Nga tại Syria để gây xao nhãng và trừng phạt đối thủ.
Thay vì đối đầu với Nga và Trung Quốc ở nơi cuộc chiến diễn ra khốc liệt nhất thì Mỹ có thể mở rộng cuộc xung đột sang các khu vực khác mà họ chiếm lợi thế, để cuối cùng giáng cho đối thủ những đòn đau điếng.
Liệu có hiệu quả?
Trên lý thuyết, chiến lược "leo thang chiều ngang" cho phép Mỹ có thể phát động cuộc chiến tranh theo cách thức của mình và có thể đạt được chiến thắng mà không cần phải trả cái giá đắt như khi đối đầu trực diện. Tuy nhiên, học thuyết này có thể sẽ thất bại do một số vấn đề quan trọng.
Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Nga-Trung thừa hiểu rằng đó sẽ là thảm họa chính trị nếu bắt đầu cuộc xung đột với Mỹ và sau đó rút lui, đặc biệt là nếu các lực lượng của họ vẫn chưa bị Mỹ đánh bại trên mặt trận này.
Một khi Moscow hoặc Bắc Kinh quyết định đánh cược bằng vũ lực thì họ sẽ bất chấp mọi giá để không phải chịu thất bại.
Các biện pháp trừng phạt tài chính hoặc phong tỏa biển có thể gây trở ngại nhưng có lẽ không đủ mạnh để buộc các nhà cầm quyền Trung Quốc chấp nhận ký vào tờ giấy tử hình chính trị.
Cả Nga và Trung Quốc đều đang nhanh chóng tìm cách để khiến họ tránh được áp lực này, chẳng hạn Nga khuyến khích các "đầu sỏ tài chính" chuyển tài sản của họ về nước để tránh bớt các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Trung Quốc cũng đang xây dựng các tuyến cung cấp bằng đường bộ để tránh bị tổn hại bởi sức mạnh của Hải quân Mỹ.
Lực lượng hải quân không còn là một điểm yếu của Trung Quốc. Ảnh: AFP
Thứ hai, chiến lược "leo thang chiều ngang" có một vấn đề về mặt thời gian. Sức ép – đặc biệt là sức ép kinh tế - phải mất một thời gian mới có hiệu quả. Nhưng trong khoảng thời gian chờ đợi này, đối phương sẽ kịp thời củng cố một vị trí mà họ khó lòng bị đánh bật.
Trong lúc Mỹ chờ đợi sức ép phát huy hiệu quả thì các đồng minh của Mỹ, như các quốc gia Baltic, có thể sẽ phải hứng chịu biện pháp trừng phạt của Nga-Trung hoặc thậm chí bị lực lượng của hai nước này chiếm đóng. Khả năng ấy sẽ khiến họ lưỡng lự trong việc đứng về phía Mỹ để phản kháng lại Moscow và Bắc Kinh.
Thứ ba, "leo thang chiều ngang" về bản chất khiến tình hình leo thang cao hơn. Việc phong tỏa đường biển của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn nghiêm trọng nền kinh tế thế giới, ở mức độ trên cả những cú sốc mà cuộc xung đột cục bộ tại châu Á-Thái Bình Dương mang lại.
Nếu Mỹ cản trở hoạt động vận chuyển dầu mỏ và gây khó khăn cho giao thông hàng hải của bên thứ ba tới Trung Quốc thì Washington có thể sẽ trở thành bên khiến cho cuộc chiến tranh trở nên dữ dội và nguy hiểm hơn.
Mỹ có thể vẫn sẽ tìm kiếm một số dạng thức của "leo thang chiều ngang" mà họ thấy hữu ích trong cuộc xung đột quy mô lớn với Nga/Trung Quốc để bổ trợ, thay vì thay thế hoàn toàn cho một cuộc đối đầu trực diện.
Tuy nhiên, điểm yếu của chiến lược này khi được áp dụng độc lập là nếu Mỹ muốn bảo vệ các lợi ích của mình tại châu Âu và Tây Thái Bình Dương, họ phải ngăn được Nga và Trung Quốc tiến hành thành công các chiến dịch gây hấn trước.
Theo Ủy ban Chiến lược Quốc phòng Quốc gia Mỹ, điều đó sẽ không dễ dàng, đòi hỏi Mỹ phải thúc đẩy các đồng minh và đối tác của mình phát triển năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập, đối lập với những chiếc máy bay đắt đỏ nhưng kém hiệu quả, hay các loại tàu chiến cỡ lớn mà Đài Loan, cùng một số quốc gia khác, có vẻ yêu thích.
Bên cạnh đó, Mỹ sẽ buộc phải đầu tư vào các công nghệ mới cho phép họ triển khai sức mạnh tới những môi trường tác chiến khắc nghiệt và phát triển các học thuyết mới cho phép lực lượng Mỹ sử dụng những năng lực này một cách hiệu quả nhất.
Washington sẽ phải nâng cấp thông minh kho vũ khí hạt nhân và đảm bảo rằng đối phương không tìm cách leo thang cuộc chiến.
Tất cả những thay đổi này chỉ là bước khởi đầu và việc hoàn thành chúng sẽ là một bài kiểm tra đầy căng thẳng đối với Mỹ để xem liệu Washington có thể đáp ứng được những thách thức về răn đe và phòng thủ trong thế kỷ 21 hay không.
No comments:
Post a Comment