So sánh các mẫu khí tài thiết giáp cùng một loại là sở thích của các chuyên gia và những người yêu thích lĩnh vực quân sự. Không ít lần bối cảnh ở khu vực này hay khu vực khác kích thích sự xuất hiện những đánh giá mang tính so sánh mới.
Diễn biến tình hình tại Trung Đông vẫn căng thẳng, nhất là sau khi máy bay trinh sát IL-20 Nga bị bắn rơi ở Syria, có thể dẫn tới một cuộc xung đột có vũ trang mang tính quy mô toàn diện giữa một số quốc gia.
Đương nhiên, các mẫu xe chiến đấu hiện đại sẽ tham gia vào cuộc chiến tranh như thế. Hãy thử tưởng tượng các xe tăng chiến đấu chủ lực T-90MS của Nga và Merkava-4 của Isarel sẽ chạm mặt nhau trên chiến trường. Cỗ máy thiết giáp nào có thể chiến thắng?
Merkava-4 là những cỗ máy mới và hoàn thiện nhất của Lực lượng phòng vệ Isarel (IDF), chúng được bàn giao cho quân đội vào giữa thập niên trước và từng bước trở thành lực lượng xương sống của các đơn vị tăng thiết giáp.
Trong thời gian qua, nó đã được nâng cấp vài lần với những thiết bị và các tính năng mới. Bên cạnh đó, quá trình cải tiến vẫn không dừng lại. Được biết rằng công tác nghiên cứu phiên bản nâng cấp mới đang được triển khai.
Xe tăng T-90MS Nga là phiên bản xuất khẩu của chiếc T-90AM Proryv. Dự án này được khởi động vào giữa thập niên trước, cỗ máy hoàn thiện lần đầu tiên được trình làng vào năm 2011.
Dự án «Proryv» là triển khai hiện đại hóa sâu chiếc xe tăng T-90 nhằm nâng cao các tính năng kỹ-chiến thuật. Các thành phần mới đã được ứng dụng vào cỗ máy nâng cấp, nhờ đó nó sở hữu những tính năng toàn diện hơn.
Trong khuôn khổ một cuộc xung đột giả định tại Trung Đông, các xe tăng Merkava-4 chỉ có thể được quân đội Isarel sử dụng vì nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm tới loãi vũ khí này, nhưng tạm thời nó chưa được xuất khẩu.
Còn xe tăng T-90MS cũng chưa kịp bàn giao cho quân đội Nga. Những phiên bản trước của dòng T-90 bán rất chạy và được nhiều nước sử dụng, nhưng phiên bản nâng cấp sâu mới nhất vẫn chưa được cung cấp hàng loạt cho các khách hàng.
Dẫu rằng vụ máy bay trinh sát IL-20 bị bắn rơi gây ra căng thẳng rất lớn giữa Nga và Israel, nhưng chắc chắn Nga sẽ không trực tiếp động binh với người Do Thái. Tuy nhiên, trong tương lai, không loại trừ khả năng nó sẽ được bán cho một vài quốc gia Trung Đông, lấy ví dụ như Syria.
Chính quốc gia này có thể được xem xét dưới vai trò người sử dụng T-90MS trong cuộc chiến tranh giả định.
Xe tăng Merkava-4 của Isarel.
Tính cơ động
Một trong những yếu tố chính tác động lên phẩm chất chiến đấu của chiếc xe tăng, theo đó là cả kết cục trận chiến - đó là tính cơ động.
Xe tăng cần phải có khả năng di chuyển trên chiến trường với vận tốc yêu cầu mà không ngại bất cứ loại địa hình hoặc chướng ngại vật nào, nhờ đó nó có thể tiếp cận đúng lúc, đúng vị trí triển khai hoả lực và chiếm được ưu thế trước đối phương.
Các xe tăng Merkava-4 của Isarel được trang bị động cơ diezel General Dynamics GD883 công suất 1.500 mã lực. Trọng lượng chiến đấu, tuỳ thuộc vào cấu hình, có thể vượt 65 tấn. Như vậy, công suất riêng của nó không thể vượt quá 23 mã lực/tấn.
Cỗ máy này được trang bị hệ thống khung gầm với giảm chấn bằng lò xo với những thiết bị bảo vệ trước các tác động của đất hoặc đá cùng động cơ được kết nối với hộp số cơ thuỷ lực tự động.
Động cơ diezel V-92S2F với công suất 1.130 mã lực và hộp số tự động được bố trí ở phía đuôi của chiếc xe tăng T-90MS, giúp nó có được công suất riêng không dưới 23,5 mã lực/tấn. Phần khung gầm sử dụng giảm sóc xoắn truyền thống của ngành công nghiệp xe tăng Nga mà không cần hệ thống bảo vệ hỗ trợ.
Các xe tăng T-90MS và Merkava-4 không khác biệt nhiều so với nhau về công suất/trong lượng. Tuy nhiên, trọng lượng các cỗ máy tác động rõ nét lên những tính năng của chúng. Chiếc xe tăng của Isarel trên đường bằng có thể tăng tốc tối đa lên tới 64km/h, trong khi chiếc xe của Nga có thể đạt được vận tốc 70km/h.
T-90MS cũng có lợi thế đáng kể về dự trữ hành trình. Cần phải nhấn mạnh rằng trọng lượng lớn của Merkava-4 có thể làm giảm đi tính cơ động chiến lược khi hạn chế khả năng lựa chọn phương thức điều chuyển khí tài này.
Xe tăng T-90MS.
Nói tóm lại, do đặc điểm vận hành khí tài và chiến lược nên Quân đội phòng vệ Isarel không gặp phải những vấn đề tương tự. Các xe tăng của Isarel được chế tạo trên cơ sở chỉ phục vụ cho việc vận hành trong khu vực chứ không nhằm mục đích đưa tới những nơi khác.
Nói chung, căn cứ từ những thông tin hiện có cho thấy rằng, T-90MS có khả năng chứng tỏ được các tính năng cơ động cao trên đường bằng, cũng như trên những địa hình hỗn hợp. Tổ lái được huấn luyện tốt có thể tận dụng những ưu thế này trên chiến trường để nhanh chóng tiếp cận vị trí có lợi.
Phòng vệ
Một yếu tố khác tác động tới tính hiệu quả tổng thể của chiếc xe tăng là khả năng sinh tồn của nó, gồm tập hợp tính năng phòng vệ, các giải pháp về thiết kế,…
Cần phải nêu rõ rằng, trong lĩnh vực chế tạo xe tăng Nga, người ta thường tìm kiếm sự kết hợp tối ưu tất cả những tính năng cơ bản, trong khi các kỹ sư Isarel lại chú trọng vào khả năng phòng vệ. Điều đó dẫn tới sự xuất hiện những khác biệt về tính năng của hai cỗ xe tăng.
Theo các thông tin được công bố, phần tiết diện phía trước của Merkava-4 được bao bọc bởi lớp thiết giáp tích hợp, với các chi tiết bằng kim loại và gốm. Những tiết diện khác, để giảm trọng lượng, được bảo vệ bằng lớp giáp thép đồng nhất.
Đặc điểm nổi bật của chiếc xe tăng Isarel là phần trên của mặt trước thân xe có độ nghiêng lớn. Cũng để bảo vệ tổ lái được tốt hơn, người ta đã bố trí động cơ và hộp số ở phía đầu xe như một rào cản đường đi của đạn.
Ngoài ra, ở trong khoang lái không bố trí những hệ thống thuỷ lực có thể gây hoả hoạn tiềm ẩn và đạn dược. Trong phần thân xe, người ta cũng tính đến sự cần thiết bảo vệ khỏi bom mìn dưới bánh xích hoặc sàn xe.
Trước đây Isarel thường xuyên sử dụng các hệ thống phòng vệ phản ứng nổ, nhưng Merkava-4 thì không, khi người ta triển khai lắp đặt tổ hợp phòng vệ chủ động Trophy cho những xe tăng này, chuyên để đánh chặn các loại đạn bay đến.
Nhờ đó, Merkava-4 có thể đánh chặn được lựu đạn và tên lửa, cũng như chịu đựng được khi bị các loại đạn pháo bắn trúng. Tuy nhiên, các chỉ số chi tiết của lớp giáp này không được công bố.
Xe tăng Merkava-4 của Isarel.
T-90MS "thừa kế" từ những bậc tiền bối hệ thống bảo vệ phía trước tích hợp từ thép và gốm. Tiết diện phía trước cũng được trang bị hệ thống phòng vệ phản ứng nổ tích hợp Relikt tối tấn, giúp cho T-90MS đứng vững trước phần lớn các loại đạn chống tăng hiện đại.
Hai bên sườn và đuôi xe được bảo vệ bởi lớp giáp thép với sự hỗ trợ của các tấm lưới kích nổ.
Phiên bản T-90AM cung cấp cho quân đội Nga có thể trang bị một vài thiết bị của tổ hợp phòng vệ chủ động Afganit. Đối với phiên bản xuất khẩu T-90MS, người ta sử dụng tổ hợp phòng vệ chủ động Arena-E với các tính năng hoàn toàn khác. Khi phát huy tất cả các phương tiện phòng vệ, T-90MS có khả năng tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công.
Việc không nắm đủ thông tin về mức độ bảo vệ sẽ không thể so sánh một cách khách quan hai chiếc xe tăng. Vì lý do này nên chúng được đánh giá ngang nhau, dù một vài đặc điểm của chúng có thể tạo nên những ưu thế trước đối thủ.
T-90MS mạnh hơn bởi được trang bị đầy đủ hệ thống phòng vệ tích hợp, phản ứng và chủ động, bổ sung thêm các tấm thép kích nổ. Không trang bị hệ thống phòng vệ phản ứng, nhưng Merkava-4 có thể tự tin với cách thức bố trí thiết kế đặc biệt giúp tăng khả năng sinh tồn của tổ lái khi bị tấn công trực diện.
Quan sát và điều khiển
Để triển khai toàn bộ các vũ khí mà không gặp phải những rủi ro không đáng có, chiếc xe tăng hiện đại cần phải sở hữu các thiết bị quan sát và hệ thống điều khiển hoả lực hiệu quả. Ngoài ra, nó cần phải có hệ thống liên lạc giúp trao đổi thông tin về tình hình tác chiến với sở chỉ huy hoặc các xe chiến đấu khác.
Tất cả những yêu cầu này đã được tính đến trong các xe tăng của Nga và Isarel.
Các xe tăng Merkava-4 dòng mới nhất được trang bị hệ thống điều khiển hoả lực BAZ và các phương tiện liên lạc kiểu BMS.
Thành phần hệ thống điều khiển hoả lực gồm ống ngắm chỉ huy toàn cảnh và block điện tử-quang học 2D ổn định của sĩ quan ngắm bắn. Sĩ quan chỉ huy và sĩ quan ngắm bắn còn được trang bị các camera ban ngày và ban đêm, cũng như thước ngắm lazer, máy tính toán đạn đạo và máy tự động theo dõi mục tiêu.
Theo các thông tin khác nhau, hoạt động tìm kiếm và bắn hạ mục tiêu có thể được thực hiện cả ngày lẫn đêm ở khoảng cách lên tới 6-8km. Hệ thống liên lạc BMS giúp duy trì trao đổi thông tin về tình hình trên chiến trường, tiếp nhận và cung cấp định vị mục tiêu.
T-90MS sử dụng hệ thống điều khiển hoả lực hiện đại Kalina. Trưởng xe và pháo thủ được trang bị các ống ngắm tích hợp (ngày-đêm), ngoài ra trên nóc tháp pháo có bố trí một ống ngắm chỉ huy toàn cảnh. Thiết bị tự động giúp nhận biết và theo dõi mục tiêu, tính toán các thông số để khai hoả,…
Tổ hợp các phương tiện liên lạc giúp nó phối hợp và truyền dữ liệu ở quy mô tiểu đoàn. Ngoài ra, còn có máy định vị sử dụng các tín hiệu của vệ tinh. Hệ thống điều khiển hoả lực Kalina hỗ trợ theo dõi tình hình trong mọi điều kiện và sử dụng vũ khí ở tất cả các tầm bắn.
Theo những dữ liệu hiện có, các hệ thống điều khiển hoả lực BAZ và Kalina vào thời điểm hiện tại có thể cạnh tranh vị trí dẫn đầu và là những sản phẩm tốt nhất trong phân khúc này trên thế giới.
Chúng có khả năng tìm kiếm và tiêu diệt mục tiêu chính xác nhờ hệ thống vũ khí cơ sở. Tính hoàn thiện cao của hệ thống điều khiển hoả lực đặt ra những yêu cầu đặc biệt đối với công tác huấn luyện tổ lái.
Kết quả của cuộc đối đầu phụ thuộc không chỉ vào khí tài, mà còn vào kỹ năng của các lính xe tăng.
Vũ khí
Mục đích cuối cùng của việc ứng dụng các thiết bị phòng vệ và điều khiển hiện đại là sử dụng một cách an toàn và hiệu quả vũ khí để tiêu diệt đối phương. Merkava-4 và T-90MS thuộc các trường phái chế tạo xe tăng khác nhau, nhưng áp dụng phương pháp hiện đại nhất để chế tạo các tổ hợp vũ khí.
Trên tháp pháo của chiếc xe tăng Isarel lắp khẩu pháo nòng trơn MG253 cỡ 120mm bắn được tất cả các loại đạn 120mm hiện có theo chuẩn NATO.
Bên cạnh đó, ngành công nghiệp quân sự của Isarel sản xuất một vài mẫu đạn riêng. Các loại đạn xuyên giáp của MG253 xuyên thủng được lớp giáp đồng nhất có độ dày không dưới 600-650mm.
Trong bộ đạn của Merkava-4 gồm các tên lửa chống tăng có điều khiển LAHAT phóng thẳng từ pháo MG253 với tầm bắn lên tới 8km và khả năng xuyên tới 800mm lớp giáp nằm phía sau lớp giáp phản ứng nổ.
Tên lửa chống tăng có điều khiển LAHAT.
Đạn được nạp nhờ hệ thống bán tự động với trống quay 10 lỗ. Thêm 38 quả được bố trí ở một khoang riêng và nạp vào thủ công. Theo khẳng định, điều này đẩy nhanh quá trình chuẩn bị khai hoả nhờ việc tự động tìm kiếm loại đạn cần thiết và nạp đạn cơ học.
Tổ hợp vũ khí bổ sung gồm 2 khẩu súng trung liên. Một khẩu được bố trí ngay phía trên nòng pháo, khẩu thứ hai - trên nóc tháp pháo. Còn có cả khẩu súng đại liên với thiết bị điều khiển từ xa. Trên tháp pháo còn bố trí các lựu đạn khói. Merkava-4, giống như những tiền bối của mình, có thể mang theo khẩu súng cối 60mm.
Chiếc xe tăng T-90MS Nga được bố trí khẩu pháo nòng trơn 125mm 2A46M-5 và hệ thống nạp đạn cải tiến tự động. Kho đạn dành cho khẩu pháo này gồm 44 viên: 22 viên nằm trong máy nạp đạn tự động bố trí bên dưới khoang chiến đấu, thêm 8 viên nằm trong khoang chứa của thân xe.
Có thể bổ sung thêm 10 viên nữa trong phần sàn sau của tháp pháo. Khẩu pháo 2A46M-5 có thể sử dụng tất cả các loại đạn kích thước 125mm do Nga sản xuất.
Những loại đạn xuyên giáp đời mới nhất có khả năng xuyên thủng lớp thép đồng nhất dày tới 600-650mm.
T-90MS cũng trang bị tổ hợp vũ khí điều khiển 9K119M Reflex-M với các tên lửa chống tăng 9M119M và 9M119M1. Tầm bay của các tên lửa này có thể đạt tới 5km. Khả năng xuyên thủng lớp giáp dày tới 900mm phía sau hệ thống phòng vệ phản ứng nổ.
Tên lửa chống tăng 9M119M.
Một khẩu súng trung liên được gắn liền phía trên khẩu pháo. Khẩu thứ hai được bố trí trên modul chiến đấu điều khiển từ xa. Ngoài ra, T-90MS cũng được trang bị các lựu đạn khói.
Trong phần vũ khí xảy ra tình huống khá thú vị. Khi sử dụng các loại đạn pháo hiện có, Merkava-4 và T-90MS có thể cho thấy những tính năng và phẩm chất chiến đấu tương đồng.
Tuy nhiên, khi áp dụng các tên lửa điều khiển, tình hình thay đổi với ưu thế nghiêng về cỗ xe tăng Isarel. Tổ hợp LAHAT hiện đại hơn, có ưu thế về tầm bắn, mặc dù kém Reflex về các chỉ số xuyên phá. Số lượng súng trung liên nhiều hơn, cũng như sử dụng cả súng đại liên M2HB có thể coi là ưu thế của Merkava-4.
Mèo nào cắn mỉu nào?
Việc phân tích sơ bộ hai cỗ xe chiến đấu hiện đại mà có thể đối đầu nhau trong các trận chiến giả định ở Trung Đông cho thấy một tình huống khá thú vị.
Khi chỉ nắm được thông tin công khai, không thể khẳng định chắc chắn rằng chiếc nào trong số hai cỗ máy được mang ra so sánh có ưu thế hơn hẳn chiếc còn lại. Trong một vài so sánh, Merkava-4 giữ vị trí dẫn đầu, nhưng trong những so sánh khác ưu thế lại thuộc về T-90MS. Trên cơ sở đó có thể đưa ra những kết luận.
Trong phần so sánh về tính cơ động, thì chiếc xe tăng chủ lực gọn nhẹ do Nga sản xuất chiếm ưu thế hơn. Về khả năng sinh tồn, cả hai chiếc xe tăng, có vẻ giống nhau dù mức độ bảo vệ được thực hiện bằng các phương pháp khác nhau.
Trong phần các hệ thống điều khiển hoả lực, liên lạc và điều khiển kết quả cũng ngang nhau. Về hạng mục vũ khí, Merkava-4 và T-90MS giống nhau, mặc dù chiếc xe tăng Isarel chiếm ưu thế nhờ việc sở hữu các tên lửa có tầm bắn xa hơn.
Có thể thấy một bức tranh khá thú vị như sau: Để kết thúc trận chiến giả định, T-90MS phải sử dụng các ưu thế về tính cơ động của mình, còn để thực hiện được mục tiêu này Merkava-4 phải sử dụng các thiết bị quan sát hiệu quả và tên lửa có tầm bắn xa.
Bên cạnh đó, cả hai cỗ máy khó có thể tiêu diệt được đối phương bằng cú bắn chính xác đầu tiên bởi vì cả hai đều sở hữu hệ thống phòng vệ mạnh.
Như vậy, khi hai chiếc xe tăng này đụng độ, các tính năng kỹ-chiến thuật cơ bản sẽ mất đi ý nghĩa của mình. Cùng với đó, ý nghĩa của các thiết bị liên lạc và điều khiển, cũng như trình độ của tổ lái sẽ tăng lên.
Cơ hội giành thắng lợi sẽ lớn hơn nếu cỗ máy nào nhận được thông tin về sự hiện diện của đối phương trước tiên, cũng như nhanh chóng phát hiện ra đối phương, và sử dụng các ưu thế kỹ thuật của mình để ra đòn quyết định.
Khí tài quân sự hiện đại sở hữu những tính năng tốt và sự hoàn thiện nhất định. Sự phát triển của các hệ thống vũ khí và những thiết bị khác giúp cho các tổ hợp phụ trợ và công tác huấn luyện con người ngày càng có ý nghĩa quan trọng.
Kết quả cuộc đối đầu của «Merkava-4» và T-90MS sẽ phụ thuộc, trước tiên, vào những con người cụ thể. Những tổ lái nào sẽ đối đầu với nhau trong một trận đánh giả định lại là một vấn đề khác.
Tình hình tại Trung Đông chưa thay đổi và vẫn còn tiềm ẩn một cuộc xung đột vũ trang với sự tham gia của một loạt các quốc gia trong khu vực.
Trong cuộc chiến tranh này nhiều loại khí tài thiết giáp sẽ được sử dụng, trong đó không thể không kể đến các xe tăng Merkava-4 và T-90. Như chúng ta thấy, kết quả của các trận chiến với sự tham gia của loại khí tài này sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố và rất khó đoán định.
Xe tăng T-90Ms trình diễn tính năng tại Kuwait, đây là phiên bản có tích hợp điều hòa nhiệt độ tại vị trí phía sau tháp pháo
No comments:
Post a Comment