Chiều ngày hôm qua (24/9), tình hình Syria tiếp tục có thêm diễn biến căng thẳng khi Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigui tuyên bố Moscow sẽ cung cấp cho Damascus tên lửa S-300 trong thời gian thần tốc.
Lý do trực tiếp khiến Moscow quyết định đi nước cờ chắc chắn khiến Mỹ-NATO, Israel "nổi trận lôi đình" do phòng không Syria bắn nhầm chiếc IL-20 hôm 17/9.
Mà nguyên nhân dẫn tới thảm kịch đau đớn này được cho là Israel sử dụng IL-20 làm "lá chắn" khiến tên lửa S-200 Syria nhận nhầm mục tiêu.
Theo tuyên bố của Nga, việc trang bị hệ thống S-300 cho Syria nhằm góp phần đảm bảo an toàn cho các binh sĩ quân đội nước này đang làm nhiệm vụ chống khủng bố.
Tuy các thông tin được truyền thông Nga công bố trông khá rõ ràng, thế nhưng nhìn sâu vào vấn đề thì còn nhiều điều phải bàn về việc này.
2 tuần "quá nhanh, quá nguy hiểm", không thể có S-300 mới tinh
Trong tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, họ sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-300 trong vòng 2 tuần tới. Đây là khoảng thời gian gấp gáp và gần như không dành cho việc sản xuất mà là chuyển các thành phần đồ sộ của hệ thống S-300 tới Khmeymim.
Mặc dù, trước đây Nga và Syria từng ký hợp đồng cung cấp S-300 vào năm 2013. Thế nhưng, do áp lực từ nhiều hướng, Nga đã không thể chuyển giao S-300 cho Syria theo đúng hợp đồng.
Từ đó tới nay đã 5 năm, theo một vài nguồn tin, Nga đã rao bán bộ khí tài S-300 sản xuất cho Syria cho các quốc gia khác (trong đó có Ai Cập).
Do đó, ít có khả năng lực lượng phòng không Syria nhận được các hệ thống S-300 mới tinh dành riêng cho họ mà là hệ thống đã qua sử dụng rút từ trong trang bị của Quân đội Nga.
Tên lửa phòng không Nga triển khai bảo vệ căn cứ Khmeymim ở Latakia.
Chuyên gia Nga điều khiển, sĩ quan Syria đứng nhìn?
Bên cạnh vấn đề về nguồn gốc, việc chuyển giao S-300 một cách gấp gáp cũng khiến người ta đặt câu hỏi về việc huấn luyện lực lượng phòng không Syria.
Rõ ràng 2 tuần là không đủ thời gian để binh sĩ Syria học chuyển loại sử dụng hệ thống phòng không tiên tiến nhưng cực kỳ phức tạp như S-300. Trong trường hợp khẩn cấp thì nhanh nhất cũng cần vài tháng.
Vậy nên, có thể bước đầu các sĩ quan tên lửa Syria sẽ phải đứng nhìn các chuyên gia Nga thao tác vận hành S-300 bảo vệ không phận của họ một thời gian dài trước khi được phép ngồi vào bàn điều khiển.
Mà kể cả khi các binh sĩ Syria hoàn thành khóa đào tạo, xem ra phía Nga tạm thời sẽ phải "giám sát" các đồng nghiệp của mình 24/24 nhằm đảm bảo rằng sẽ không để xảy ra thảm kịch tương tự như vụ bắn nhầm IL-20.
Tên lửa S-300 nào có tầm bắn 250km?
Một dấu hỏi lớn nữa với quyết định này của Nga xuất phát từ trong tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu: "Syria sẽ được cung cấp hệ thống phòng không S-300 tiên tiến… có khả năng đánh chặn các mục tiêu trên không ở cự ly hơn 250km và tấn công đồng thời nhiều mục tiêu".
Hai loại xe phóng tự hành của hệ thống tên lửa S-300VM.
Với tầm bắn xa hơn 250km, khả năng rất cao Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300VM hoặc S-300V4.
Đó là phiên bản của dòng S-300V vốn được thiết kế cho cả hai nhiệm vụ phòng không và phòng thủ tên lửa.
Trong đó, S-300VM Antey 2500 có tầm bắn khoảng 200-250km, hệ thống radar điều khiển có thể dẫn đường cho 48 quả đạn tấn công 24 mục tiêu cùng lúc.
Hoặc cũng có thể đó sẽ là phiên bản S-300V4 trang bị đạn tên lửa 9M82MD có tầm bắn từ 350-400km tùy tốc độ hành trình Mach 7,5 hay Mach 9. Nó có thể tiêu diệt các mục tiêu cơ động ở trần bay rất cao.
Để biết chính xác Nga sẽ giao cho Syria hệ thống S-300 mạnh cỡ nào, xem ra chỉ có thể chờ tới khi các chuyến bay IL-76 hay An-124 hạ cánh xuống Khmeymim.
Dẫu vậy, có một điều chắc chắn, việc Nga bàn giao S-300 cho Syria sẽ khiến Mỹ-NATO và Israel sẽ gặp nhiều khó khăn trong các chiến dịch không kích.
Hệ thống S-300V4 tác chiến thế nào?
No comments:
Post a Comment