Trước đó, Saudi Arabia đã sử dụng 1 trong 2 chiến lược dưới đây để ngăn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân: hoặc thông qua các cuộc đàm phán và áp lực quốc tế, hoặc dựa vào sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Giờ thì chính sách của Saudi đã thay đổi. Thái tử Mohammed bin Salman đã lựa chọn phương thức thông qua một kênh truyền hình Mỹ (cụ thể là CBS) để tuyên bố chính sách mới trước cả khi có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 20/3.
Song cũng chính vì thế, Thái tử Mohammed bin Salman sẽ có một nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục Quốc hội và các cơ quan chính trị khác tại Washington.
Theo nhà phân tích Abdulrahman Al-Rashed, cựu tổng biên tập tờ Asharq Al-Awsat, khả năng Washington đồng ý để Saudi Arabia phát triển vũ khí hạt nhân sẽ gần như bằng 0, bởi rất nhiều quốc gia phản đối hành động này, trong đó có Israel.
Tuy nhiên, do Thái tử Mohammed bin Salman đã liên hệ tuyên bố của mình với tham vọng phát triển vũ khí hạt nhân của Iran nên trường hợp này gần giống với viễn cảnh giữa Pakistan-Ấn Độ.
Chính sách mới của Saudi sẽ khiến nhiều quốc gia châu Âu và Mỹ, đặc biệt là những nước đang duy trì lập trường mềm dẻo với Iran, nhận thức được rằng, bất cứ biện pháp bảo vệ nào cũng không thể khiến Riyadh thỏa mãn nếu Iran phát triển vũ khí hạt nhân. Vương quốc này sẽ thực hiện điều tương tự nếu cần để duy trì mức độ răn đe.
Thái tử Mohammed bin Salman của Saudi Arabia được đánh giá là một lãnh đạo trẻ cứng rắn. Ảnh: Reuters
Saudi Arabia dọa suông hay sẽ làm thật?
Theo ông Abdulrahman Al-Rashed, trong bối cảnh hiện nay, có nhiều vấn để cần được thảo luận thêm.
Đầu tiên, Saudi Arabia có khả năng chế tạo bom hạt nhân không?
Không ai có thể khẳng định điều này, nhưng phải thừa nhận rằng Saudi Arabia có nhiều tài năng khoa học. Trong năm nay, họ sẽ thiết lập các dự án xây dựng lò phản ứng, phòng thí nghiệm và cơ sở hạ tầng để phát triển năng lượng hạt nhân phục vụ các mục đích hòa bình.
Saudi Arabia có lợi thế hơn Iran bởi vùng sa mạc của họ có uranium, vì thế, họ không cần bỏ tiền ra mua chúng. Trên thực tế, Saudi đã thông qua kế hoạch chiết xuất uranium trong chương trình Vision 2030.
Thứ hai, Vương quốc này sẽ đối phó với sự phản đối từ cộng đồng quốc tế như thế nào, và họ có thể vấp phải những rủi ro nào về chính trị?
Theo nhà phân tích Abdulrahman Al-Rashed, Saudi Arabia có lẽ sẽ không đi nước cờ trên nếu không có sự đồng tình của các cường quốc lớn liên quan. Tuy nhiên, các nước này cũng không thể phủ nhận một sự thật là Iran đang nhằm vào Saudi Arabia, và Iran đã tiến tới giai đoạn sẵn sàng chế tạo vũ khí hạt nhân.
Vì thế, nếu Iran quyết định tái làm giàu uranium và hoàn thiện chương trình hạt nhân vì mục đích quân sự thì tuyên bố của Thái tử Mohammed bin Salman sẽ là chính đáng.
Nhà máy hạt nhân Bushehr của Iran. Ảnh: Reuters
Các bên phản đối Thái tử Mohammed bin Salman không chỉ có ở Iran mà còn có ngay ở Washington.
Nghị sĩ Ed Markey (D-MA), thành viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã nhanh chóng phản ứng trước tuyên bố của Thái tử Mohammed bin Salman:
"Thái tử Saudi đã khẳng định điều mà nhiều phía nghi ngờ từ lâu, đó là năng lượng hạt nhân tại Saudi Arabia không chỉ đơn thuần nhằm cung cấp năng lượng điện, nó còn là năng lượng 'địa-chính trị'... Tôi nghĩ Hoa Kỳ không nên bỏ đi yêu cầu 'không làm giàu uranium' trong bất cứ thỏa thuận 123 nào đạt được".
Thỏa thuận 123 được xem là điều kiện tiên quyết trước khi xác lập các thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và bất cứ quốc gia nào khác, nhằm buộc họ cam kết không làm giàu uranium hay tái sản xuất plutonium. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã từ chối ký thỏa thuận này.
Trong một chuỗi các hoạt động liên quan, cần lưu ý rằng Saudi đưa ra tuyên bố hùng hồn trên trước khi Thái tử Mohammed bin Salman tiến hành chuyến thăm tới Washington để thông qua chương trình năng lượng hạt nhân quốc gia, tái khẳng định cam kết của mình đối với các thỏa thuận quốc tế, đảm bảo tính minh bạch và mục đích sử dụng dân sự.
Tuyên bố của Thái tử Mohammed bin Salman là một lời nhắc nhở cho tất cả những ai có mặt tại Washington rằng, trước thềm chuyến thăm lần này, sự im lặng, cũng như thái độ thỏa mãn của các bên đối với vấn đề Iran có thể sẽ tạo cơ hội cho Tehran sản xuất vũ khí hạt nhân. Vì thế, Saudi Arabia sẽ làm điều tương tự, đó là chế tạo bom hạt nhân.
Ông Abdulrahman Al-Rashed cho rằng, trên thực tế, chúng ta có thể lý giải tuyên bố này từ 2 góc độ: Một là Thái tử Saudi không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân nếu Iran tuân thủ cam kết không chế tạo vũ khí hạt nhân.
Hai là đây được xem như một lời cảnh báo trước mọi thái độ khoan hồng đối với Iran, bởi Saudi Arabia sẽ phát triển vũ khí hạt nhân để phòng vệ, và để đạt được sự cân bằng trong khả năng răn đe.
Hiện tại, các bên đều nhìn nhận thận trọng tuyên bố của Thái tử Mohammed bin Salman.
Trước tuyên bố về chính sách hạt nhân trên, khoảng 6 tháng trước, Saudi Arabia đã có cuộc thảo luận với Trung Quốc về việc xây dựng cơ sở năng lượng hạt nhân phục vụ mục đích dân sự.
Ban đầu, vấn đề này dự kiến sẽ được đề cập lại trong cuộc thảo luận của Thái tử Mohammed bin Salman tại Washington, tuy nhiên, mọi việc sẽ trở nên không hề dễ dàng bởi sự hiện diện của những bên nghi ngờ mục tiêu và mục đích của Saudi Arabia.
Theo ông Abdulrahman Al-Rashed, các bên phản đối lập trường của Thái tử Mohammed bin Salman có 2 lựa chọn: hoặc nỗ lực tìm cách ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân, khiến Saudi Arabia và thế giới cảm thấy không có mối đe dọa hạt nhân nào; hoặc chấp nhận rằng Saudi Arabia có quyền sở hữu vũ khí hạt nhân giống như Iran để tự vệ.
Khi bom hạt nhân được sử dụng để... mở đường (Sao Đỏ - Lộc Phạm)
No comments:
Post a Comment