Đại diện Cục tác chiến - Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nga, Tướng Sergei Rudskoy ngày 17/3 thông báo với hãng thông tấn Interfax rằng, Hải quân Mỹ đang hình thành các nhóm chiến hạm mang tên lửa hành trình ở khu vực biển Địa Trung Hải, Vịnh Ba Tư và biển Đỏ.
Đây có thể xem như động thái thực tế đầu tiên của Mỹ sau khi bà Nikki Haley - Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc ngày 12/3 cảnh báo rằng Washington sẵn sàng hành động ở Syria để chấm dứt các vụ tấn công hóa học.
Trong tình cảnh "căng như dây đàn" vào thời điểm hiện tại, liệu một cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu quân sự của Syria như vụ tập kích bất ngờ hồi năm ngoái có sớm xảy ra?
Tên lửa hành trình tấn công mặt đất BGM-109 Tomahawk được phóng đi từ khu trục hạm lớp Arleigh Burke
Mặc dù đã có sự triển khai lực lượng từ phía Mỹ, nhưng theo một số ý kiến đánh giá thì khó mà diễn ra một cuộc oanh kích chớp nhoáng như vụ tấn công vào sân bay quân sự Shayrat.
Yếu tố đầu tiên được nhắc tới trong lúc này chính là lời cảnh báo của Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nga - Đại tướng Valery Gerasimov rằng trong trường hợp tính mạng quân nhân Nga bị đe dọa, các lực lượng vũ trang Nga sẽ đáp trả bằng biện pháp nhất định vào "tên lửa" cũng như các "bệ phóng" của chúng.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng mục tiêu của Mỹ chắc chắn không phải vị trí đóng quân của người Nga, vì họ chẳng dại gì làm cho cuộc chiến trở nên mất kiểm soát. Phía Nga mặc dù "lên gân" nhưng cũng khó mà chủ động khai hỏa vũ khí vào chiến hạm Mỹ để trợ giúp đồng minh.
Trong thời kỳ đỉnh cao của chiến tranh Lạnh mà tiêu biểu là cuộc chiến tranh Afghanistan, khi biết thừa Mỹ có sự trợ giúp bằng cách cung cấp vũ khí và huấn luyện các chiến binh Taliban để gây ra thương vong cho binh sĩ, nhưng Liên Xô cũng không thể trả đũa trực tiếp.
Nay khi nước Nga đang bị thất thế quá lớn so với người Mỹ (không chỉ riêng lực lượng tại chỗ mà cả quân lực tổng thể) thì tuyên bố trên của tướng Valery Gerasimov có lẽ chỉ nhằm phô trương thanh thế mà thôi.
Tuần dương hạm lớp Ticonderoga phóng tên lửa hành trình Tomahawk
Vậy nếu như không cần quá bận tâm đến biện pháp đáp trả của Quân đội Nga thì yếu tố nào giúp "hạ hỏa" hành động quân sự của Mỹ với Syria? Theo nhận định đó chính là tin tình báo.
Trong cuộc tấn công vào năm ngoái, Mỹ có được lợi thế rất lớn vì nắm giữ yếu tố bất ngờ, họ tấn công vào thời điểm ít ai nghĩ tới, các chiến hạm áp sát bờ biển và phóng Tomahawk ở chế độ bay thấp toàn phần khiến hệ thống radar trinh sát của Nga không kịp phát hiện để cảnh báo sớm cho đồng minh.
Nhưng nay khi người Nga đã chú ý và theo dõi nhóm tàu chiến Mỹ ngay khi chúng vừa tập trung lực lượng thì sự bất ngờ đã chẳng còn, chắc chắn mọi động thái của Hải quân Mỹ đều đã bị theo dõi sát sao.
Nếu Mỹ phóng Tomahawk trong thời điểm này, Nga sẽ ngay lập tức cảnh báo cho Quân đội Syria để sẵn sàng đáp trả hay chí ít là sơ tán lực lượng giúp hạn chế thương vong, khi đó hiệu quả của đòn tấn công gần như vô tác dụng.
Đây có lẽ mới chính là yếu tố quan trọng nhất để "đình chỉ" cuộc tấn công của Mỹ vào Syria, cần lưu ý rằng Hoa Kỳ vốn nổi tiếng về độ thực dụng, họ sẽ chẳng quăng một đống tiền đi nếu như kết quả thu về dưới kỳ vọng. Bởi vậy hành động tập trung lực lượng vào lúc này nhiều khả năng chỉ nhằm gây áp lực chứ không phải sẵn sàng cho chiến tranh.
Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng đi từ khu trục hạm USS Porter vào đêm 6/4/2017
No comments:
Post a Comment