Chính thức bị "lên đốc"
Cuối tuần vừa qua, chiếc tàu sân bay Kuznetsov thuộc Dự án 11435 duy nhất của Hải quân Nga đã được đưa lên đốc nổi PD-50 hạng nặng để chính thức bắt đầu quá trình sửa chữa lớn và hiện đại hóa nhằm khắc phục những hư hỏng và lỗi kỹ thuật đồng thời kéo dài niên hạn sử dụng.
Trước đó, vào tháng 4/2018, Bộ Quốc phòng Nga đã ký một hợp đồng với Tập đoàn Đóng tàu liên hợp Nga (USC) trị giá 55 tỷ rub (tương đương khoảng 800 triệu USD) để sửa chữa - nâng cấp giữa vòng đời đối với chiếc tàu sân bay Kuznetsov duy nhất của Hải quân Nga.
Theo biểu tiến độ đã được các bên thống nhất thì tàu Đô đốc kuznetsov sẽ được sửa chữa và hoàn thành chạy thử nghiệm vào trước cuối năm 2020 để bàn giao cho Hải quân Nga đưa trở lại biên chế vào giữa năm 2021. Trong quá trình sửa chữa, một hạng mục đặc biệt quan trọng là thay thế hoàn toàn 8 lò hơi của máy chính.
Ảnh: Airbase.ru
Thành tích tham chiến không mấy vẻ vang ở Syria
Còn nhớ trong năm 2017, tàu sân bay Kuznetsov thuộc Dự án 11435 duy nhất của Nga đã chính thức tham chiến ở chiến trường khốc liệt Syria. Mặc dù thời gian triển khai hoạt động không dài, nhưng nó cũng đã để lại không ít tai tiếng.
Thứ nhất, trong quá trình di chuyển từ Hạm đội Biển Bắc tới Syria, tàu sân bay Kuznetsov đã bị truyền thông phương Tây dè bỉu khá nặng khi dường như hệ thống động cơ đẩy có vấn đề, vừa "phun nhọ" vừa gặp trục trặc buộc phải nhờ cậy sự trợ giúp của các tàu kéo mới tới được vùng biển tác chiến.
Thứ hai, theo thống kê, trong chiến dịch ở ngoài khơi bờ biển Syria, các phi công từ tàu sân bay Kuznetsov đã xuất kích tổng cộng 420 lần chiếc, trong đó có 117 lần chiếc vào ban đêm. Số lượng xuất kích không nhiều nhưng thật không may là đội hình máy bay tiêm kích trên tàu đã bị mất tới 2 chiếc gồm 1 tiêm kích Su-33 và 1 MiG-29K.
Không phải các máy bay tiêm kích MiG-29K và Su-33 có vấn đề về kỹ thuật hay do lỗi của phi công mà lại do tàu "mẹ" - chính chiếc Đô đốc Kuznetsov không chịu giang tay đón "các con" về sau khi hoàn thành nhiệm vụ không kích các mục tiêu của khủng bố ở Syria.
Nguyên nhân được cho là chỉ vì hệ thống cáp hãm trên mặt boong hoạt động kém hiệu quả, mất an toàn, khiến các phi công MiG-29K và Su-33 buộc phải nhảy dù, vứt bỏ máy bay trị giá hàng chục triệu USD một cách rất đáng tiếc.
Với số lần xuất kích kể trên trong hơn 3 tháng hiện diện ở Syria (15/10/2016 tới cuối tháng 1/2017) có thể thấy tần suất hoạt động phục vụ cất hạ cánh làm nhiệm vụ cho các máy bay trên hạm là khá thấp, chỉ chưa tới 5 lần chiếc mỗi ngày.
Nếu so với 1 chiếc tàu sân bay Mỹ có thể tung ra hàng trăm lần chiếc mỗi ngày thì con số kể trên của Kuznetsov là quá khiêm tốn, nếu không nói là "đáng xấu hổ".
Tất nhiên, có thể lý giải tần suất xuất kích ít là do số mục tiêu của khủng bố không nhiều đến mức để Kuznetsov phải tung ra những đòn không kích cấp tập, dồn dập.
Nhưng không thể phủ nhận con số đóng góp của chiếc tàu sân bay duy nhất này quá nhỏ nhoi so với cả trăm lần xuất kích mỗi ngày lúc cao điểm của các đồng nghiệp Không quân Nga đồn trú ở căn cứ sân bay Khmeimim.
Mặc dù vậy, qua quá trình hoạt động ở Syria, Hải quân Nga nói chung đã thu lượm được những kinh nghiệm tác chiến quý báu đồng thời cũng phát hiện ra những điểm yếu của đội ngũ phi công để tiếp tục huấn luyện, hoàn thiện chiến thuật và cải thiện thành tích chiến đấu trong những chiến dịch hay hoạt động tiếp theo.
Đồng thời, Kuznetsov cũng để lộ ra những "tử huyệt" về mặt kỹ thuật và giờ đây chính là lúc nó "bị" lên đốc để sửa chữa lớn đồng thời được nâng cấp hiện đại hóa trước khi quay trở lại biên chế hoạt động của Hải quân Nga.
Tàu sân bay Kuznetsov của Hải quân Nga hoạt động ở chiến trường Syria.
No comments:
Post a Comment