Tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân rõ ràng là một ý tưởng rất táo bạo, nó cho phép quả đạn không bị giới hạn bởi tầm bắn, có thể triển khai từ một vị trí bí mật với quỹ đạo bay thấp và đủ sức qua mặt những hệ thống radar cảnh giới tối tân nhất, điều mà tên lửa hành trình thông thường lẫn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa không làm được.
Có điều Nga không phải là người tiên phong trên con đường đặc biệt này, cách đây hơn nửa thế kỷ thì Mỹ đã triển khai Dự án Pluto với mục đích tạo ra loại tên lửa hành trình siêu âm bay thấp (Supersonic Low Altitude Missile - SLAM) cũng sử dụng nguyên lý tương tự.
SLAM về cơ bản là một tên lửa "lai" máy bay không người lái trang bị động cơ hạt nhân, nó sẽ nhận nhiệm vụ bay qua lãnh thổ Liên Xô ở tốc độ Mach 3 và độ cao chỉ khoảng hơn chục mét để ném bom nhiệt hạch.
Đồ họa tên lửa hành trình siêu âm bay thấp sử dụng động cơ hạt nhân SLAM của Mỹ
Việc thu nhỏ động cơ hạt nhân để gắn vào tên lửa là việc làm cực kỳ khó khăn, tuy nhiên Mỹ đã thành công khi vào ngày 14/5/1961, động cơ phản lực hạt nhân đầu tiên trên thế giới "Tory-IIA" gắn trên đường ray xe lửa được khởi động trong vài giây. Ba năm sau, "Tory-IIC" đã chạy trong 5 phút với lực đẩy tối đa, cho thấy về mặt kỹ thuật là hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, vũ khí này bị đánh giá là lợi bất cập hại, vấn đề lớn nhất nằm ở chính động cơ của nó. Khi tên lửa được phóng đi, lò phản ứng hạt nhân sẽ làm nóng không khí đi vào, nơi nó giãn nở và được xả ra từ vòi phụt, cung cấp cả lực đẩy lẫn chất phóng xạ độc hại.
Ngoài bức xạ gamma và neutron từ lò phản ứng không được che đậy, động cơ hạt nhân của tên lửa SLAM sẽ thải ra luồng phân tử phân rã trong ống xả khi bay. Việc phun chất phóng xạ mất kiểm soát như trên sẽ khiến chính bầu trời nước Mỹ bị ô nhiễm trước, rồi sau đó tới các quốc gia khác (có cả đồng minh của Washington) nằm trên đường bay của nó.
Vấn đề tiếp theo là người Mỹ chưa biết làm cách nào để dừng quả tên lửa này sau khi nó đã hoàn thành nhiệm vụ, SLAM vẫn tiếp tục bay và làm ô nhiễm môi trường của cả hành tinh nếu được sử dụng trên quy mô lớn (điều gần như chắc chắn trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân cường độ cao).
Do lo sợ Liên Xô sẽ chế tạo ra loại vũ khí tương tự để đáp trả đồng thời tên lửa đạn đạo xuyên lục địa chứng minh sở hữu nhiều ưu điểm hơn mà Dự án Pluto của Mỹ đã bị đình chỉ vào ngày 1/7/1964.
Hình ảnh được cho là vụ thử nghiệm tên lửa hành trình mang động cơ hạt nhân của Nga
Nhưng nay với diễn biến mới, khi Nga đã cho thấy quyết tâm làm ra thứ vũ khí tương tự thì liệu đó có phải là "chất xúc tác" để Mỹ quyết định tái trang bị thứ vũ khí "tàn nhẫn bậc nhất" trong lịch sử quân sự thế giới?
Đây là viễn cảnh mặc dù đã được nhắc đến nhưng tương đối khó xảy ra, người Mỹ vẫn tự tin với năng lực hệ thống đánh chặn nhiều tầng nhiều lớp được rải khắp nơi trên hành tinh của mình, đồng thời khả năng đánh đòn phủ đầu của họ vẫn đáng sợ nhất thế giới, chưa cần thiết phải tái khởi động Dự án Pluto năm xưa.
Biện pháp đáp trả có tính khả thi Mỹ sẽ thực hiện trong tương lai gần có lẽ là tăng cường các trạm phòng thủ "neo" trên không gian mà sứ mệnh bí mật của phi thuyền X-37B cùng các tên lửa Falcon đang được nghiên cứu để phục vụ cho mục đích quân sự là minh chứng rõ ràng nhất.
Tàu vũ trụ X-37B của Mỹ đang thực hiện những nhiệm vụ bí ẩn bên ngoài không gian
No comments:
Post a Comment