Cho tới thời điểm hiện tại, dù liên tiếp "bỏ thêm dầu vào lửa", thế nhưng chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa có động thái nào rõ ràng là sẽ kích hoạt một cuộc không kích vào Iran .
Ngay cả sự kiện Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) bắn rơi siêu UAV trị giá gần 200 triệu USD của Hải quân Mỹ cũng chưa khiến ông Trump "bấm nút đỏ", thì chưa chắc những tuyên bố gần đây liên quan tới vấn đề hạt nhân có thể khởi động một cuộc chiến.
Thay vào đó, không loại trừ một khả năng Israel - đồng minh thân cận của Mỹ tại Trung Đông có thể mới là lực lượng trực tiếp "xuống tay" với Iran.
So với các đồng minh khác của Mỹ, Israel có nhiều mối "thâm thù" hơn với Iran. Thời điểm hiện tại, các cuộc không kích của Israel vào Syria đều là nhắm các mục tiêu mà họ cho là kho vũ khí của Iran hay các căn cứ Iran mà Damascus cho phép thiết lập.
Từ lâu, Israel luôn cáo buộc rằng Tehran "lén lút" tuồn nhiều loại tên lửa và rocket cho hai tổ chức quân sự Hamas và Hezbollah. Các lực lượng này đã sử dụng vũ khí Iran tiến hành không kích sâu vào lãnh thổ của Israel.
Chừng ấy lý do là cũng đã đủ để Israel có thể dấn thân sâu hơn vào xung đột Mỹ - Iran bằng một cuộc không kích "hộ" trừng phạt Iran. Câu hỏi đặt ra là Israel sẽ làm thế nào trong trường hợp họ phát động chiến tranh với Iran khi mà khoảng cách địa lý hai bên nằm cách rất xa nhau.
Không quân xuất trận biến không thành có
Nhiều khả năng, Không quân Israel (IAF) sẽ là một trong những lựa chọn số một của Tel Aviv khi mở các cuộc không kích vào Iran. Bởi như đã đề cập, vị trí không có chung đường biên giới khiến nỗ lực sử dụng lục quân là hoàn toàn vô nghĩa.
Tất nhiên đó sẽ là chiến dịch vô cùng khó khăn và rất mạo hiểm vì cự ly bay quá xa, nếu tính từ sân bay nằm trong lãnh thổ Israel thì máy bay IAF phải bay khoảng 1.000km để tới mục tiêu gần nhất của Iran.
Mà lưu ý là các máy bay tiêm kích như F-15E hay F-35I của IAF dù cho có tầm bay cực đại theo thiết kế là 2.500-3.000km nhưng nếu mang vũ khí và nhiên liệu thì thực tế bán kính chiến đấu chỉ hơn 1.000km, tức là tầm bay tối đa khoảng 2.000km.
Chưa kể đó cũng chỉ là mang tính lý thuyết, vì đường bay "không thẳng" dẫn tới mức tiêu thụ nhiên liệu ảnh hưởng, rồi thời gian bay dài cũng đặt nhiều gánh nặng lên tâm lý phi công.
Khoảng cách địa lý là cản trở khiến Israel khó có thể vươn tới Iran.
Dĩ nhiên là có giải pháp cho việc này, đó là thực hiện việc tiếp nhiên liệu trên không giữa chặng bay. IAF hiện có khả năng đó với 13 máy bay tiếp dầu Boeing 707 và KC-130H. Vấn đề là sẽ phải xin phép vào không phân quốc gia khác như Jordan, Iraq hay Ả Rập Saudi tùy vào đường bay tiếp cận Iran.
Quan hệ giữa Tel Aviv với Washington có thể giúp giải quyết một phần khó khăn này, nhưng phải lưu ý là mọi thứ rất khó khăn.
Bởi không ít đồng minh Trung Đông của Mỹ cũng có thái độ không thích thú Tel Aviv.
Một cách thuận lợi hơn nữa, nếu Washington nhất trí để Tel Aviv "bắn phát đầu" thì nghĩa là cần có sự hỗ trợ nhiệt thành.
Có thể Không quân Mỹ với sức mạnh của mình sẽ sử dụng chính máy bay tiếp dầu của họ giúp Israel có thêm nhiên liệu trên không ngay cả trên khu vực gần biên giới Iran - Iraq nhất.
Giả định, máy bay IAF cất cánh từ Israel bay vượt qua Jordan, tiếp nhiên liệu ở Iraq rồi bay vào Iran không kích. Sau đó khi rút ra, tùy điều kiện họ sẽ nhận nhiên liệu từ máy bay Mỹ một lần nữa ở không phận Iraq và rút về.
Ở đây cũng chỉ là những dự đoán sơ bộ, còn thực tế Israel làm cách nào thì còn phải chờ xem liệu họ có dấn thân sâu hơn hay không. Nhưng phải nhắc nhở một điều rằng, nhìn từ lịch sử IAF tới cuộc không kích gần đây nhất ở Syria, Không quân Israel là lực lượng tinh nhuệ bậc nhất thế giới, có thể biến những điều tưởng chừng không thể thành có thể.
Trong quá khứ, họ từng khiến Iraq - quốc gia láng giềng Iran "ôm hận" khi bị phá tan chương trình hạt nhân chỉ trong "một nốt nhạc".
Chiến tích chấn động - Baghdad cách Iran không bao xa
Ngày 7/6/1981, 8 máy bay F-16A (mỗi chiếc mang hai bom Mk84 một tấn) cùng 6 F-15A hộ tống "vượt biên" Jordan và Ả Rập Saudi đi sâu vào không phận Iraq, hủy diệt hoàn toàn lò phản ứng hạt nhân Osirak - cách Baghdad 17km về phía Tây Nam rồi rút ra an toàn.
Đường bay của 14 chiếc F-15/16 không kích lò phản ứng hạt nhân tại Baghdad.
Đáng chú ý, trong chiến dịch này, Israel không thèm trao đổi trước với Jordan và Ả Rập Saudi. Họ "xâm nhập trái phép" nhưng không hề bị phát hiện, phi công IAF dùng tiếng Ả Rập trò chuyện với nhau, thậm chí nói với không lưu Jordan rằng họ là đội bay tuần tra Saudi bị lạc hướng.
Còn khi bay vào Ả Rập Saudi, họ lại giả vờ là người Jordan, sử dụng tín hiệu và hình thức vô tuyến của Jordan.
Khi tới không phận Iraq, hai phi đội tách ra, F-15 phân tán đánh lạc hướng và bảo vệ. Phi đội F-16 bay ở độ cao chỉ 30m trên sa mạc, khi cách Osirak 20km cả đội hình leo lên 2.100m rồi lao xuống cắt bom. Chương trình hạt nhân Iraq diệt vong từ đây.
Như thế để thấy rằng, không gì là không thể với Không quân Israel (IAF), từ Baghdad tới biên giới Iran cũng không còn quá xa. Mọi thứ hoàn toàn có thể xảy ra, đó sẽ là chiến tích chấn động, "có 1-0-2".
Máy bay hiện đại, phi công giàu kinh nghiệm của IAF có thể biến không thành có.
Hay tên lửa bí hiểm nhất dưới lòng biển
Ngoài quân bài không quân, nếu như việc khởi động chiến dịch không kích Iran bằng không quân tiềm ẩn rủi ro lớn thì Israel có thể tính tới việc dùng sức mạnh dưới lòng biển sâu.
Ngày 5/7/2013, kho tên lửa chống hạm Oniks đặt ở bờ biển thành phố Latakia bất ngờ bị không kích. Phải nhiều ngày sau, theo nguồn tin báo chí Anh, người ta mới xác định một cách chủ quan rằng "tác giả" là tên lửa hành trình Turbo Popeye được phóng từ tàu ngầm Israel.
Tuy nhiên, vụ tấn công không nhận được phản hồi từ Tel-Aviv, thế nên tới nay vũ khí này vẫn là "quân bài bí hiểm" của Hải quân Israel.
Theo FAS, tháng 5/2000, Israel lần đầu thử thành công tên lửa hành trình Turbo Popeye từ tàu ngầm Dolphin. Vụ phóng được thực hiện ngoài khơi Sri Lanka ở Ấn Độ Dương được cho là đã bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 1.500km.
Turbo Popeye là phiên bản của tên lửa không đối đất Popye được Israel phát triển từ mẫu AGM-142 HAVE NAP của Mỹ.
Tên lửa có đường kính thân khoảng 650mm, dài chừng 6,25m, sử dụng động cơ phản lực nhiên liệu lỏng, trang bị đầu đạn thông thường hoặc đầu đạn hạt nhân 200 kiloton.
Dù có lai lịch bí ẩn, nhưng nếu thực sự đạt cự ly bắn khoảng 1.000km trở lên, sẽ rất hợp lý khi sử dụng Turbo Popeye không kích Iran. Mà chưa kể tàu ngầm mang phóng không cần thiết tới vùng Vịnh mà nằm trong vùng nước an toàn gần bờ biển Israel để phóng đạn.
Hạn chế của nó là sẽ không thể đi sâu vào trong lãnh thổ Iran vì dù tầm bắn cực đại có thể là 1.500km, nhưng tầm hiệu quả đạt độ chính xác cao có lẽ chỉ rơi vào 1.200-1.300km.
Nói chung, việc sử dụng bất cứ lực lượng nào để tấn công Iran với Israel đều là nhiệm vụ khó nhằn, nhưng vẫn khả thi và có thể thực hiện.
Video giới thiệu tiêm kích F-16I Soufa của Israel.
No comments:
Post a Comment