Ngày hôm qua, cả thế giới chấn động trước sự việc Bộ Quốc phòng Nga công bố thông tin lực lượng phòng không Syria là "tác giả" của vụ bắn hạ máy bay trinh sát điện tử IL-20 .
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng Israel phải chịu trách nhiệm cho thảm kịch này. Các phi công F-16 Israel đã lợi dụng IL-20 làm bức màn che chắn để bị ngắm bắn bởi tên lửa S-200 Syria.
Phản ứng lại với tuyên bố của Nga, Quân đội Israel cho rằng lỗi thuộc về hệ thống phòng không Syria đã "bắn bừa bãi" và không buồn xác định liệu có còn máy bay Nga trên trời hay không.
"Bắn bừa" S-200 có dễ?
Trước hết để xác định liệu phòng không Syria có thực sự "bắn bừa" hay không, cần phải tìm hiểu về cơ chế điều khiển tên lửa đất đối không S-200.
S-200 (NATO định danh là SA-5 Gammon) là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa do Liên Xô thiết kế từ những năm 1960 với vai trò bảo vệ các căn cứ quân sự, cơ sở công nghiệp quan trọng trước các cuộc không kích.
Thời điểm ra đời, S-200 được coi là loại tên lửa đối không bắn xa nhất thế giới (180-400km), thậm chí kỷ lục này tiếp tục giữ vững tới khi S-400 Triumf ra đời. Đặc biệt, nó cũng được trang bị nhiều loại công nghệ tiên tiến nhất thời bấy giờ.
Một trong những cải tiến đáng chú ý nhất trên S-200 là việc trang bị công nghệ tự dẫn radar bán chủ động. Kiểu này được đánh giá là chính xác hơn khi tấn công mục tiêu tầm xa so với các thế hệ S-75 Dvina (SA-2) hay S-125 Pechora (SA-3) dùng cơ chế điều khiển bằng sóng vô tuyến.
Có thể hiểu cơ bản phương thức dẫn đường trên S-200, đài điều khiển trên mặt đất sẽ phát xạ liên tục lên không trung. Năng lượng phản xạ lại từ mục tiêu sẽ được đầu tự dẫn trên tên lửa thu nhận rồi chuyển thành lệnh để lái đạn.
Anten - một trong những thành phần chính đài dẫn đường - chiếu xạ mục tiêu 5N62 của hệ thống S-200.
Cụ thể hơn, khi tác chiến, dựa trên các phần tử của đài radar trinh sát và chỉ thị mục tiêu, đài điều khiển hỏa lực sẽ phân tích tình huống trên không, chọn mục tiêu có lợi nhất rồi cho radar chiếu xạ, hướng vào mục tiêu đã chọn phát xạ năng lượng.
Khi tên lửa được phóng ra, đầu tự dẫn thu nhận năng lượng phản xạ rồi chuyển tới bộ so sánh, xác định độ sai lệch, qua thiết bị tính toán, tạo lệnh trong tên lửa để điều chỉnh cánh lái, hướng đạn vào mục tiêu.
Như vậy, nếu cho rằng lực lượng phòng không Syria "bắn bừa" S-200 là "hơi quá đáng" và có phần "cố đổ tội".
Triển khai chiến đấu tên lửa không phải đơn giản chỉ là thấy mục tiêu rồi ấn nút bắn mà là cả một quá trình phức tạp qua nhiều khâu cùng một tập thể con người.
Câu hỏi đặt ra lúc này là kíp trắc thủ S-200 Syria đã chọn mục tiêu nào ngay từ dưới mặt đất? Họ đã chọn nhắm vào các máy bay F-16 Israel hay IL-20 của Nga?.
Theo lời một chỉ huy phòng không Syria ngay sau khi xảy ra vụ mất tích chiếc IL-20, người này cho rằng họ có liên kết (Link) với phòng không Nga, không thể có chuyện bắn nhầm.
Vậy có thể tạm coi rằng kíp trắc thủ S-200 hướng "kính chiếu yêu" vào nhóm tiêm kích F-16, nhưng điều gì đã xảy ra sau khi tên lửa được bắn đi?
Phải chăng Israel "lừa" đạn S-200 "bỏ nhỏ ăn to"?
Trong thông báo kết luận vụ bắn rơi chiếc IL-20, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng các phi công F-16 Israel đã lợi dụng IL-20 làm "bức màn che chắn".
Vậy ở đây có mấy khả năng xảy ra:
- Máy bay Israel khi phát hiện bị radar S-200 chiếu xạ đã "láu cá" cơ động núp sau máy bay IL-20 to lớn.
Khi cả hai cùng bị chiếu xạ, với diện tích phản xạ hiệu dụng radar lớn hơn nhiều so với F-16, đầu tự dẫn trên S-200 dĩ nhiên sẽ thu lại năng lượng phản xạ lớn và lái đạn về hướng đó.
4 tiêm kích Israel vô tình hay cố ý xuất hiện gần chiếc IL-20 có thể mãi là bí ẩn.
- Ngay từ đầu Israel đã "có ý chơi Nga một vố đau" - khi phát hiện hoạt động của chiếc IL-20, biên đội F-16 đã lượn lờ quay máy bay Nga để cả hai cùng bị chiếu xạ và tạo ra thảm kịch.
Ngoài ra, cũng còn một khả năng, theo tuyên bố của quân đội Israel thời điểm xảy ra vụ bắn rơi IL-20, các máy bay F-16 đã trở lại không phận nước này.
Giả thiết, khi hệ thống cảnh báo bị chiếu xạ trên máy bay báo động, nhóm tiêm kích F-16 "ù té" tăng tốc chạy về không phận Israel.
Mặc dù tầm bắn của S-200 là rất lớn và đủ khả năng theo đuôi F-16 thêm hàng trăm km, tuy nhiên không may khi đó chiếc IL-20 đang nằm trong vùng bị chiếu xạ nên bị trúng đạn.
Kể cả vào thời khắc đó, kíp trắc thủ Syria có phát hiện ra sai lầm cũng khó xoay chuyển tình thế do S-200 không có cơ chế tự hủy khi không tìm thấy mục tiêu địch.
Về hệ thống nhận diện địch – ta (IFF), cũng có ý kiến cho rằng S-200 Syria có thể không có. Mà kể cả nếu có thì khả năng cao nó cũng không nhận chiếc IL-20 là "bạn".
Nói chung, vụ việc tên lửa Syria bắn rơi máy bay Nga vẫn còn thiếu khá nhiều dữ liệu để đưa ra một giả thiết chắc chắn. Nhất là việc kíp trắc thủ S-200 đã làm gì, họ lựa chọn mục tiêu như thế nào. Cũng như sự xuất hiện của tiêm kích F-16 Israel rất gần khu vực chiếc IL-20 hoạt động là vô tình hay hữu ý?
Có lẽ vụ việc này sẽ còn được phân tích mổ xẻ nhiều, nhưng sự thật điều gì đã xảy ra khi đó xem ra khó lòng được tiết lộ sâu hơn.
Tiêm kích F-16 của Israel biểu diễn khả năng bay cực thấp.
No comments:
Post a Comment