Vài ngày trước, chiếc máy bay chở theo các bộ phận của hệ thống phòng không S-400 đã đáp xuống Thổ Nhĩ Kỳ trước sự kinh ngạc của phương Tây, mặc dù phiên bản trước (S-300) đã được Nga xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có Syria.
Nhiều cuộc thảo luận vẫn diễn ra, liên quan đến việc các quốc gia vùng Vịnh có nên mua hệ thống phòng không tầm xa của Nga không, hay Iran có nên mua S-400 để tăng cường phòng không hay không.
Xét về sức mạnh của S-400, không khó hiểu tại sao nó lại thu hút nhiều sự chú ý đến vậy. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng sức mạnh thực tế không phải lúc nào cũng ngang bằng với trên lý thuyết, điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào kíp vận hành và cách họ sử dụng chúng.
Giá trị của phòng không
Hệ thống phòng không S-400 trên Quảng trường Đỏ tháng 5/2018. Ảnh: Reuters
Các hệ thống SAM tầm xa, trong đó có S-300 và S-400, đều là những hệ thống vũ khí hết sức đáng gờm. S-400 được đánh giá (mặc dù còn tranh cãi) là một trong những hệ thống SAM chiến lược toàn diện tốt nhất trên thế giới hiện nay (Thậm chí phiên bản vượt trội hơn đang được Nga phát triển, gọi là S-500).
Sức mạnh đặc biệt của S-300 và S-400 nằm ở tầm bắn được mở rộng, khả năng linh hoạt có thể tấn công nhiều mục tiêu khác nhau (chủ yếu là máy bay, nhưng có thể tấn công cả tên lửa hành trình/đạn đạo ở mức độ nhất định) và các cảm biến tinh vi, trong đó – theo như Nga tuyên bố - thì có cả khả năng chống tàng hình.
Dưới sự điều khiển của kíp vận hành thành thạo và được đào tạo tốt, các hệ thống SAM tầm xa như S-400 có thể gây ra thiệt hại lớn cho đối thủ.
Tầm bắn xa cho phép S-400 nhắm vào các máy bay hỗ trợ quan trọng của đối phương, chẳng hạn như máy bay tiếp dầu và máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm. Khả năng tấn công mục tiêu linh hoạt cho phép S-400 có thể chống lại nhiều mối đe dọa và đẩy lùi các cuộc không kích khác nhau.
Bên cạnh đó, khả năng chống tàng hình của chúng (mặc dù vẫn còn hạn chế) có thể mở ra cơ hội bắn hạ một số loại máy bay chiến đấu tốt nhất trên thế giới hiện nay.
Những hạn chế của SAM
Tên lửa S-300 khai hỏa tại trường bắn Ashuluk tháng 8/2017. Ảnh: Reuters.
Theo công ty tư vấn Stratfor, mặc dù có những năng lực trên lý thuyết khá ấn tượng nhưng mức độ hiệu quả của các hệ thống SAM tầm xa hiện đại như S-400 có thể hơn hoặc kém trên thực tế, tùy thuộc vào đối thủ mà chúng phải đối mặt.
Chẳng hạn, S-400 có thể là mối đe dọa đáng gờm nếu đối phương phát động cuộc tấn công giới hạn, nhưng thậm chí một tiểu đoàn S-400 trang bị đầy đủ cũng chỉ có 8 dàn phóng với 32 tên lửa.
Các tên lửa này có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho cuộc tấn công hạn chế của đối thủ. Song, nếu tiểu đoàn S-400 phải đơn phương chiến đấu hoặc không được hỗ trợ bởi các hệ thống phòng không hiện đại khác thì nó sẽ không có đủ tên lửa để chống chọi trước một cuộc tấn công dữ dội và quyết liệt của đối phương.
Điều này đặc biệt đúng ở Trung Đông, nơi nhiều quốc gia trong khu vực triển khai các hệ thống phòng không đặt đỏ theo từng tổ hợp, thay vì tiểu đoàn – 1 tổ hợp S-400 chỉ có tổng cộng 16 tên lửa sẵn sàng chiến đấu.
Mặc dù tầm bắn trên lý thuyết rất ấn tượng (tên lửa tiên tiến 40N6E của Nga có tầm bắn ước tính 400km) nhưng các hệ thống SAM tầm xa như S-400 vẫn có thể gặp bất lợi trước các cuộc tấn công tên lửa ngoài tầm nhìn.
Bên cạnh đó, yếu tố địa lý cũng có tác động lớn đến mức độ hiệu quả của hệ thống, trong đó địa hình đồi núi sẽ cản trở nhiều cảm biến của nó.
Mục tiêu bay thấp có thể tận dụng lợi thế về địa hình và độ cong của Trái Đất để tránh bị S-400 đánh chặn. Do đó, khi phải đối phó với tên lửa hành trình bay thấp, S-400 sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn nếu đánh chặn ở cự ly hàng chục km, thay vì hàng trăm như trên lý thuyết.
Một tổ hợp hay thậm chí một tiểu đoàn S-400 đơn phương tác chiến sẽ dễ bị tổn hại nếu đối phương phát động cuộc tấn công dồn dập ngoài tầm nhìn, chúng thậm chí có thể bị phá hủy ngay khi chưa tiêu diệt được máy bay nào của địch.
Không thể đơn thương độc mã chiến đấu
Một hệ thống S-400 trưng bày tại thành phố Sevastopol, Crimea tháng 4/2019. Ảnh: Reuters
Những luận điểm trên càng củng cố một điều, các hệ thống SAM như S-300 và S-400 không được thiết kế để chiến đấu một mình, chúng hiệu quả nhất khi trở thành một phần của hệ thống phòng không tích hợp (IADS) với quy mô rộng lớn hơn nhiều.
Một hệ thống IADS hiệu quả sẽ bao gồm nhiều lớp phòng thủ do các hệ thống SAM khác nhau – từ tầm ngắn đến tầm xa – tạo thành. Bên cạnh đó, IADS còn tích hợp nhiều hệ thống radar và cảm biến khác nhau để phát hiện kịp thời nhiều mối đe dọa.
Quy mô càng lớn (xét về phạm vi địa lý), mật độ càng dày (số lượng các hệ thống khác nhau được tích hợp) và công nghệ càng tiên tiến thì khả năng IADS bảo vệ được không phận càng tăng lên.
Mặc dù là nền tảng quan trọng của bất cứ hệ thống IADS hiện đại và hiệu quả nào nhưng các tổ hợp SAM tầm xa vẫn chỉ là một phần của mạng lưới rộng lớn. Chúng thậm chí còn phó thác an toàn của mình cho các hệ thống SAM tầm ngắn – được thiết kế để bắn hạ các mục tiêu của đối phương bằng cách kết hợp pháo và tên lửa tầm ngắn cơ động cao.
Về cơ bản, một hệ thống IADS hiệu quả phải kết hợp được sức mạnh khác nhau của nhiều hệ thống, tạo thành một chiếc ô phòng thủ nhiều lớp có khả năng chống chọi các cuộc tấn công dai dẳng và dữ dội. Trong mạng lưới này, tổ hợp SAM tầm xa có thể giữ vai trò "ngôi sao" nhưng không thể đơn thương độc mã tác chiến.
Một vài ví dụ điển hình
Các hệ thống phòng không S-300 và S-400 được triển khai trên thế giới. Ảnh: Stratfor.
Bối cảnh hiện nay có tác động như thế nào đến việc mua và trang bị các hệ thống SAM tầm xa? Câu trả lời phụ thuộc vào quốc gia sở hữu chúng.
Ngay cả khi xét đến yếu tố địa lý rộng lớn thì Nga-Trung Quốc rõ ràng là những quốc gia vận hành S-300 và S-400 hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại. Ở cả hai quốc gia này, các tổ hợp tên lửa đều được tích hợp vào hệ thống IADS có mật độ dày đặc và tinh vi, chúng còn được hỗ trợ bởi số lượng lớn tiêm kích đánh chặn.
Trong số các quốc gia đang vận hành tổ hợp SAM ở mức độ hiệu quả trung bình có Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại đây, S-400 không được hỗ trợ bởi số lượng lớn các tổ hợp SAM khác nhưng vẫn chứng minh được lợi ích của mình bởi mạng lưới phòng không chủ đạo của Thổ Nhĩ Kỳ - giống như nhiều nước khác trong khối NATO – đang lấy máy bay chiến đấu làm trung tâm.
Về cơ bản, S-400 sẽ lấp đầy khoảng trống quan trọng trong năng lực phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ, do Ankara hoàn toàn không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ tên lửa đạn đạo trước khi quyết định mua tổ hợp tên lửa của Nga.
Cuối cùng, những quốc gia như Syria – nước mới trang bị S-300 gần đây – lại có năng lực vô cùng hạn chế.
Cuộc nội chiến dai dẳng đã làm tê liệt mạng lưới IADS của Syria, kip vận hành của họ không được đào tạo bài bản và các hệ thống phòng không hiện có đều đã trở nên lạc hậu về công nghệ.
Bên cạnh đó, lực lượng tiêm kích của Syria có quy mô không đáng kể nếu so với các lực lượng không quân khác trong khu vực.
Mặc dù trên lý thuyết, các tổ hợp S-300 có thể gây ra thiệt hại nặng nề cho các máy bay Israel tấn công quốc gia này nhưng trên thực tế, chúng khó có thể sống sót sau khi bắn ra tên lửa đầu tiên.
Nhìn chung, theo Stratfor, các tổ hợp SAM tầm xa như S-400 không phải vũ khí thần kỳ, ngay cả hệ thống IADS hiệu quả nhất vẫn có thể bị áp đảo bởi các cuộc tấn công liên tục của đối phương nếu không được tăng cường và củng cố.
Tuy nhiên, một khi được hỗ trợ đầy đủ và đúng cách, S-400 chắc chắn có thể đóng vai trò quyết định, đặc biệt là khi phải chống lại các cuộc tấn công có quy mô hạn chế hơn.
Nga chuyển giao S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ
No comments:
Post a Comment