Nằm trong chương hợp tác quốc phòng giữa hai nước và được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam, tàu sân bay USS Carl Vinson đã đến Đà Nẵng trong chuyến thăm kéo dài ngày 5 ngày, từ 5-9/3/2018.
Được ví như "thành phố nổi" trên biển nên nếu được đặt chân lên tàu sân bay USS Carl Vinson, dù chỉ một lần, cũng sẽ là trải nghiệm rất đáng nhớ đối với bất kỳ ai.
Shawn J. Dake, phóng viên tự do, đồng thời cũng là cây viết thường xuyên cho trang mạng MaritimeMatters đã kể lại những trải nghiệm của ông trong một cơ hội hiếm hoi được lên thăm USS Carl Vinson ngày 29/12/2016.
Dưới đây là bài ký sự một ngày của Shawn J. Dake trên tàu sân bay USS Carl Vinson:
Xem tiêm kích F-18 Hornet phô diễn "sức mạnh không quân"
Buổi sáng bắt đầu với bữa ăn buffet trong khoang chứa máy bay có diện tích choáng ngợp. Trải dài từ mũi cho tới đuôi tàu, bình thường các khoang này dùng để chứa máy bay, nhưng hôm nay nó lại được sử dụng để đón khách thăm quan.
USS Carl Vinson nhìn từ khoang chứa máy bay tàu USS Theodore Roosevelt (CVN-71)
8 giờ sáng, tàu Carl Vinson lướt nhẹ khỏi cảng Pier Lima tiến ra biển. Nó đi ngang qua một căn cứ tàu ngầm và ngọn hải đăng Point Loma nổi tiếng. Dù vẫn đang giữa mùa Đông nhưng hôm nay thời tiết nắng nhẹ, ánh sáng lấp lánh như pha lê, còn biển thì lặng sóng êm đềm.
Hải quân Mỹ cho phép mọi khách thăm quan trên tàu được tự do đi lại ngắm nghía tất cả các khu vực, tất nhiên ngoại trừ buồng máy chứa lò phản ứng hạt nhân và tháp hoa tiêu chính.
Ăn sáng trên khoang chứa máy bay
Cuối giờ sáng là màn trình diễn "Sức mạnh không quân" trên boong tàu rộng khoảng 1,8 ha. Các máy bay trực thăng tới trước, bay ở tầm thấp và phô diễn khả năng cơ động cũng như tốc độ tiếp nhận và thả binh lính nhanh chóng bằng dây đu.
Không đoàn biên chế cho USS Carl Vinson thông thường gồm hơn 60 máy bay cùng với hơn 2.000 thành viên phi hành đoàn.
Phải đợi một thời gian khá lâu, nhưng cũng xứng đáng, thì các máy bay cánh cố định mới tới. "Ong bắp cày" F-18 Hornet trình diễn cách tiếp nhiên liệu trên không và khả năng cơ động trong không chiến hiện đại.
Tiêm kích Hornet chuẩn bị đáp xuống tàu sân bay USS Carl Vinson
Một thông báo được phát ra cho biết, một trong các máy bay sẽ thực hiện pha bay tốc độ cao lướt ngang tàu sân bay nhưng lại không đề cập tới chi tiết nó sẽ bay ở vận tốc siêu âm. Do đó, tiếng gầm rú siêu thanh đã khiến khách thăm quan giật mình nhưng rất hào hứng, ấn tượng.
Ngoạn mục hơn, một máy bay đáp xuống được dây móc hãm đà giữ lại, hạ cánh ngay trước chân khách thăm qua. Tiếp đến là pha cất cánh bằng máy phóng catapult khi chiếc máy bay tăng động cơ, gầm rú phóng vút lên trời cao.
Gió thổi to ngoài khoang tàu nên rất nhiều người phải di chuyển vào bên trong. Tại đây, có rất nhiều lựa chọn giải trí: xem phim, xem biểu diễn ảo thuật và thậm chí là trình diễn nhào lộn xe đạp địa hình BMX.
Đến giờ ăn trưa, khách tham quan được phục vụ một hộp thức ăn khá ngon, nước và đồ uống nhẹ không hạn chế. Tất nhiên, bữa trưa vẫn diễn ra ở khoang chứa máy bay.
Khoang cửa dẫn tới các phòng trên tàu sân bay USS Carl Vinson
Cuộc sống đời thường trên tàu sân bay USS Carl Vinson
Tôi tận dụng tối đa thời gian của mình để khám phá con tàu, từ trên nóc xuống hầm ngầm giữa ma trận các thang leo, cầu thang, hành lang, nắp đậy. Gần như không bị giới hạn nên mỗi bước chân như khám phá thêm những điều bất ngờ mà tôi khó tưởng tượng một ngày nào đó mình lại được đặt chân tới.
Tôi đặc biệt thích thú khi khám phá đời sống của các thủ thủy trên tàu. Ngoài nhiệm vụ thì con tàu còn là ngôi nhà nhà của cả hàng nghìn người.
Nhà thờ, phòng thể thao và thư viện liền kề nhau
Phần lớn diện tích boong số 2 dành cho triển lãm và rất nhiều phòng với nhiều kích cỡ khác nhau được thiết kế giống như kiểu căng tin. Các không gian này cũng có thể được thủy thủ, khi không làm nhiệm vụ, sử dụng để xem phim trên các màn hình lớn hay đơn giản ngồi thư giãn.
Trên USS Carl Vinson còn có một nhà thờ nhỏ, một phòng tập thể thao trang bị máy tính và một thư viện ngay sát cạnh. Ngoại trừ các phòng dành riêng cho sỹ quan chỉ huy, đa phần phòng ngủ dành cho thủy thủ đều khá nhỏ gọn và tiện nghi với giường ngủ 3 tầng có đệm.
Phòng ngủ của các thủy thủ
Nhiều phòng nghỉ khá rộng rãi, có khu vực sinh hoạt chung cùng 1 chiếc bàn và 4 chiếc ghế, và tất nhiên không thể thiếu phòng tắm và toilet chung. Phòng ngủ của các thủy thủ nam và nữ cũng được tách riêng.
Cuối tàu sân bay USS Carl Vinson là các không gian mở nên khách tham quan có thể ra đó đứng ngắm các vệt nước trắng xóa để lại phía sau mỗi bước di chuyển của con tàu hoặc đơn giản, họ có thể đứng đó để hít thở khí trời và trò chuyện.
Không gian mở trên boong tàu
Gần đuôi tàu còn có một khoang chứa máy bay dùng làm xưởng sửa chữa để bảo dưỡng hoặc đại tu các phi cơ.
Từ trên tháp chỉ huy có thể nhìn được bao quát con tàu và những vùng biển xung quanh. Nhiều ống nhòm với độ khuếch đại lớn được gắn rải rác ở nhiều vị trí bên ngoài boong. Trên tháp dựng chằng chịt các ăng ten radar và hệ thống thông tin liên lạc.
Phòng ăn trên tàu sân bay USS Carl Vinson
Mặc dù chuyến hành trình không có đích đến nào khác ngoài biển khơi và rồi lại an toàn trở về cảng nhưng USS Carl Vinson đã di chuyển với một vận tốc ấn tượng – 30 hải lý/h.
Trong các chiến dịch không quân, các máy bay thường hạ cánh xuống tàu ở tốc độ 350 hải lý/h vì vậy điều khiển tàu sân bay đúng hướng gió và bảo đảm cho các phi cơ móc được vào dây hãm đà là kỹ thuật cực kỳ quan trọng.
Làm việc trên boong tàu sân bay vẫn được miêu tả là "công việc nguy hiểm nhất trong lực lượng hải quân" và tất cả các nhân viên đều phải được huấn luyện thành thục với mức độ căng thẳng cao. Một mảnh vỡ dù nhỏ nhất trên boong tàu cũng có thể phá hủy động cơ máy bay dẫn tới thảm họa.
Đường băng trên tàu sân bay USS Carl Vinson
Màu áo thủy thủ mang ý nghĩa gì?
Có 7 loại thủy thủ hoạt động trên boong tàu sân bay, chức năng nhiệm vụ của họ được phân biệt bởi màu áo.
Màu xanh da trời dành cho những chỉ huy máy bay, lái xe nâng và kỹ sư nâng máy. Đồng phục đỏ thì phụ trách đạn dược, vũ khí, xử lý tai nạn và sự cố. Màu xanh lá cây đảm trách máy phóng catapult, dây hãm đà và hàng hóa. Màu vàng dành cho các thủy thủ điều hướng máy bay.
Màu tím làm nhiệm vụ liên quan tới nhiên liệu còn màu trắng là các nhân viên y tế và đảm bảo chất lượng không khí. Màu nâu dành cho không đoàn trưởng và sỹ quan chỉ huy.
Mỗi nhiệm vụ đều rất cụ thể và có vai trò quan trọng với toàn bộ hoạt động hiệp đồng trên tàu sân bay.
Đường bằng nhìn từ trên tháp chỉ huy
Tàu sân bay USS Carl Vinson có kích thước và độ phức tạp đặc biệt ấn tương. Khẩu hiệu theo tiếng Latin của tàu là "Vis Per Mare", có nghĩa tiếng Anh là "sức mạnh đến từ biển". Trên con dấu khắc dòng chữ này là hình một chú đại bàng sải cánh, tượng trưng cho sức mạnh của các máy bay trên tàu sân bay.
Con đại bàng bay trên hình chữ "V", biểu tượng cho cả tên gọi Vinson và hình dáng thân tàu khi nhìn từ phía mũi.
Chắc chắn, chưa bao giờ tôi nghĩ rằng mình lại có có hội được đi trên một chiếc tàu sân bay vẫn còn đang trong biên chế chiến đấu này. Ngoài những gì chứng kiến trên phim ảnh, tôi không thể hình dung được đời sống phía sau trên tàu sân bay – một thành phố nổi sẽ như thế nào.
Tôi hy vọng bài ký sự này sẽ mang đến cho các bạn một cảm nhận tốt hơn về đời sống của các thủy thủ trên tàu sân bay Hải quân Mỹ.
No comments:
Post a Comment