Theo Sputnik, tàu khu trục HMS Duncan di chuyển qua eo biển Thổ Nhĩ Kỳ trên hành trình tới vịnh Péc-xích để cùng một chiến hạm khác của Anh đã có mặt trong khu vực làm nhiệm vụ hộ tống các tàu thuyền thương mại Anh đi qua eo biển Hormuz.
Trước đó, tàu khu trục HMS Duncan đã được triển khai tới Biển Đen vào đầu tháng này để tham gia cuộc tập trận "Sea Breeze 2019" cùng với các thành viên trong khối quân sự NATO cũng như với Georgia, Moldova, Thụy Điển và Ukraine .
Được trang bị các tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm, tàu khu trục HMS Duncan được đánh giá là khu trục hạm lớn và hiện đại nhất của hải quân Anh. Tàu còn có thể chở theo từ 1 – 2 chiếc trục thăng đa nhiệm Lynx Wildcat. Đặc biệt, tàu HMS Duncan được cho là tàu chiến thích hợp nhất nếu phải đối đầu với tình huống Iran phóng hàng loạt tên lửa chống hạm .
Theo đó, tàu khu trục HMS Duncan được 4 tàu chống mìn cùng 1 tàu cung ứng yểm trợ trên hành trình tới vịnh Péc-xích hôm 12/7.
Thông tin về hoạt động triển khai tăng cường lần này được hải quân Anh công bố sau vụ việc hôm 10/7, 5 xuồng vũ trang của Iran được cho cố tình tiếp cận và có ý định bắt giữ tàu chở dầu Heritage của Anh.
Tuy nhiên, sau khi nhận được lời cảnh báo từ tàu hộ vệ HMS Montrose, các xuồng vũ trang của Iran đã phải giải tán. Sự việc diễn ra khi tàu hộ vệ HMS Montrose đang hộ tống tàu chở dầu Heritage trong lúc đi qua eo biển Hormuz.
Sau vụ việc, Anh quyết định nâng mức cảnh báo an ninh đối với toàn bộ tàu thuyền thương mại của Anh hoạt động gần hoặc trong vùng lãnh hải của Iran.
Về phần mình, Iran phủ nhận cáo buộc có ý định bắt giữ tàu chở dầu Heritage. Giữa lúc căng thẳng Anh - Iran , Tổng thống Hassan Rouhani nhấn mạnh, việc Anh tăng cường hoạt động điều động tàu thuyền tới khu vực là dấu hiệu cho thấy London đang thực sự "sợ hãi".
Theo ông Rouhani, thực tế London đã ý thức được rằng hành động bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 treo cờ Panama mang theo 2 triệu thùng dầu thô của Iran ở ngoài khơi Gibraltar là hành động phi pháp.
Cụ thể vào sáng ngày 4/7, với sự hỗ trợ của lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, chính quyền Gibraltar, vùng lãnh thổ hải ngoại của Anh ở cực nam bán đảo Iberian, đã bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 mang theo 2 triệu thùng dầu thô của Iran trước nghi ngờ tàu chở dầu vận chuyển hàng tới Syria. Hành động bắt tàu Grace 1 được Anh thực hiện theo yêu cầu từ phía Mỹ.
Iran tuyên bố hành động bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 giống như "cướp biển" và triệu tập đại sứ Anh tới để phản đối. Tehran cũng nhấn mạnh dùng mọi biện pháp chính trị cho tới pháp lý để đảm bảo tàu Grace 1 được thả.
Hôm 13/7, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Anh Jeremy Hunt.
Trong cuộc trò chuyện, ông Zarif nói rằng Iran sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu mỏ trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng thời hối thúc Anh thả tàu chở dầu Grace 1. Song Bộ trưởng Hunt cho rằng, Anh sẽ thả tàu Grace 1 chỉ khi nào Iran chứng minh con tàu này không chuyển dầu tới Syria.
No comments:
Post a Comment