Lịch trình thay đổi liên tục vì... ông trời
Nhận được thông báo, khoảng 7h sáng ngày 05/03 tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) sẽ tiến vào vịnh Đà Nẵng bắt đầu chuyến thăm hữu nghị tới Việt Nam, được "thổ địa" dẫn đường, ngay từ chiều hôm trước tôi đã chọn được "chốt" khá đẹp trên bán đảo Sơn Trà để triển khai "phục kích" tàu sân bay Mỹ từ xa.
Sáng hôm sau, chừng 6h30 bắt đầu rời khách sạn để đón tàu, lên đến nơi, chưa đến 7h mà đã có hàng chục phóng viên cả trong nước và quốc tế phục sẵn. Hóa ra thiên hạ cũng khôn... như mình. Ấn tượng nhất có lẽ là đội phóng viên của các hãng thông tấn nước ngoài như AFP, Reuters, Phượng Hoàng (Hongkong),... với trang thiết bị toàn hàng khủng.
Dường như ông trời muốn thử thách lòng người khi mà Đà Nẵng trời nắng to, nhưng trên biển rất nhiều sương mù, tầm nhìn hạn chế. Chờ mãi đến 8h mà tàu vẫn chưa thấy đâu. Mọi người bắt đầu sốt ruột thì có tin từ Đại sứ quán Mỹ báo là do thời tiết chưa thuận lợi nên quãng 9h30 tàu sân bay USS Carl Vinson mới vào.
Trời nắng, nóng, các phóng viên chui hết vào lầu vọng cảnh nằm ở lưng chừng núi để nghỉ. 10h vẫn chưa thấy gì và trời vẫn nhiều mù thì lại có thông báo 11h tàu vào, sau đó lại báo lịch lùi tới 12h.
Đông đảo phóng viên trong nước và quốc tế "săn" tàu sân bay Mỹ trên đỉnh Sơn Trà. Ảnh: Bình Nguyên.
Bên phía Đại sứ quán Mỹ thông tin cập nhật thường xuyên, ngay khi nhận được lịch trình mới và có lời xin lỗi rất nhã nhặn, chuyên nghiệp mong mọi người thông cảm vì lịch trình nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Đúng vào lúc mọi người đang tùy nghi nghỉ ngơi thì tôi phát hiện một dấu hiệu lạ trên biển. "Con đò dịch đít sang ngang, xa xa thấy một cái... tàu thò ra". "Nó vào kìa!", tôi báo với mọi người. Thế là tất cả cuống lên, vác vội máy ảnh, máy quay, chạy ào ào như "ong vỡ tổ" ra chiếm lĩnh vị trí để tác nghiệp. Ai đang buồn ngủ thì cũng tỉnh cả người.
Chuyến đi nhớ đời
Được lên thăm tàu sân bay USS Carl Vinson thuộc loại "khủng" và "khét tiếng" nhất thế giới là vinh dự của bất cứ phòng viên nào bởi lẽ con tàu này chính là nơi xác của trùm khủng bố Osama Bin Laden bị thả xuống biển. Nó cũng từng tham gia nhiều chiến dịch lớn của Hải quân Mỹ trên gần như khắp thế giới.
Cơ hội hiếm có nên khi tập trung chuẩn bị lên tàu chuyển tải ra tàu sân bay, các phóng viên đều mau mắn có mặt. Không một ai lơ là để vuột mất chuyến đi đáng nhớ đã ở trong tầm tay.
Tác giả trên khoang chỉ huy điều khiển của tàu chuyển tải
Tàu chuyển tải là tàu khách đi biển loại lớn, thế nhưng cũng khi tiến ra vịnh Đà Nẵng cũng có cảm giác khá bồng bềnh. Tuy vậy, hầu như rất ít phóng viên bị say sóng. Ai cũng cố gắng chui lên mũi tàu chuyển tải để ghi được những tấm hình to, rõ nhất.
Tôi cũng không ngoại lệ, tìm cách có một vị trí thuận lợi để tác nghiệp, nhưng trước đó cũng kịp leo lên khoang điều khiển của con tàu này hỏi thăm kíp lái và cũng hỏi han, sờ mó được vài thứ.
Tàu sân bay USS Carl Vinson như một thành phố nổi trên biển. Ảnh: Bình Nguyên.
Đây rồi, tàu sân bay USS Carl Vinson hiện ra hoành tráng như một thành phố nổi trên biển. Nó dài tới hơn 300m, nặng hơn 100.000 tấn cơ mà. Phóng viên thi nhau chụp ảnh. Trời Đà Nẵng đến tận lúc này mới chiều lòng người khi trong vắt, đẹp tuyệt vời.
Từ xa đã có thể thấy lố nhố trên boong tàu là đủ các loại máy bay trên hạm, từ tiêm kích F/A-18, máy bay cảnh báo sớm E-2C, cho tới máy bay trực thăng..., hiện ra rõ mồn một. Hôm nay là một ngày đặc biệt, gần như toàn bộ máy bay đều được đưa lên boong "phơi nắng", dễ đến hơn 80 chiếc.
Tàu sân bay USS Carl Vinson (CVN-70) neo đậu giữa vịnh Đà Nẵng, cập mạn sát một pông-tông lớn dài, rộng mấy chục mét nhằm làm chỗ đón khách quý tập trung an toàn trước khi lên thăm "thành phố nổi" của Mỹ.
Máy bay đậu lố nhố trên boong tàu USS Carl Vinson. Ảnh: Bình Nguyên.
Đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác
Choáng ngợp là điều mà nhiều người có thể cảm nhận được. Con tàu quá khủng về kích thước. Bước lên tàu sân bay USS Carl Vinson thì cảm giác bồng bềnh trên tàu chuyển tải hoàn toàn biến mất, hầu như không thấy có bất cứ sự rung, lắc nào.
Đã từng nghiên cứu từ lâu về những con tàu sân bay cỡ lớn như USS Carl Vinson (CVN-70) thuộc lớp Nimitz của Mỹ nhưng cảm giác của tôi vẫn là hồi hộp.
Ban tổ chức cho phép các phóng viên và quan khách được tham quan tàu trong vòng hơn 1 giờ đồng hồ nên ai cũng tranh thủ tối đa cơ hội để tác nghiệp.
Chúng tôi đi như chạy khắp tàu. Chỉ riêng việc đi bộ 3 lượt quanh tàu sân bay trong vòng 1 tiếng đồng hồ (tương đương khoảng hơn 1.500m) với lỉnh kỉnh đồ nghề ba lô, máy tính, máy ảnh đã đủ bở hơi tai. Nhưng hình như không ai than mệt!
Khoang chứa máy bay được Chỉ huy tàu ra lệnh dọn sạch sẽ, hầu như tất cả máy bay được đưa lên boong. Tôi đã nghe ai đó ví von tàu như 3 sân bóng đá lớn thì hôm nay được chứng kiến tận mắt, không còn nghi ngờ gì nữa. Trong hầm chứa có nhiều chỗ phủ bạt lùm lùm, chắc là vũ khí bom đạn, tên lửa mà bạn không muốn "khoe".
Lên boong bay thì đập vào mắt tôi ngay lập tức là la liệt các loại máy bay trên hạm, xếp san sát nhau rải khắp nơi. Nào là tiêm kích hạm F/A-18C/D, F/A-18E/F "Siêu ong bắp cày", máy bay cảnh báo sớm E-2C, nào là máy bay tác chiến điện tử EA-18G tối tân cho tới các loại trực thăng,...
Không thấy bất cứ một vũ khí nào được trưng bày. Có lẽ người Mỹ thể hiện thiện chí hữu nghị tối đa và tin tưởng tuyệt đối vào việc đảm bảo an ninh, an toàn do các lực lượng Việt Nam đảm trách. Có thể thấy rất rõ các loại radar không hoạt động, con tàu dường như ở trong trạng thái nghỉ hoàn toàn.
Điều này được chứng minh khi mà có đến gần một nửa trong số gần 6.000 phi công, thủy thủ được lên bờ xả hơi và gần 100 lượt xe khách loại lớn lần lượt đón họ về các khách sạn trong thành phố.
Sĩ quan thủy thủ xếp hàng chờ xuống tàu sân bay để vào nghỉ trong TP. Đà Nẵng. Ảnh: Bình Nguyên.
Những thủy thủ người Việt trẻ trung, thân thiện trên tàu sân bay Mỹ
Có lẽ trên tàu có nhiều thủy thủ thuộc các dân tộc khác nhau y như tên nước Mỹ mà chúng ta gọi chuẩn chỉ là Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Trong đó có cả người gốc Việt.
Do không có nhiều thời gian nên tôi chỉ lân la hỏi chuyện được 2 người. Người thứ nhất là một cô gái trẻ trung, mới chỉ ngoài 20 tuổi tới từ Nghệ An, cô có tên tiếng Việt là Thái Thị Ngân. Xinh xắn và sở hữu nụ cười tỏa sáng nhưng dường như cái sóng, cái gió của biển khơi đã làm cô cứng cáp hơn nhiều.
Thái Thị Ngân - Thủy thủ người Việt trên tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Bình Nguyên.
Ngân kể, em mới làm lính tàu sân bay được hơn 1 năm với nhiệm vụ hậu cần, cung ứng phụ tùng cho các nhiệm vụ kỹ thuật. Trước khi sang Mỹ, Ngân làm thư ký cho một doanh nghiệp ở Việt Nam.
Tôi cũng được gặp Nguyễn Paul, một chàng trai tới từ Cà Mau, năm nay 24 tuổi, chuyên làm thợ sửa chữa máy bay và đã "đầu quân" cho tàu sân bay USS Carl Vinson được vài năm. Cũng với nụ cười thân thiện, em đã để lại ấn tượng khó quên đối với nhiều phóng viên thăm tàu ngày hôm nay.
Nguyễn Paul - Thủy thủ người Việt trên tàu sân bay Mỹ. Ảnh: Bình Nguyên.
Hàng lưu niệm tàu sân bay USS Carl Vinson đắt khách
Ngay dưới khoang chứa máy bay, các thủy thủ tàu USS Carl Vinson tổ chức một khu bán hàng lưu niệm gắn với biểu tượng của con tàu.
Thứ được nhiều phóng viên và quan khách quan tâm nhất chính là bật lửa Zippo và mũ có in hình hoặc chạm khắc tên tàu USS Carl Vinson. Một chiếc bật lửa Zippo nhỏ xinh còn nguyên tem, nguyên hộp có giá 12 USD, rẻ hơn so với những chiếc mũ có giá là 16 USD.
Gian hàng lưu niệm của tàu sân bay USS Carl Vinson khá đông khách. Ảnh: Bình Nguyên.
Theo quan sát của tôi, đã có không ít người mua về để lưu giữ lại những kỷ niệm đáng nhớ nhân chuyến thăm này. Còn với tôi, đây là chuyến đi "nhớ đời" vì đã giành được cơ hội hiếm có, dù vẫn mong được không chỉ một, mà còn nhiều lần nữa được lên thăm những con tàu thuộc loại hàng khủng nhất thế giới.
Ngắm hoàng hôn Đà Nẵng từ tàu sân bay Mỹ.
No comments:
Post a Comment