Cưỡi IL-76 hay An-124?
Ít nhất tại Khmeimim ngày 27/9 có tới 7 chiếc IL-76, câu hỏi đặt ra lúc này là những chiếc máy bay vận tải chiến lược của Không quân Nga tới đây làm gì mà đông thế, nó chở theo cái gì?
Phải chăng, các máy bay IL-76 đang thực hiện việc không vận các khí tài của hệ thống tên lửa phòng không S-300 tới Syria.
Thật vậy, trước đó ngày 24/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuyên bố rằng nước này sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa S-300 có tầm bắn khoảng 250km cho Quân đội Syria trong vòng 2 tuần tới. Điều đó có nghĩa là kể từ thời điểm ông Shoigu tuyên bố, việc chuyển giao tên lửa S-300 sẽ được thực hiện.
Lưu ý một bộ khí tài hệ thống tên lửa S-300 là rất đồ sộ, phức tạp, gồm vô số các thành phần, chứ không chỉ bao gồm xe phóng tên lửa với một bộ radar.
Nếu đi bằng đường biển với các tàu cỡ lớn thì có khi chỉ cần 1-2 chuyến là đủ, nhưng nếu đi bằng đường hàng không thì sẽ cần vài chục chuyến là ít.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ việc các máy bay IL-76 chỉ đưa thêm các hàng hóa hậu cần tới Syria cho binh sĩ Nga. Bởi vào năm 2015, khi triển khai tên lửa S-400 tới Syria, Không quân Nga đã sử dụng các máy bay Antonov An-124 Ruslan – loại máy bay vận tải lớn thứ 2 trên thế giới.
Hình ảnh vệ tinh của ISI cho thấy sự xuất hiện bất thường của các máy bay IL-76 tại Khmeimim.
Cách đây chỉ ít hôm, cũng máy bay An-124 Ruslan đã vận chuyển các thành phần hệ thống tác chiến điện tử Krasukha 4 tới Syria. Do đó, khả năng rất cao trách nhiệm chuyển giao S-300 cho Syria lần này tiếp tục được giao phó cho An-124.
Hoặc cũng không loại trừ phương án IL-76 mang các linh kiện nhỏ trong khi các thành phần lớn như xe phóng, radar sẽ được chở bằng An-124. Sự kết hợp này phù hợp để nhanh nhất đem tên lửa "khủng" tới Syria.
Bộ khí tài S-300 đồ sộ tới cỡ nào?
Để tiện hình dung, chúng ta hãy tìm hiểu một bộ khí tài tên lửa phòng không S-300PMU2 gồm những gì?
S-300PMU2 Favorit được thiết kế để bảo vệ hiệu quả các mục tiêu quân sự, chính trị chống lại mọi cuộc tập kích đường không sử dụng máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo...
Cấu hình hệ thống Favorit bao gồm: một bộ khí tài chỉ huy đồng bộ 83M6E2 và tối đa 6 tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU2.
Trong đó, bộ khí tài chỉ huy đồng bộ 83M6E2 gồm: xe chỉ huy 54K6E2; xe đài nhìn vòng 64N6E2; xe trinh sát trận địa 1T12-2M-2; các khí tài phục vụ chiến đấu và khí tài phối thuộc khác.
Còn mỗi tổ hợp S-300PMU2 lại bao gồm bộ khí tài chiến đấu, bộ khí tài bảo đảm chiến đấu và các khí tài phối thuộc khác. Cụ thể:
- Bộ khí tài chiến đấu gồm: một đài điều khiển bắn và chỉ thị mục tiêu đa kênh 30N6E2; không quá 12 xe mang phóng tự hành (loại xe mang phóng tự hành 5P85SE hoặc loại xe mang phóng tự hành có đầu kéo 5P85TE), mỗi xe mang 4 đạn tên lửa; đạn tên lửa phòng không loại 48N6E2, 48N6E (5V55R, 5V55K) và một xe trinh sát trận địa 1T12-2M-2.
- Bộ khí tài bảo đảm chiến đấu gồm: Bộ khí tài lưu giữ, chuyên chở và bảo đảm chiến đấu cho đạn tên lửa 82Ts6E2; thùng chứa mô hình cắt nguyên cỡ của đạn 48N6E2.GVM và đạn huấn luyện 48N6E2UD; bộ linh kiện thay thế cho các khí tài S-300PMU2 và tài liệu hướng dẫn vận hành; khối máy biến áp dùng nguồn điện lưới cung cấp cho các xe mang phóng và đài dẫn bắn.
- Bộ khí tài phối thuộc gồm: Xe đài nhìn vòng mọi độ cao 96L6E/đài nhìn vòng bắt thấp 76N6; xe tháp anten 40V6M và bộ khí tài bảo đảm chiến đấu và sửa chữa…
Chưa kể, các bộ khí tài đều có kích cỡ lớn, đôi khi người ta sẽ phải tháo rời chúng thành nhiều phần để nhét vừa khoang máy bay để chuyên chở.
Máy bay vận tải An-124 chở xe phóng tự hành S-400 tới Syria năm 2015.
No comments:
Post a Comment