Theo trang mạng Navy Recognition, Qatar xác nhận đặt đóng 7 tàu từ tập đoàn Fincantieri (Italia) vào tháng 8/2017, sau khi hai phía ký kết hợp đồng vào tháng 6/2016.
Thỏa thuận bao gồm đóng 4 tàu hộ tống phòng không dài hơn 100m, 1 tàu đổ bộ (LPD, đóng vai trò như trạm radar di động cho các tàu hộ tống) và 2 tàu tuần tra xa bờ (OPV).
Mô hình tàu đổ bộ (LPD) của Hải quân Qatar
Thiết kế LPD được Hải quân Qatar lựa chọn có chiều dài 142,09m, rộng tối đa 21,50m, mớn nước 5,40m và có lượng giãn nước đầy tải 8.800 tấn.
Theo Fincantieri, mẫu LPD phòng không của Qatar là phiên bản sửa đổi của mẫu tàu đổ bộ lớp San Giusto trong biên chế Hải quân Italia (Hải quân Algeria cũng từng mua 1 tàu loại này, mang tên Kalaat Béni Abbès)
Thông tin về tính năng hoạt động của LPD Qatar không được giới thiệu tại DIMEX 2018 (ngoại trừ tốc độ tối đa 20 hải lý/h). Tuy nhiên, chiếc Kalaat Béni Abbès của Algeria có tầm hoạt động 7.000 hải lý (ở tốc độ 15 hải lý/h) và dự trữ hành trình 30 ngày.
Mẫu LPD của Qatar được phát triển dựa trên mẫu San Giusto của Hải quân Italia
Kíp thủy thủ đoàn của tàu Qatar sẽ bao gồm 550 người. Boong tàu đủ dài để bố trí 2 trực thăng NH90 (1 vị trí đáp ở mũi tàu và 1 vị trí ở đuôi tàu). Hangar trên tàu đủ chỗ chứa 5 trực thăng NH90.
Về hệ thống vũ khí, LPD của Qatar sẽ có cấu hình gần giống với Kalaat Béni Abbès, tức là sẽ được trang bị pháo chính 76mm (hãng Leonardo sản xuất), 16 ống phóng thẳng đứng triển khai tên lửa phòng không Aster 30 (của MBDA), 4 bệ pháo điều khiển tự động Marlins 30mm (Leonardo).
Hiện trên mô hình tàu chưa thấy có tên lửa chống hạm, tuy nhiên, các trực thăng NH90 trên tàu có khả năng triển khai tên lửa Marte ER (của MBDA).
Ảnh đồ họa tàu LPD của Qatar
Tập đoàn Leonardo phụ trách cung cấp hệ thống chiến đấu (Athena), hệ thống radar chính (Kronos), các cảm biến trên khoang, cũng như hệ thống phòng vệ phụ (trong đó có hệ thống điều khiển hỏa lực) cho con tàu.
Mẫu LPD của Qatar dự kiến được lắp đặt radar L-band mà Leonardo đang phát triển cho các tàu đổ bộ chở trực thăng (LHD) của Hải quân Italia. 4 mồi bẫy Sylena Mk2 sẽ bảo vệ con tàu trước các mối đe dọa từ tên lửa chống hạm.
Mẫu LPD này được thiết kế để mang lại khả năng phòng thủ tầm xa cho Hải quân Qatar trong tương lai, và sẽ được triển khai cùng với các tàu hộ tống. Nó sẽ đóng vai trò như trạm radar cho các tàu hộ tống phòng không và các tên lửa Aster 30 của chúng.
Con tàu được trang bị nhiều vũ khí hiện đại.
Thỏa thuận giữa Qatar và Fincantieri còn bao gồm cung cấp dịch vụ hỗ trợ tại Qatar trong vòng 15 năm (10 năm đối với các tàu hộ tống và 5 năm đối với các tàu OPV, LPD) sau khi chuyển giao.
Toàn bộ số tàu này sẽ được thi công tại nhà máy đóng tàu Fincantieri từ năm 2018. Thỏa thuận với Qatar giúp đảm bảo lượng công việc trong vòng 6 năm cho Fincantieri và được xem là một tác động quan trọng đối với các công ty quốc phòng chủ lực của Italia.
Ngoài mẫu LPD, Fincantieri và Hải quân Qatar cũng lần đầu tiên trưng bày các thiết kế tàu hộ tống và OPV tại DIMEX 2018.
Năm ngoái, Qatar đã gây bất ngờ lớn khi mạnh tay mua tới 84 máy bay chiến đấu các loại từ Mỹ và châu Âu, bao gồm 24 chiếc Eurofighter Typhoon, 36 chiếc F-15 Eagle, 24 chiếc Dassault Rafale.
Song, chưa dừng lại ở đó, hồi đầu tháng này, theo hãng thông tấn TASS, Qatar còn tiếp tục đàm phán khả năng mua các máy bay chiến đấu Su-35 từ Nga.
Hình ảnh hệ thống tên lửa mới của Qatar
Bên cạnh những thay đổi chóng mặt đối với Không quân, tháng 12/2017, Qatar tiếp tục gây sốc khi ra mắt hệ thống tên lửa đạn đạo Trung Quốc có sức mạnh "ngang ngửa phiên bản Iskander-E của Nga" (theo nhận định của tạp chí Diplomat) trong lễ diễu binh kỷ niệm ngày Quốc khánh.
Theo phỏng đoán của Diplomat, đây là hệ thống tên lửa đạn đạo tầm ngắn SY-400 do Trung Quốc sản xuất, với tầm bắn 400km.
Hiện chưa rõ tại sao Qatar lại quyết định mua SY-400 nhưng sự xuất hiện của hệ thống tên lửa này, cũng như kế hoạch mua chiến đấu cơ với số lượng "khủng" và trang bị nhiều tàu hải quân mới cho thấy quân đội Qatar đang có những bước "lột xác" vô cùng mạnh mẽ.
Qatar diễu binh mừng Quốc Khánh 2017
No comments:
Post a Comment