Trong thông điệp liên bang thường niên hôm thứ Năm (1/3), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cho trình chiếu một loạt video tiết lộ về các vũ khí hạt nhân hoàn toàn mới của Nga với sức công phá cực lớn.
Ông Putin tuyên bố Nga đã phát triển được một "tên lửa hành trình toàn cầu" trang bị động cơ hạt nhân "không thể đánh chặn" và có tầm bắn "không giới hạn" trên thực tế.
Nhà lãnh đạo Nga cũng đã giới thiệu phiên bản mô phỏng máy tính một thiết bị lặn không người lái vũ trang hạt nhân tốc độ cao, có khả năng tấn công cả tàu chiến và các mục tiêu duyên hải.
"Nga đã từng và vẫn đang là cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới", Tổng thống Putin phát biểu với các khán giả tham dự buổi đọc thông điệp liên bang tổ chức tại Moscow.
Ông Putin cũng tuyên bố Nga đang phát triển một thế hệ các vũ khí hạt nhân tiên tiến, trong đó có tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể tấn công bất cứ nơi nào trên thế giới và không thể bị bắn hạ bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa.
"Các quốc gia khác chỉ lắng nghe Nga khi chúng ta phát triển các hệ thống vũ khí mới", hãng tin Sputnik dẫn lời ông Putin cho biết. "Vậy thì bây giờ họ hãy lắng nghe".
Theo nhận xét của David Wright - nhà vật lý đồng thời là chuyên gia tên lửa của Union of Concerned Scientists, ý tưởng về một tên lửa hành trình "không thể đánh chặn", có thể bay khắp thế giới mà không bị phát hiện dường như rất khó khá thi vì nó sẽ tăng nhiệt tới mức cực độ trong quá trình phóng.
Tuy nhiên, chuyên gia David Wright phải thừa nhận sự tồn tại thực tế của một loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mà ông Putin giới thiệu trong bài phát biểu của mình.
"Chúng ta biết Nga đang phát triển một số hệ thống mới với tầm bắn xa hơn và tải trọng lớn hơn", ông Wright nói.
Loại ICBM được đề cập tới ở đây chính là RS-28 Sarmat hay SS-X-30 Satan 2 theo cách gọi của NATO mà Nga đã tập trung phát triển ít nhất cũng từ năm 2009.
Tên lửa RS-28 Sarmat hay SS-X-30 Satan 2 theo cách gọi của NATO
Mức độ nguy hiểm của RS-28 Sarmat
Tên lửa RS-28 Sarmat mà ông Putin tuyên bố đã được Nga triển khai ở một số giếng phóng là phiên bản thay thế cho ICBM Sarmat chế tạo từ những năm 1970. Theo Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đến năm 2020 loại tên lửa mới này của Nga sẽ được đưa vào biên chế đầy đủ cho 50 giếng phóng.
RS-28 Sarmat có thể mang theo 10 đầu đạn lớn, 16 đầu đạn nhỏ theo cấu hình kết hợp giữa đầu đạn tấn công và đầu đạn đối phó, hoặc lên tới 24 thiết bị phóng lướt siêu thanh YU-74.
Điều đó có nghĩa rằng, RS-28 Sarmat sẽ mang được tải trọng thuốc nổ tương đương với 8 megaton TNT, tức đạt sức công phá gấp hơn 400 lần quả bom nguyên tử mà Mỹ từng ném xuống Nhật Bản vào năm 1945.
RS-28 Sarmat sử dụng "công nghệ hồi quyển đa đầu đạn phân hướng độc lập" (MIRV) để tấn công, nghĩa là mỗi đầu đạn mà nó mang theo có thể độc lập tấn công từng mục tiêu riêng rẽ. Tùy thuộc vào vị trí triển khai trên không trung và cách thức di chuyển, mỗi đầu đạn có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách hàng trăm dặm.
Video về RS-28 Sarmat được Tổng thống Putin công bố
Tại sao ông Putin tuyên bố RS-28 Sarmat là "bất khả chiến bại"?
Để đánh chặn một đầu đạn hạt nhân, một công nghệ đang được Mỹ nghiên cứu phát triển có tên gọi "thiết bị tấn công động năng" (kinetic kill vehicle).
Về cơ bản đây là một đầu đạn công nghệ cao cỡ lớn được phóng lên bằng tên lửa. Các đầu đạn này có thể tự định vị mục tiêu (đầu đạn hạt nhân), ra đòn tấn công ngay trong quá trình bay ở giai đoạn giữa và phá hủy đầu đạn hạt nhân.
Tuy nhiên, theo chuyên gia David Wright, vẫn còn nhiều cách khác để xâm nhập hệ thống phòng thủ của đối phương giống như loại đầu đạn mà ông Putin tuyên bố là "bất khả chiến bại".
RS-28 Sarmat được trang bị các hệ thống dẫn đường tiên tiến và có thể là một số biện pháp đối phó để đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa. Chẳng hạn như, chuyên gia Wright phân tích, Nga có thể trang bị cả chục đầu đạn mồi bẫy cho RS-28 Sarmat để hút tên lửa tấn công phóng lên từ hệ thống phòng thủ.
Ông Wright cũng đã từng nghiên cứu về các biện pháp khác mà Nga có thể sử dụng để xuyên thủng các tổ hợp phòng thủ của Mỹ, trong đó có hệ thống làm lạnh đầu đạn với mục đích gây nhiễu cho các hệ thống chống tên lửa tầm nhiệt và ngụy trang cho đầu đạn thật.
Giếng phóng tên lửa RS-28 Sarmat
Mỹ có loại ICBM nào sánh bằng?
Năm 2005, Mỹ đã cho loại biên "Lính Gìn giữ Hòa bình" (Peacekeeper), tên lửa có thể mang theo các đầu đạn phân hướng độc lập tấn công mục tiêu lớn nhất của mình. Một quả tên lửa Peacekeeper có thể mang theo 10 đầu đạn nhiệt hạch.
Tuy nhiên, ngày nay Mỹ còn sở hữu nhiều vũ khí hạt nhân khác có thể mang theo MIRV. Một trong số đó là tên lửa đạn đạo Trident II phóng từ tàu ngầm và đủ sức mang theo cả chục đầu đạn hạt nhân. Hoặc Mỹ còn lựa chọn khác là ICBM Minuteman III phóng từ giếng ngầm mang theo 3 đầu đạn hạt nhân.
No comments:
Post a Comment