Nga đã quyết định chuyển giao hệ thống tên lửa tiên tiến S-300 cho Syria sau khi cáo buộc rằng Không quân Israel phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trong vụ máy bay trinh sát IL-20 bị bắn hạ hôm 18/9.
Động thái này sẽ làm thay đổi tình hình hiện nay tại khu vực, và Israel được dự đoán sẽ tìm cách phá hủy các hệ thống tên lửa mới của Syria.
Trong thời gian qua, các blogger của Israel đã thảo luận nhiều phương thức khác nhau để "vô hiệu hóa" S-300 một khi nó được chuyển giao cho quân đội Syria.
Hệ thống phòng không S-300.
5 phương án vô hiệu hóa S-300
Dưới đây là 5 phương án mà nhà sử học quân sự Alexander Shulman đã đưa ra:
1/ Chiếm quyền kiểm soát S-300 và đưa chúng về Israel, tương tự như trường hợp năm 1969, khi lính dù Israel đánh chiếm hệ thống radar P-12 [do Liên Xô sản xuất] dành cho quân đội Ai Cập và sau đó đưa nó về Israel (xem tại đây ).
2/ Tiến hành một chiến dịch quân sự mạo hiểm trên bộ để phá hủy các tên lửa S-300 và tiêu diệt kíp vận hành chúng. Theo ông Shulman, một chiến dịch tương tự từng được tiến hành tại Ai Cập trong Chiến tranh Tiêu hao năm 1969.
3/ Tiến hành các đợt tấn công dữ dội bằng tên lửa nhằm vào các vị trí triển khai S-300 (tương tự như các đợt tấn công nhằm vào vị trí của quân đội Syria trong chiến tranh Lebanon 1982).
4/ Tiến hành gây nhiễu điện tử. Năm 2007, Israel từng gây nhiễu các trạm radar của Syria trong lúc những chiếc F-16 của nước này oanh tạc một cơ sở quân sự.
5/ Đơn giản là sử dụng các biện pháp ngầm để phá hoại S-300.
"Tôi cho rằng có thể loại bỏ phương án tiến hành chiến dịch trên bộ và các biện pháp phá hoại ngầm.
Việc phá hủy S-300 có thể được thực hiện thông qua các loại vũ khí chính xác tầm xa, hoặc các đợt tấn công đường không với cường độ mạnh, sử dụng vũ khí chính xác" – Antoine Lavrov, một chuyên gia quân sự độc lập, nói với tờ Vzglyad của Nga.
Theo ông Lavrov, Israel có đủ sức mạnh không quân để tiến hành tấn công nhưng họ có thể không bao giờ phá hủy S-300 thông qua phương thức tác chiến điện tử, nếu không có sự hỗ trợ từ Mỹ.
"Điều này sẽ bao hàm một chiến dịch quy mô lớn với sự tham gia toàn diện của Mỹ" – ông Lavrov nói.
Khả năng phá hủy tên lửa S-300
Trao đổi vói tờ Vzglyad, một chuyên gia quân sự Israel cho rằng Tel Aviv sẽ không tấn công S-300 do các lý do địa-chính trị, chứ không phải lý do kỹ thuật.
"Về mặt kỹ thuật, mọi việc đều có khả năng tiến hành. Tuy nhiên, trường hợp này thì khác. Vấn đề chính là, việc cung cấp S-300 cho Syria có thể đưa Nga và Israel tới bờ vực của một cuộc đối đầu quân sự trực diện" - Uzi Rubin, người sáng lập cơ quan phát triển hệ thống tên lửa của Israel, và là người đồng phát triển hệ thống phòng không HETZ cho hay.
Chiến dịch đánh cắp radar P-12
Nếu Israel định lặp lại kịch bản đánh cắp radar P-12 năm 1969 với S-300 thì chúng ta cần nhìn lại một chút về chiến dịch này.
Sau khi bị Israel đánh bại trong Chiến tranh sáu ngày nổ ra năm 1967, quân đội Ai Cập bắt đầu đẩy mạnh việc mua sắm khí tài hiện đại từ Liên Xô, trong đó có các hệ thống radar phòng không tối tân.
Tháng 9/1969, Tel Aviv phát hiện dấu hiệu của một hệ thống phòng không mới, rất khó xuyên thủng của Cairo. Không quân Israel tiến hành hàng loạt nhiệm vụ trinh sát không ảnh, trước khi nhận dạng một đài radar cảnh giới P-12 hiện đại ở bờ biển Ras-Arab.
Ban đầu, quân đội Israel định không kích tiêu diệt hệ thống này, nhưng vụ tấn công bị hủy khi họ nảy ra ý tưởng "bắt cóc" đài P-12 một cách nguyên vẹn.
Cụm radar P-12 trong trạng thái triển khai. Ảnh: Wikipedia.
Chiến dịch mang mật danh Rooster 53 được lên kế hoạch vào ngày 24/12. Không quân Israel lựa chọn trực thăng vận tải hạng nặng CH-53 Yasur vừa được bàn giao trước đó không lâu, được cho là loại trực thăng duy nhất đủ sức chuyên chở hệ thống P-12 với khối lượng tới 7 tấn.
9h tối 26/12/1969, Rooster 53 bắt đầu bằng hàng loạt đợt tấn công của các phi đội cường kích A-4 Skyhawk và tiêm kích F-4 Phantom II nhằm vào lực lượng Ai Cập dọc bờ tây kênh đào Suez và Biển Đỏ. Lợi dụng tiếng ồn từ các máy bay phản lực, ba trực thăng Super Frelon chở theo lính biệt kích Israel bí mật bay tới bờ biển Ras-Arab, nơi có đài radar P-12.
Nhóm đột kích gây bất ngờ cho lực lượng bảo vệ mỏng tại đài radar và nhanh chóng kiểm soát khu vực, bắt đầu "xẻ thịt" đài radar để mang về nước.
Tới 2h sáng 27/12, lực lượng biệt kích Israel đã tháo rời toàn bộ hệ thống P-12 để chờ hai chiếc CH-53 tới vận chuyển. Trực thăng đầu tiên chở theo xe liên lạc và ăng ten, trong khi chiếc CH-53 còn lại vận chuyển hệ thống đài radar nặng 4 tấn. Cả hai trực thăng sau đó bay qua Biển Đỏ để trở lại lãnh thổ do Israel kiểm soát.
Đài radar nặng 4 tấn vượt quá sức chở tối đa của chiếc CH-53, khiến khung sườn trực thăng bị kéo giãn và ống dẫn thủy lực bị thủng.
Chỉ huy trực thăng khi đó đối mặt với lựa chọn vứt bỏ cụm P-12 xuống biển hoặc mất điều khiển chiếc CH-53, nhưng vẫn kịp bay vào bờ biển Israel. Phi công điều khiển máy bay đặt đài radar xuống đất và hạ cánh bên cạnh, ngay trước khi mất khả năng kiểm soát trực thăng.
Phi cơ CH-53 còn lại vận chuyển xe liên lạc và ăng ten về căn cứ an toàn, sau đó nhận lệnh quay lại chở đài P-12. Tình trạng quá tải tương tự diễn ra, khiến chiếc trực thăng suýt đâm xuống đất. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống P-12 vẫn được đưa về an toàn theo đúng kế hoạch.
Cuộc đột kích chớp nhoáng khiến hai lính Ai Cập thiệt mạng, 4 người bị bắt làm tù binh, trong khi phía Israel chỉ có một biệt kích bị thương. Chính phủ Israel ban đầu định che giấu chiến dịch Rooster 53, nhưng quyết định công bố diễn biến và thành công của nó sau đó một tuần.
Đài radar P-12 bị tháo rời và nghiên cứu kỹ càng, giúp Israel phát triển những biện pháp chế áp mới, vô hiệu hóa mối đe dọa từ hệ thống phòng không Ai Cập. Tổ hợp này sau đó được bàn giao cho quân đội Mỹ, tương tự các khí tài Liên Xô bị Israel thu giữ trước đó như tên lửa S-75.
Mục kích hệ thống tên lửa phòng không S-300V tác chiến.
No comments:
Post a Comment