Kế hoạch tham vọng
Đầu những năm 2010, thành công đạt được trong quá trình tăng cường tiềm lực quân sự đã thúc đẩy việc tiếp tục chế tạo các loại vũ khí từ thời Liên Xô như tàu hỏa mang tên lửa đạn đạo, phương tiện lai giữa tàu thủy và máy bay, tàu đệm khí cũng như nâng cấp toàn bộ đội tàu kế thừa từ Liên Xô.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Alexander Shishkin trên tờ thời báo kinh doanh Vzglyad, cần phải thừa nhận rằng chương trình này đã thất bại.
Năm 2012, Nga đã thông qua một dự án kỹ thuật nhằm tăng cường gấp 3 lần hỏa lực của các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa hành trình (SSGN) đề án 949A bằng cách thay thế các tên lửa Granit bằng tên lửa Onix và Kalibr.
Theo một số báo cáo, cả 5 tàu ngầm thuộc đề án này của Hạm đội Thái Bình Dương đều cần được nâng cấp. Trong năm 2013 và 2014, nhà máy đóng tàu Zvezda đã lần lượt hiện đại hóa tàu ngầm Irkutsk và Chelyabinsk. Tiếp sau đó là tàu ngầm Tver.
Tàu ngầm Omsk (K-186) thuộc đề án 949A (NATO định danh là lớp Oscar II). Lớp tàu này hiện đang được hiện đại hóa để có thể phóng được tên lửa hành trình Kalibr.
Kế hoạch nâng cấp đối với các tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN) đề án 971 thậm chí còn có quy mô lớn hơn. Cả loạt 10 tàu đều được dự kiến hiện đại hóa.
Năm 2011, tàu ngầm Leopard được đưa đến nhà máy đóng tàu Zvyozdochka và trở thành tàu ngầm đầu tiên được nâng cấp thành đề án 971M. Quá trình hiện đại hóa kéo dài 3 năm. Mặc dù quá trình nâng cấp tàu ngầm Leopard bị trì hoãn vào cuối năm 2013 nhưng các tàu ngầm khác cùng đề án, gồm tàu Volk, Samara và Bratsk, đã được đưa đến nhà máy ngay trong năm 2014.
Không chỉ có tàu ngầm, Nga cũng tiến hành một số chương trình nâng cấp với các tàu mặt nước.
Nhà máy Zvyozdochka nhận nhiệm vụ nâng cấp tạm thời tuần dương hạm mang tên lửa đề án 1164 Marshal Ustinov (được đưa trở lại hạm đội vào năm 2014), tiếp đó là nâng cấp các tàu Moskva và Varyag.
Năm 2013, nhà máy đóng tàu Sevmash đã ký hợp đồng sửa chữa và đại tu tuần dương hạm nguyên tử hạng nặng Admiral Nakhimov lên đề án 11442M. Công việc này dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Cũng trong năm 2013, nhà máy đóng tàu số 35 ở Murmansk bắt đầu đại tu tàu khu trục săn ngầm Admiral Chabanenko.
Kế hoạch nâng cấp hạm đội tàu mặt nước của Nga còn bao gồm dự định đại tu 7 tàu khu trục đề án 956 và nâng cấp toàn bộ 8 tàu khu trục săn ngầm đề án 1155.
Tuần dương hạm Marshal Ustinov lớp Slava đến Hạm đội Biển Bắc sau khi hoàn thành hiện đại hóa vào năm 2017.
Thất bại nặng nề
Tuy nhiên, cuối năm ngoái, ý tưởng về " tàu chiến mới dựa trên khung thân cũ" (phương án nhanh và rẻ giúp làm mới hạm đội bằng cách đại tu và hiện đại hóa các tàu chiến từ thời Liên Xô) đã thất bại hoàn toàn.
Kế hoạch chuyển giao cho hạm đội tàu ngầm Irkutsk (và tiếp theo là tàu ngầm Chelyabinsk) đã bị trĩ hoàn 4 năm - từ 2017 đến 2021 và thời gian sửa chữa kéo dài đến 8 năm.
Bộ Quốc phòng Nga từng tuyên bố hạm đội Nga có thể nhận lại 4 tàu ngầm vào năm 2021. Song với những gì đã diễn ra thì điều đó khó có thể trở thành hiện thực, do quá trình sửa chữa các tàu ngầm Tver và Tomsk thậm chí còn chưa bắt đầu.
Tình hình với các tàu ngầm thuộc đề án 971M cũng éo le không kém. Số tàu ngầm được dự kiến nâng cấp lên chuẩn mới đã lần lượt bị cắt xuống còn 6 tàu và sau đó là 4 tàu.
Thời gian dự định đưa tàu ngầm Leopard trở lại biên chế đã bị trì hoãn từ năm 2015 đến 2019, ấy vậy mà, một nguồn tin tại nhà máy Zvyozdochka còn cho biết, thời gian trì hoãn 4 năm là một con số "quá lạc quan".
Nếu tốc độ nâng cấp 3 tàu còn lại tăng 1,5-2 lần thì hạm đội Nga sẽ nhận được chiếc tàu ngầm cuối cùng thuộc đề án 971M trong giai đoạn 2023 - 2024, cùng với thời gian tiếp nhận tàu ngầm (SSGN) cuối cùng thuộc đề án 885M mới (nhưng vẫn có thể muộn hơn). Điều này khiến chương trình hiện đại hóa các tàu SSN trở nên vô nghĩa.
Đối với các tàu chiến mặt nước, quá trình hiện đại hóa tàu Nakhimov đã bị trì hoãn từ năm 2018 sang giai đoạn 2021-2022. Trong khi đó, tàu tuần dương Moskva đã nằm tại bến suốt 2 năm. Nếu nhà máy đóng tàu Sevastopol đồng ý đại tu con tàu trong năm nay thì tàu Moskva có lẽ sẽ phải nằm im một chỗ trong ít nhất 8 năm nữa.
Tuần dương hạm Admiral Nakhimov (đề án 11442) hiện đang được nâng cấp lên đề án 11442M.
Sự trì hoãn và những phát sinh trong quá trình hiện đại hóa sẽ khiến công tác nâng cấp tàu Chebanenko không thể hoàn tất trước giai đoạn 2022-2023. Bên cạnh đó, chỉ 3 trong số 7 tàu khu trục đề án 956 được giữ lại và chỉ có 1 tàu được tiến hành đại tu.
Đối với 8 tàu khu trục săn ngầm đề án 1155, hiện mới có tàu Tributs được sửa chữa với một số nâng cấp nhỏ.
Công tác đại tu hiện đang được tiếp tục với tàu Shaposhnikov. Con tàu này dự kiến sẽ trở thành chiếc đầu tiên thuộc đề án 1155M nhưng quá trình này có lẽ không thể hoàn tất trước năm 2019.
Khủng hoảng trong quá trình đại tu các tàu thế hệ cũ cũng xảy ra với một số mẫu tàu khác như tàu ngầm Vepr thuộc đề án 971, tàu ngầm Tambov thuộc đề án 671RTMK, tàu ngầm diesel-điện Alrosa thuộc đề án 877 và khinh hạm Neustrashimy thuộc đề án 11540.
Tất cả những con tàu này đều không được đại tu quy mô lớn, dẫn đến kết quả không mấy khả quan.
Sau khi trải qua quãng thời gian trì hoãn 4-6 năm ngay từ khi khởi đầu quá trình nâng cấp, các tàu ngầm hạt nhân tại nhà máy đóng tàu Nerpa sẽ chỉ có thể rời nhà máy trong vòng 6-7.5 năm nữa.
Nếu phép màu xảy ra và tàu ngầm Alrosa được tái biên chế trong năm nay thì quá trình đại tu con tàu này ở nhà máy đóng tàu số 13 đã kéo dài từ 4 - 4,5 năm kể từ khi nó được đưa đến đây.
Khinh hạm Neustrashimy sẽ rời nhà máy đóng tàu Yantar vào năm 2019 (thay vì năm 2015 như kế hoạch), kết thúc quá trình đại tu kéo dài 6 năm (trong khi thời gian đóng con tàu là chưa đầy 4 năm).
Tàu ngầm Vepr (K-157) thuộc đề án 971.
Căn nguyên thất bại
Có lẽ nên bỏ qua các lý do truyền thống thường được đưa ra cho các cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Nga như thiếu nhân lực, hợp tác và tài chính, bởi đây không phải là giai đoạn cuối những năm 1990 hay đầu những năm 2000.
Cuộc khủng hoảng đã đi qua. Tập đoàn đóng tàu thống nhất (USC) đã duy trì hoạt động trong 10 năm "nhằm bảo vệ, phát triển tiềm lực khoa học và sản xuất của ngành công nghiệp quốc phòng, thu hút nhân tài, chế tạo và cung cấp nguồn lực tài chính trong ngành công nghiệp đóng tàu Hải quân".
Vì thế, theo ông Shishkin, nếu vẫn không tìm ra căn nguyên của vấn đề thì lỗi nằm ở lãnh đạo USC và nhà máy của họ.
Hãy xem xét các lý do khác lý giải cuộc khủng hoảng trong ngành công nghiệp đóng tàu. Ngay cả chính quyền Liên Xô, vốn nổi tiếng với chủ trương "ý chí luận", cũng đã tham khảo ý kiến các bên liên quan trước khi ra quyết định tăng cường tiềm lực quân sự.
Ngày nay, các chương trình vũ khí đều được thống nhất giữa các bên tham gia. Tuy nhiên, sự ì ạch và sơ suất của một số nhà thầu đã dẫn đến sự trì hoãn và sụp đổ của các chương trình được thông qua. Một ví dụ điển hình là tàu ngầm đề án 971M.
Rõ ràng, quyết định nâng cấp sâu các tàu ngầm đề án 971 đã được Bộ Quốc phòng, Hải quân Nga, USC, Viện thiết kế Malakhit và nhà máy đóng tàu Zvyozdochka thông qua. Họ đã thông qua kế hoạch cho mỗi tàu "là gần 3 năm".
Trong trường hợp này, Viện Malakhit khó có thể nắm rõ năng lực của nhà máy đóng tàu. Tuy nhiên, lãnh đạo của nhà máy đóng tàu Zvyozdochka chắc chắn nắm rõ được tình hình của họ. Vì thế, việc họ chấp nhận thời hạn này nhưng không thể hoàn thành cho thấy họ hoặc thiếu năng lực hoặc cố tình lấp liếm sự thiếu năng lực của mình (tìm cách giảm thời gian thực xuống 2-3 lần để đạt được một hợp đồng có lợi).
Khu trục hạm 8.000 tấn của Hải quân Nga suýt bị nhấn chìm trong cơn sóng dữ
No comments:
Post a Comment