Nga đã khép lại cuộc tập trận quy mô lớn Vostok-2018. Cuộc tập trận năm nay gây chú ý khi có lực lượng Trung Quốc lần đầu tiên tham gia.
Không những cắt cử binh lính, điều động trực thăng, xe tăng tới tham dự sự kiện lớn này, Bắc Kinh còn đưa tới Vostok-2018 một vị khách "không mời mà đến", đó là… một chiếc tàu do thám.
Trang tin USNI News dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, tàu do thám lớp Dongdiao của Hải quân Trung Quốc (PLAN) đã theo dõi các phương tiện tác chiến của Hải quân Nga xuyên suốt giai đoạn thực hành trên biển, trong lúc binh lính Trung Quốc và Mông Cổ tiến hành các bài tập huấn luyện trên bờ.
Quân đội Trung Quốc đã cử 3.500 binh sĩ tới tham gia nội dung tập trận trên bộ nhưng không rõ Hải quân Trung Quốc có được mời đưa tàu chiến tới tham gia hay không.
Vẫn còn nhiều mâu thuẫn về cuộc tập trận của Nga, nhưng truyền thông nước này tuyên bố đây là cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử Nga hiện đại.
"Tham gia cuộc tập trận có khoảng 300.000 binh sĩ, hơn 1.000 máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay không người lái, 80 tàu chiến/hậu cần, cùng 36.000 xe tăng, xe bọc thép chở quân và các phương tiện khác" – Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho hay.
Tổng thống Vladimir Putin gặp gỡ một quan chức quân đội Trung Quốc trong khuôn khổ cuộc tập trận Vostok-2018.
Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh Moscow và Bắc Kinh đưa ra nhiều tuyên bố công khai về việc tăng cường hợp tác giữa hai phía. Đặc biệt, trong khuôn khổ Vostok-2018, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp với các quan chức đại diện của Trung Quốc.
"Ý nghĩa chính trị của Vostok-2018 được rút ra từ tín hiệu mà Nga và Trung Quốc phát đi về việc xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược, nhằm đối phó với mối đe dọa mà cả hai phía đều cảm thấy do Mỹ vẫn đang duy trì vị thế thống trị đối với các hệ thống quốc tế" - chuyên gia Dmitry Gorenburg viết trên tờ Washington Post.
Bên cạnh đó, theo Bryan Clark - chuyên gia phân tích hải quân tại Trung tâm Chiến lược và Đánh giá Ngân sách – công nghệ quân sự cũng là một lý do dẫn tới sự hợp tác này.
Có lực lượng quân đội lớn hơn Nga nhưng Trung Quốc vẫn theo sau Nga và phương Tây khi xét tới mức độ tinh vi của các loại tên lửa, radar, động cơ và công nghệ tác chiến điện tử.
Trong khi đó, Nga đang gặp phải một số vấn đề khi phát triển công nghệ không người lái hiện đại – một lĩnh vực mà Trung Quốc đã đạt đến độ xuất sắc.
"Nếu trước đây hợp tác quân sự Nga-Trung thường là một chiều thì giờ đây, trong lĩnh vực UAV, Trung Quốc lại đang đi trước Nga" – ông Clark nói.
Hoạt động trao đổi các công nghệ đó đã góp phần đáng kể trong việc định rõ mối quan hệ hợp tác quân sự mới giữa Bắc Kinh và Moscow.
Tuy nhiên, bất chấp mối quan hệ hợp tác quân sự gia tăng, ông Clark cho rằng, cơ hội để tiếp thu các bài học từ những hoạt động có tính chất công nghệ phức tạp hơn của Hải quân Nga đã trở thành cơ hội "quá quý giá" mà Trung Quốc không thể bỏ qua.
"Thực tế đã cho thấy Nga rất thuần thục trong lĩnh vực tác chiến điện tử và vận hành radar", ông Clark nói, "Tôi sẽ không mấy ngạc nhiên nếu Trung Quốc muốn 'thu hoạch' được tinh hoa đó trong cuộc tập trận Vostok".
Việc triển khai tàu chiến có khả năng thu thập thông tin tình báo để giám sát cuộc tập trận của đối thủ đã trở thành chuyện thường thấy trong nhiều thập kỷ qua và nó được cho là hợp pháp theo quy định của luật pháp quốc tế. Trong khi đó, việc do thám đồng minh ngay trong lúc đang tham gia huấn luyện chung được xem là một điều bất thường.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc điều tàu do thám "không mời mà đến" tới cuộc tập trận chung với đối tác/đồng minh.
Trước đó, khi tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2014, Bắc Kinh đã điều 4 tàu chiến của PLAN (trên danh nghĩa chính thức), và một tàu do thám (không được mời) lớp Dongdiao tới theo dõi cuộc tập trận ngoài khơi Hawaii.
Những ngày cuối cùng trong cuộc tập trận Vostok-2018. Nguồn: RT
No comments:
Post a Comment