Bí ẩn chiếc tàu ngầm gặp nạn cướp đi sinh mạng của 14 thủy thủ
Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/7 thông báo, một chiếc tàu ngầm nghiên cứu của họ đã bốc cháy trong quá trình làm nhiệm vụ khiến 14 thủy thủ thiệt mạng. Vụ tai nạn xảy ra khi con tàu được cho là đang hoạt động ở vùng lãnh hải Nga trên biển Barents.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đây là một tổn thất vô cùng lớn lao bởi trong số 14 thủy thủ tử vong có tới 2 Anh hùng Liên bang Nga và 7 sĩ quan cao cấp của Hải quân Nga.
Bộ Quốc phòng Nga không công bố thông tin về con tàu gặp nạn hôm 1/7 mà chỉ nói rằng đó là một tàu lặn nghiên cứu biển sâu được thiết kế để thực thi các sứ mệnh phục vụ lợi ích của Hải quân Nga.
Tuy nhiên, rất nhiều kênh truyền thông Nga cho biết đó là tàu ngầm Losharik (AS-12). Ngoài ra, còn một hãng tin tức khác cho đó là tàu AS-31 với những thiết kế tương tự.
Cả hai đều là loại tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân và suốt nhiều năm qua từng là chủ đề bàn tán của nhiều nhà phân tích hải quân phương Tây, đặc biệt là về thiết kế và các khả năng của chúng.
Theo một blogger hải quân rất có uy tín, AS-12 là tàu ngầm lặn sâu tối mật chuyên thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt đặt dưới sự vận hành của Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu Hải quân Nga (GUGI).
Trang bị động cơ hạt nhân và có thủy thủ đoàn lên tới 25 người, con tàu được đưa vào biên chế từ đầu những năm 2000 và được cho là có khả năng lặn sâu tới 6.100 m.
Thiết kế chuyên dụng cho phép tàu có thể lặn sâu hơn tất cả các tàu ngầm tấn công hoặc tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo bình thường khác của Nga. AS-12 cũng được thiết kế để các tàu ngầm cỡ lớn hơn có thể chở hoặc mang theo nó dưới bụng để đảm báo tính bí mật và tránh bị phát hiện bởi sonar hay các thiết bị do thám khác.
Theo các nhà phân tích quân sự phương Tây và ít nhất một blogger chuyên theo dõi hải quân Nga thì tàu mẹ vận chuyển chính của AS-12 là tàu BS-136 Orenburg, một biến thể cải tiến từ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Delta III.
Hình ảnh được cho là của tàu Losharik
Những câu hỏi đau đớn còn để ngỏ
Trong những năm gần đây, mặc dù chi tiêu quân sự nói chung bị cắt giảm nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn rót hàng chục tỉ USD để nâng cấp các lực lượng vũ trang cũng như tăng cường hoạt động cho các quân binh chủng.
Lực lượng hải quân tất nhiên không phải là ngoại lệ, nhất là khi Quân đội Nga tăng cường sự hiện diện ở Syria và ở phía Đông Địa Trung Hải.
"Mật độ các chiến dịch tăng cao sẽ làm gia tăng nguy cơ xảy ra tai nạn", Jeffrey Edmonds, cựu thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia và hiện là học giả nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở ở Washington nhận xét.
"Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định nguyên nhân vụ hỏa hoạn và liệu đó có phải lỗi do con người gây nên hay do lỗi kỹ thuật. Sự cố chắc chắn sẽ có tác động to lớn tới hoạt động của GUGI vì đây đều là những tàu ngầm rất tiên tiến và chỉ được biên chế số lượng tương đối ít".
Với vai trò là cơ quan nghiên cứu thử nghiệm hàng đầu của Hải quân Nga, GUGI là đơn vị đứng sau một số án chế tạo vũ khí gây chú ý những năm gần đây, trong đó có cả siêu ngư lôi hạt nhân.
GUGI cũng chịu trách nhiệm phát triển tàu ngầm Yantar, hạ thủy năm 2015 và có khả năng mang theo 2 tàu lặn có người lái cùng một thiết bị ngầm dưới nước điều khiển từ xa.
"Yantar có các thiết bị trong khoang phục vụ theo dõi biển sâu cũng như để kết nối với các cáp truyền thông thuộc dạng tối mật", Rossiyskaya Gazeta - tờ báo chính thức của Chính phủ Nga tiết lộ trong một bài viết năm 2017 về các khả năng do thám của Yantar.
Điều đáng chú ý là Yantar neo đậu cùng cảng với tàu AS-12 tại Severomorsk thuộc Bán đảo Kola.
Tàu mẹ vận chuyển AS-12 là tàu BS-136 Orenburg, một biến thể cải tiến từ tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo Delta III
Năm 2018, Mỹ từng cáo buộc Moscow "theo dõi các cáp ngầm thông tin dưới đáy biển" và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với công ty được cho là cung cấp các thiết bị lặn sâu cho Cơ quan An ninh Liên bang Nga.
Ngày 2/7, khi thông tin về vụ hỏa hoạn trên chiếc tàu ngầm nghiên cứu Hải quân Nga được công bố đã xuất hiện nhiều đồn đoán khác nhau về điều gì đã khiến con tàu bắt lửa, liệu rằng các thủy thủ bị chết có phải do ngạt khói hay còn bởi những lý do nào khác và liệu đám cháy xảy ra trên chính con tàu này hay một tàu lặn khác do AS-12 vận chuyển?
Với nhiều người Nga, sự cố này gợi nhớ lại một thảm kịch đau buồn nhất trong cuộc đời Tổng thống của ông Putin: Vụ đắm tàu ngầm Kursk năm 200 cướp đi sinh mạng của 118 thủy thủ.
"Nga đã đầu tư rất nhiều nguồn lực để phát triển các khả năng tác chiến mới dưới lòng biển nhưng mọi thứ tôi nhận thấy dường như đâu đó vẫn còn ảnh hưởng bởi những di sản từ thời Liên Xô, nhất là vấn đề kiểm soát thiết kế quá tập trung và nạn tham nhũng", Don Thieme, sĩ quan Thủy quân Lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu nhận xét.
Tuy nhiênk, cũng theo Don Thieme, hiện đang là giáo sư tại Trung tâm Nghiên cứu Tác chiến Hải quân thuộc Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ thì "đừng bao giờ đánh giá thấp khả năng sáng tạo của Nga trong các tiến trình thiết kế và cách tư duy của họ về không gian biển".
Don Thieme cho rằng, dù bởi bất cứ lý do nào thì sự cố tàu lặn bị cháy cũng là một ngày buồn đối với lực lượng tàu ngầm Nga nói riêng và Hải quân Nga nói chung và tất nhiên chính họ sẽ phải là người trả lời những câu hỏi đau đớn chưa được giải đáp hiện nay.
Tàu ngầm Nga Yuri Dolgorukiy phóng thử tên lửa Bulava
No comments:
Post a Comment