Đêm 19/6/2019, phòng không Iran đã bắn rơi tan xác chiếc máy bay trinh sát không người lái (UAV) RQ-4A Global Hawk tối tân của Mỹ trên Eo biển Hormuz với cáo buộc nó đã vi phạm không phận nước này.
Global Hawk là dòng máy bay trinh sát khổng lồ được Mỹ đưa vào hoạt động từ năm 2001. Máy bay có sải cánh 40 m và trọng lượng cất cánh tối đa 16 tấn. Các UAV này có tầm hoạt động hơn 12.000 hải lý, khả năng bay cực cao 60.000 (18.000 m) và có thể bay liên tục trong 34 giờ.
Giá trị của Global Hawk nằm ở chỗ chúng có thể cung cấp thông tin mục tiêu thời gian thực trên một không gian rộng lớn nhờ các cảm biến do thám cực mạnh.
RQ-4A Global Hawk đóng vai trò là một cỗ máy do thám khổng lồ trên trời và được mệnh danh như "một con quái vật" trinh sát. Theo một báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ, Global Hawk có chi phí sản xuất lên tới hơn 220 triệu USD.
Máy bay trinh sát không người lái (UAV) RQ-4A Global Hawk. Ảnh: Fox News
Amir-Ali Hajizade, Tư lệnh Không quân - Vũ trụ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) nói rằng, khi chiếc Global Hawk bị tiêu diệt, Iran cũng đã phát hiện thấy một máy bay trinh sát có người lái P-8 Poseidon của Mỹ cùng với 35 người trên khoang đang hoạt động gần đó.
Tuy nhiên, Iran đã quyết định không tấn công chiếc P-8 Poseidon mà chỉ chọn cách bắn rơi UAV RQ-4A để cảnh cáo Mỹ.
Việc Iran bắn hạ một máy bay không người lái siêu hiện đại của Mỹ trên Eo biển Hormuz là một sự kiện chấn động. Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh tấn công quân sự trả đũa và chỉ rút lại quyết định này đúng 10 phút trước khi nó được thực thi.
Thế nhưng, điều đáng kinh ngạc hơn là khi Iran tiết lộ về loại tên lửa mà nước này đã sử dụng để tiêu diệt UAV RQ-4A. IRGC cho biết đó là hệ thống tên lửa đất đối không Khordad 3 do Iran tự chế tạo nội địa và khi bị bắn rơi, chiếc Global Hawk "đang hoạt động ở chế độ tàng hình đầy đủ".
"Kẻ thù đã triển khai tới đây loại máy bay trinh sát tiên tiến nhất, thông minh nhất và tinh vi nhất nhưng mọi người đều chứng kiến nó đã bị tiêu diệt", Chuẩn đô đốc Hossein Khanzadi của Hải quân IRGC tuyên bố. "Tôi tự tin nói rằng, đòn đáp trả mạnh mẽ này hoàn toàn có khả năng lặp lại và kẻ thù biết rõ điều đó".
Khordad 3 được cho là có tầm bắn lên tới 200km. Ảnh: MW
Khordad 3 là biến thể đặc biệt của hệ thống phòng không tầm trung Raad ("Sấm Sét") do Iran chế tạo và đưa vào biên chế từ giữa những năm 2010. Hệ thống tên lửa này đã được sản xuất hàng loạt và đóng vai trò là vũ khí chủ chốt của các lực lượng phòng không Iran, có chức năng bổ trợ cho các hệ thống tầm xa hơn, trong đó có S-200 và S-300PMU-2.
Khordad 3 là phiên bản có khả năng tấn công xa nhất của hệ thống tên lửa Raad với tầm bắn được cho là lên tới 200km. Khordad 3 có thể phát hiện và tiêu diệt các loại máy bay chiến đấu phản lực, máy bay ném bom, UAV và tên lửa hành trình ở độ cao đến 27 km. Hệ thống cũng có thể phóng 8 tên lửa tấn công 4 mục tiêu cùng lúc.
Theo báo Pravda, Raad đặc biệt giống với hệ thống tên lửa Kub (Cube) đã lỗi thời của Liên Xô. Raad trang bị một đầu dẫn cải tiến và Iran có thể đã tiếp nhận công nghệ dẫn đường này từ Nga. Pravda cho rằng điều này giải thích tại sao máy bay không người lái của Mỹ với những hệ thống bảo vệ điện tử tiên tiến nhất cũng không thoát khỏi đòn tấn công của tên lửa Iran.
Việc Iran sử dụng tên lực Khordad 3 để bắn rơi một UAV tối tân như RQ-4A Global Hawl chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ tới cán cân quyền lực ở Trung Đông. Một điều dễ nhận thấy nhất là các đối thủ sẽ phải cảnh giác hơn trước những nguy cơ đến từ các hệ thống phòng không chế tạo nội địa của Iran.
Đó là chưa kể tới việc Iran hiện nay đang sở hữu khoảng 400 quả tên lửa S-300 với tầm bắn 200 km cùng khoảng 1.500 tên lửa khác ở tầm tấn công 40 km.
Theo Pravda, 3 ngày sau sự kiện chiếc UAV RQ-4A bị bắn hạ, Mỹ đã phải điều tàu sân bay Abraham Lincoln ra cách bờ biển Iran ít nhất 300 km còn tàu tấn công đổ bộ Wasp cũng đã lui về kênh đào Suez.
Iran tiết lộ hệ thống tên lửa phòng không Khordad 3
No comments:
Post a Comment