Theo giới quan sát, việc Nga sẽ chuyển giao 2-4 tiểu đoàn S-300 cho Syria đang khiến các "ông lớn" như "ngồi trên đống lửa". Với tầm bắn xa hơn 250km, S-300 sẽ khiến các phi vụ không kích của Mỹ-NATO ở Syria nguy hiểm hơn.
Thế nhưng, ngạc nhiên thay, việc Nga quyết định chuyển S-300 cho Syria không khiến chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu "chùn bước".
Trong cuộc họp báo hôm 25/9, Thủ tướng Netanyahu tuyên bố "vẫn sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria bất chấp việc Nga quyết định chuyển giao các hệ thống tên lửa tiên tiến S-300 cho Damascus".
Tuyên bố của ông Netanyahu cho thấy Israel sẵn sàng "thách thức" S-300 và phòng không Syria. Rõ ràng, IDF phải có thứ gì đó thì mới "mạnh miệng" như vậy.
Bắn xa 250km thế thì đứng ngoài tầm là xong!
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Nga, phiên bản tên lửa phòng không S-300 mà Moscow chuyển giao cho Syria trong vòng 2 tuần tới sẽ có tầm bắn khoảng 250km. Đó là cự ly rất lớn, vượt xa tổ hợp tên lửa Patriot của Mỹ hay SAM PT của châu Âu, chỉ thua S-400 Triumf.
Dù vậy, điều đó không có nghĩa là không có cách khắc chế tầm bắn xa của S-300. Từ rất lâu, nhiều quốc gia trên thế giới mà đi đầu là Mỹ-Nga đã phát triển thành công các loại tên lửa hành trình có tầm bắn cực xa, cho phép máy bay mang phóng "lang thang" ngoài tầm với tên lửa phòng không và "giáng đòn sấm sét".
Hiện nay, trong biên chế Không quân Israel trang bị ít nhất là một loại vũ khí như vậy. Đó là tên lửa hành trình Delilah do IMI thiết kế tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Delilah có chiều dài 2,71m; sải cánh 1,1m; đường kính thân 0,33m; trọng lượng phóng 187 kg. Đầu đạn tuy chỉ có trọng lượng 30kg nhưng với độ chính xác cao, thế là cũng đủ để tiêu diệt các mục tiêu.
Tên lửa hành trình Delilah.
Khác với các tên lửa hành trình hiện nay, Delilah sở hữu nhiều tính năng "độc đáo". Ví dụ như, trong khi các tên lửa hành trình khác phải khóa mục tiêu trước khi phóng thì Delilah lại có khả năng "tuần tra, giám sát khu vực" trước khi thực hiện cuộc tấn công.
Tính năng này cho phép Delilah lượn lờ trên khu vực bị oanh kích để tìm kiếm những mục tiêu có giá trị cao được ngụy trang kỹ càng nhất. Tên lửa được trang bị động cơ turbine phản lực cho phép nó đi "lang thang" trong một thời gian khá dài.
Nó được trang bị nhiều loại đầu dò mục tiêu khác nhau như: Cảm biến hình ảnh kỹ thuật số, cảm biến hồng ngoại, INS/GPS cho phép tấn công các mục tiêu cố định hoặc di chuyển cả ở trên đất liền lẫn trên biển.
Về tầm bắn, Delilah đạt cự ly xa nhất đến 250km - ngang ngửa với tên lửa S-300 mà Nga sắp chuyển giao cho Syria. Dẫu vậy, trong thực tiễn, các thông số về tầm bắn cực đại chỉ mang tính lý thuyết, thường thì người ta không bao giờ bắn kịch tầm như vậy.
Để đạt sự chính xác cao nhất, máy bay mang đạn phải vào tầm 2/3 hoặc thậm chí 1/2 tầm bắn mới phóng đạn. Do đó, với tên lửa Delilah, Israel phải chấp nhận rằng độ chính xác tốt nhất mà loại vũ khí này đạt được sẽ ở tầm bắn khoảng dưới 200km.
Dĩ nhiên là việc này cũng sẽ áp dụng với S-300 và nhiều loại tên lửa phòng không khác, kể cả S-400 Triumf. Tầm bắn 250 hay 400km chỉ là lý thuyết, thực tế để đánh mục tiêu thì không ai bắn với như vậy!
Dẫu vậy, điều này đặt ra một vấn đề với các tiêm kích F-16 mang Delilah là sẽ phải chấp nhận đi vào vùng nguy hiểm. Làm thế nào để sống sót trước khi tới mục tiêu cần tấn công? Câu trả lời hóc búa này sẽ dành cho những "sĩ quan giàu kinh nghiệm" của Không quân Israel.
Lưu ý, không phải tới bây giờ Israel mới biết tới S-300 hay S-400, từ nhiều năm nay họ thường xuyên "giỡn mặt" với lực lượng phòng không Nga ở Syria.
Rõ ràng, kể từ bây giờ, trước khi tiến hành một chiến dịch không kích, Israel sẽ phải cân nhắc và tổ chức nghiên cứu thật kĩ trước khi thực hiện. "Qua mặt" được S-300 không kích thành công triệt hạ mục tiêu ở Syria sẽ là một thành công vang dội.
Còn nếu tham vọng hơn, muốn "hủy hoại danh tiếng" S-300 thì ít nhất phải phá hủy được hệ thống này. Với nhiệm vụ như vậy, Delilah không phải là lựa chọn số một!
"Đánh rắn phải đánh dập đầu"
Để chế áp các hệ thống tên lửa đất đối không, loại vũ khí được xem là hiệu quả nhất đã được chứng minh trong các cuộc chiến tranh là tên lửa chống radar.
Mục tiêu chủ yếu của loại tên lửa này các trạm radar, tuy nhiên do tính chất dò nguồn sóng của nó mà các hệ thống gây nhiễu, trạm phát sóng vô tuyến các loại cũng sẽ bị "vạ lây".
Đối với hầu hết các hệ thống tên lửa phòng không, nếu như các đài radar điều khiển bị phá hủy thì không khác gì "rắn mất đầu", bởi radar đóng vai trò trinh sát, phát hiện, dẫn đường cho tên lửa tấn công.
Tiêm kích F-16 bắn tên lửa chống radar AGM-88 HARM.
Ngay cả các loại tên lửa mới nhất như S-400 Triumf dù cho tên lửa trang bị đầu tự dẫn radar chủ động thì nó cũng cần hệ thống radar mặt đất phát hiện mục tiêu và cung cấp các tham số cần thiết về tọa độ, hướng bắn trước khi rời bệ phóng.
Hiện nay, Không quân Israel đã sở hữu loại vũ khí nguy hiểm này. Theo các nguồn tin, năm 2013, Washington đã phê chuẩn hợp đồng bán các tên lửa chống bức xạ AGM-88 HARM cho Israel.
HARM có thể tích hợp trên các hầu hết các chiến đấu cơ của Israel hiện nay gồm: F-16C/D/I; F-15I và F-35I.
AGM-88 HARM có trọng lượng 355kg, dài 4,1m, trang bị động cơ rocket với nhiên liệu rắn cho tầm bắn lên tới 150km, tốc độ bay nhanh nhất 2.280km/h.
Bằng đầu đạn nổ phá mảnh hoặc nổ xuyên nặng 66kg, AGM-88 HARM thừa sức phá hủy các đài radar cảnh giới hay đài điều khiển của S-300.
Dẫu vậy, như đã đề cập, tầm bắn hiệu quả của HARM không thể tới 150km mà có lẽ chỉ dừng ở khoảng 100-120km. Càng vào gần "tầm tay" S-300 bao nhiêu thì sẽ càng nguy hiểm bấy nhiêu.
Dĩ nhiên là Không quân Israel hiểu điều đó, F-15 và F-16 tuy nhanh nhẹn nhưng không thể nhanh hơn đạn S-300. Thật may, Tel-Aviv xem ra đã chuẩn bị sẵn cho điều đó khi "tuyển dụng" F-35I.
Với khả năng tàng hình, F-35I là giải pháp tốt nhất để vượt qua mạng lưới radar dày đặc ở Syria. Nó sẽ mang theo HARM vào cự ly hiệu quả nhất, phóng tên lửa rồi rồi thoát ly về vùng an toàn.
Về phần HARM, đây là loại tên lửa "bắn và quên", đầu tự dẫn radar thụ động kết hợp GPS trên nó sẽ tự mò "cánh sóng" radar tấn công. Dù vậy, cũng cần phải nói thêm rằng, đó là trong trường hợp F-35I thoát khỏi S-300 cũng như các hệ thống phòng không khác ở Syria.
Ngoài ra, tên lửa HARM tuy có khả năng "bắt sóng radar" cực mạnh nhưng không loại trừ việc nó "tóm phải radar không cùng gia đình S-300". Tất nhiên, đánh vào mục tiêu là sẽ gây thiệt hại nhưng mất bao công sức mà không vô hiệu hóa được S-300 thì vẫn là thất bại.
Nói chung, sự xuất hiện của tên lửa S-300 ở Syria tạo ra nhiều thách thức hơn cho Không quân Israel. Tuy vậy, phòng không Nga-Syria cũng chớ chủ quan bởi truyền thống xưa nay Israel luôn tạo ra được nhiều bất ngờ mà thảm kịch IL-20 là một ví dụ rõ nét nhất.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Máy bay chiến đấu Mỹ bắn thử AGM-88 HARM tấn công các mục tiêu trên đất liền và trên biển.
No comments:
Post a Comment