Choáng ngợp đến mức lỡ cơ hội sở hữu kỷ vật đặc biệt
Phải khẳng định, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson (CVN 70) quá đồ sộ và hiện đại, trong khi thời gian được phép lưu lại trên tàu chỉ vẻn vẹn 1 giờ đồng hồ.
Chính điều đó đã khiến tôi - một trong những phóng viên Việt Nam được lên thăm dường như "mụ mẫm" khi cố tranh thủ từng giây từng phút để tận dụng cơ hội hiếm có nhân chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của nhóm tác chiến tàu sân bay số 2 Hải quân Mỹ.
Việc tận mắt nhìn, tận tay sờ mó những con ốc vít trên tàu sân bay hay những chiếc máy tiêm kích hạm F/A-18 quan trọng hơn tất thảy để cảm nhận và hiểu một cách trọn vẹn nhờ đâu mà Mỹ sở hữu sức mạnh quân sự của một siêu cường bậc nhất thế giới. Chính vì thế tôi đã lỡ cơ hội sở hữu những kỷ vật đặc biệt của tàu USS Carl Vinson.
Bộ đôi tàu hộ tống tàu sân bay USS Carl Vinson ở cảng Tiên Sa gồm: tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG 57) và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer (DDG 108). Ảnh: Bình Nguyên.
Số là loanh quanh tác nghiệp chán chê, đến lúc các sĩ quan dẫn đoàn "xua" phóng viên lên bờ vì đã hết giờ thì tôi mới phát hiện ra một góc rất đặc biệt ngay dưới hầm (khoáng chứa máy bay) tàu sân bay USS Carl Vinson. Tại đó, một nhóm sĩ quan thủy thủ Mỹ đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của những phóng viên Việt Nam và các khách mời.
Đây chính là nơi bán các kỷ vật lưu niệm gồm bật lửa Zippo chạm khắc khá tinh xảo, mũ thêu hình ảnh và biểu tượng của tàu sân bay USS Carl Vinson mà các sĩ quan thủy thủ muốn dành tặng cho các bạn Việt Nam. Ngoài ra danh mục hàng lưu niệm được chào bán còn có cả ca cốc, áo phông...
Tất nhiên, không có thứ nào miễn phí, đều có giá và không quá đắt, ví dụ mỗi chiếc bật lửa Zippo có giá 12 USD, mũ lưỡi trai 16 USD, áo phông 49 USD.
Cũng định mua một chiếc bật lửa Zippo về làm kỷ niệm nhưng thật không may, trên người tôi chỉ có đúng 1 tờ 2 USD kỷ niệm, trong khi các bạn thủy thủ Mỹ bán hàng chỉ nhận USD, không nhận bất cứ loại tiền nào khác. Thế nên, dù vẫn có đủ tiền Việt Nam trong người nhưng tôi cũng đành "nuốt lệ vào tim" quay bước đi trong sự tiếc nuối khôn nguôi.
Lỡ cơ hội lần 2
Cứ ngỡ cơ hội đã qua khó mà giật lại được, đằng nào lỡ thì cũng đã lỡ rồi, tôi chẳng quan tâm nữa, đành tự động viên mình tí như AQ!
Thế nhưng hôm sau, khi đoàn phóng viên Việt Nam lục tục lên thăm 2 tàu hộ tống tàu sân bay USS Carl Vinson gồm tàu tuần dương USS Lake Champlain (CG 57) lớp Ticonderoga và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer (DDG 108) lớp Arleigh Burke thì lại thấy thủy thủ đoàn của 2 tàu này cũng bắt đầu bày "sạp hàng". Cơ hội lại đến.
Và, thôi xong! Lại một lần nữa thấy cơ hội vuột qua tầm tay khi mình cũng chẳng chuẩn bị gì, USD cũng chẳng đổi và các bạn Mỹ cũng chỉ nhận USD, không nhận tiền khác.
Gian hàng lưu niệm của các thủy thủ Mỹ được nhiều khách quan tâm. Ảnh: Duy Linh.
Gian hàng lưu niệm luôn có khách ghé thăm. Ảnh: Bình Nguyên.
Tôi thắc mắc với các bạn thủy thủ Mỹ rằng tại sao không nhận tiền Việt rồi đổi ra USD sau cũng được vì việc này quá dễ thì nhận được câu trả lời: chúng tớ bán đồ lưu niệm này cho vui, hữu nghị là chính, không đặt nặng mục đích kinh tế nên chỉ nhận USD thôi.
Giá mỗi chiếc bật lửa Zippo chạm khắc biểu tượng của tàu tuần dương USS Lake Champlain là 18 USD, đắt hơn 6 USD so với Zippo trên tàu sân bay USS Carl Vinson.
Đáng lưu ý, đúng là "tiền nào của nấy", mọi người đánh giá Zippo của USS Lake Champlain đẹp và chạm khắc tinh xảo hơn so với của USS Carl Vinson. Mũ cũng đẹp hơn và có giá 18 USD/chiếc, đắt hơn 2 USD so với trên hàng không mẫu hạm.
Thế là sau một hồi loay hoay tác nghiệp trên 2 tàu, trèo xuống thấy các bạn phóng viên tíu tít mua đồ lưu niệm thì mình chỉ biết chụp mấy cái ảnh làm kỷ niệm. Vậy là cơ hội sở hữu một kỷ vật đặc biệt đã một lần nữa trôi qua.
Nhưng thật may, đồng 2 USD duy nhất trong ví của tôi vẫn còn nguyên!
Được biết, bật lửa Zippo lưu niệm của nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson bán tại Đà Nẵng quá rẻ bởi với sản phẩm tương tự mà ta có thể đặt mua trên mạng có giá tới 58 USD, đắt gấp 3-4 lần.
Cũng chính vì thế, 1.000 chiếc Zippo mà các thủy thủ Mỹ mang sang Việt Nam lần này đã được bán hết veo, chính thức "cháy hàng" từ hôm 07/03, trong khi nhóm tàu còn lưu lại đến tận 09/03.
No comments:
Post a Comment