Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Trump không muốn là "cảnh sát" để gìn giữ, tham gia giải quyết những xung đột quân sự trên thế giới. Hoa Kỳ sẽ thu mình lại, tập trung vào chiến lược "Nước Mỹ trên hết".
Tuy nhiên, sau sự kiện tàu chở dầu bị tấn công ở Vịnh Ba Tư, máy bay không người lái của Hoa Kỳ bị bắn hạ trong khu vực không phận quốc tế, Tổng thống Trump và giới tướng lĩnh quân sự Hoa Kỳ cần phải nghiêm túc đặt câu hỏi: Hoa Kỳ có nên can thiệp quân sự vào Iran ?
Đây là câu hỏi khó, nó là tổng hợp các bài toán cho Hoa Kỳ khi can thiệp quân sự. Từ việc " danh chính ngôn thuận" bước vào cuộc chiến, đến việc thuyết phục các đồng minh và câu hỏi cuối cùng là Hoa Kỳ làm thế nào có thể nhanh chóng chiến thắng Iran, tránh tình trạng tiếp tục sa lầy vào một cuộc chiến ở Trung Đông.
Hoa Kỳ có lợi thế là nước siêu cường độc, có sức mạnh quân sự mạnh nhất thế giới, lại rất thành công trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chiến tranh….Vì vậy, phương thức tác chiến của Hoa Kỳ là sử dụng triệt để những vũ khí có trình độ công nghệ cao, tính sát thương lớn, có tính chinh xác cao từ trên không, trên biển và ngoài vũ trụ, đồng thời đẩy mạnh cuộc chiến thông tin.
Để đối phó chiến lược quân sự của Hoa Kỳ, giới tướng lĩnh quân sự của Iran đã phác hoạ một Học thuyết chiến tranh kiểu mới, vừa có tính răn đe cộng thêm chính sách phòng thủ theo chiều sâu kết hợp chiến lược phòng thủ vượt ra khỏi phạm vi quốc gia Iran.
Học thuyết quân sự của Iran
Về tổng quan, học thuyết quân sự mới của Iran là sự kết hợp giữa học thuyết quân sự dạng phòng thủ chiều sâu của Liên Xô thời Thế chiến 2, kết hợp với tư tưởng của đạo Hồi, đặc biệt là khơi dậy tình thần "tử vì Đạo" của các chiến binh Ba Tư .
Học thuyết quân sự của Iran được tích lũy và phát triển qua chiều dài lịch sử của Nhà nước Cộng hoà Hồi giáo, từ cuộc chiến tranh giữa Iran – Iraq (1980 – 1988), trong cuộc chiến tranh Vùng Vịnh lần 1 (1991) và lần 2 (2003), cũng như cuộc chiến giữa Israel và Hezbollah ( 2006).
Về bản chất, học thuyết quân sự của Iran được xây dựng về cuộc chiến tranh phi đối xứng, giữa một nước có tiềm lực quân sự hạn chế với một siêu cường về quân sự. Một cuộc chiến dựa trên nền tảng "chiến tranh du kích" theo chiều sâu, kết hợp với điều kiện thuận lợi của vị thế địa chiến lược và hơn hết, đây là cuộc chiến Iran chấp nhận với thương vong lớn.
Học thuyết quân sự răn đe
Học thuyết quốc phòng của Iran đề cao sự răn đe nhằm mục đích gây nên sự bất an và lo lắng cho đối thủ về một cuộc chiến trong tương lai với sự rủi ro và chi phí lớn, buộc đối thủ phải nghiêm túc và cẩn trọng trong việc cân nhắc phát động một cuộc tấn công nhằm vào Iran.
Nó được xây dựng để Iran tránh khỏi một cuộc chiến tranh thông thường, khi đối thủ có sức mạnh quân sự cùng với dàn vũ khí có trình độ công nghệ rất cao, mức độ sát thương lớn; huy động tổng lực sức mạnh quốc gia về nhân lực và vật lực, cộng thêm việc chấp nhận mức thương vọng lớn nhằm đánh gục ý chí, gây ra nỗi sợ hãi cho đối phương.
Trong bối cảnh hiện đại, việc Iran liên tiếp "khoe" các tên lửa hành trình, hệ thống phòng thủ tên lửa và tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, "xóa sổ" Israel... sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung dầu mỏ ra thế giới, giá dầu mỏ sẽ tăng cao, khủng hoảng kinh tế có thể xảy ra.
Thêm vào đó, từ năm 2005, Iran bắt đầu phát triển chương trình sản xuất vũ khí hạt nhân, mục đích chính là tăng cường sức mạnh cho Iran, tạo sức răn đe cho Hoa Kỳ và các đối thủ Ả Rập ở khu vực Trung Đông.
Học thuyết chiến tranh trên biển
Iran là nước có đường bờ biển dài (hơn 1700 km) nhưng họ không được coi là cường quốc hàng hải và không có sức mạnh hải quân vào loại mạnh trong khu vực. Nguyên nhân chính là do từ năm 1979, Iran bị Hoa Kỳ trừng phạt, bao vây cấm vận nên rất khó khăn trong việc xây dựng, phát triển Hải quân.
Yếu tố này tác động đến tư duy chiến lược hải quân của giới tướng lĩnh Iran.
Tư duy chiến lược hải quân của Iran được hình thành trong cuộc chiến tranh giữa Iran – Iraq (1980 – 1988) và đặc biệt là khi Hoa Kỳ mở chiến dịch Cầu nguyện (1988) tấn công các tàu quân sự của Iran để trả thù việc hải quân Iran tấn công chiến hạm USS Samuel B. Roberts. Hậu quả là một nửa hạm đội của Iran bị Hải quân Hoa Kỳ xóa sổ.
Học thuyết chiến tranh trên biển của Iran dựa trên nền tảng sức mạnh có hạn, lợi dụng đặc điểm không gian Vịnh Ba Tư nhỏ và hẹp (nơi hẹp nhất là eo biển Hormuz chỉ rộng hơn 40km), gây bất lợi trong việc phòng thủ cho tàu chiến cỡ lớn (tàu sân bay) .
Do dó, học thuyết chiến tranh trên biển của Iran sẽ kết hợp sử dụng chiến lược chống tiếp cận/xâm nhập (A2/AD), kết hợp sử dụng sức mạnh của hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển, kết hợp sức mạnh tên lửa hành trình.
Trong cuộc chiến tranh với Hải quân Hoa Kỳ, Hải quân Iran sẽ tránh một cuộc đụng độ quân sự với quy mô lớn.
Thay vào đó, Hải quân Iran tập trung phát triển mạnh các tàu chiến cỡ nhỏ trang bị tên lửa dẫn đường (xuồng cao tốc), kết hợp chiến tranh du kích trên biển, vừa đánh vừa rút, lợi dụng ưu thế bờ biển khu vực phía Bắc Vịnh Ba Tư có nhiều vịnh đá nhỏ, rất thuận lợi cho việc che giấu những tàu chiến nhỏ.
Mục tiêu cao nhất của Hải quân Iran ngoài việc gây sát thương cao nhất, giảm ý chí chiến đấu của Hải quân Hoa Kỳ, phong toả eo biển Hormuz cũng là nhiệm vụ quan trọng để gây khủng hoảng kinh tế, tạo vị thế đàm phán cho Iran trong tương lai.
Học thuyết chiến tranh trên bộ
Thiếu tướng Mohammad Jafari – Tổng tư lệnh lực lượng Vệ binh cách mạng Iran
Sức mạnh quân sự của Iran được dựa trên hai lực lượng chính : Một là quân đội Iran, hai là lực lượng Vệ binh cách mạng. Đây là hai lực lượng chính, có quân số thường trực trên 50 vạn người và khoảng 35 vạn người dự bị.
Hai lực lượng này có vai trò hoàn toàn khác nhau, quân đội Iran là lực lượng chính, có nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên bộ của Iran. Lực lượng vệ binh Cách mạng có nhiệm vụ bảo vệ chế độ Hồi giáo, lực lượng tập trung ở các thành phố lớn, trung tâm kinh tế, chính trị và căn cứ quân sự quan trọng….nhiệm vụ chính là chống các thế lực chính trị gây ra các cuộc bạo loạn, lật độ .
Ngoài ra, lực lượng Vệ binh cách mạng còn có nhiệm vụ yểm trợ cho Quân đội Iran tại các phòng tuyến. Lực lượng chính tham gia là Lực lượng quân kháng chiến Basij.
Học thuyết chiến tranh trên bộ của Iran được Tổng tư lệnh của Lực lượng Vệ binh Cách mạng – Thiếu tướng Mohammad Jafari xây dựng và phát triển từ năm 2005.
Nội dung chính của học thuyết chiến tranh trên bộ của Iran xác định cuộc chiến tranh trên bộ là cuộc chiến mang tính chất phòng thủ có chiều sâu.
Kế hoạch tác chiến của Iran là dựa vào vị thế địa chiến lược của Iran là một " pháo dài bất khả xâm phạm" khi có ba mặt của Iran là những dãy núi lớn, bản thân Iran là nước có địa hình phần lớn là núi và sa mạc.
Ngoài ra, dân số Iran tập trung ở khu vực phía Bắc và Tây Bắc đất nước, các thành phố lớn đều tập trung ở bên trong nội địa. Rất khó khăn trong việc phát triển kinh tế, nhưng cực kỳ thuận lợi trong việc phòng thủ, chống cuộc tấn công của đối phương.
Học thuyết chiến tranh bất đối xứng của Iran dựa trên học thuyết phòng thủ chiều sâu của Liên Xô trong cuộc chiến tranh với Phát xít Đức. Iran sẽ lợi dụng vị thế địa hình và diện tích hơn 1,6 triệu km để kéo dãn đội hình tấn công của đối phương vào vùng nội địa.
Khí đó sẽ đặt ra bài toàn về hậu cần và Iran sẽ có cơ hội thực hiện chiến tranh du kích, kết hợp quấy quá vùng hậu phương kẻ thù… Và kết quả là kẻ thù sẽ sa lầy vào một cuộc chiến.
Chiến lược phòng thủ vượt ra khỏi phạm vi quốc gia
Tham vọng của Iran là sớm vươn lên trở thành cường quốc khu vực, có vị thế và vai trò lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Để thực hiện điều này, Iran sử dụng lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo tích cực tham gia, giúp đỡ các lực lượng chính trị của người Hồi giáo dòng Shia tại khu vực Trung Đông.
Đó là lực lượng Hezbollah ở Liban, lực lượng Hamas tại Palestine, lực lượng Houthi ở Yemen, lực lượng quân đội Syria trong cuộc chiến chống lại phiến quân và tổ chức khủng bố IS.
Với sự ảnh hưởng rất lớn trong khu vực, trường hợp có cuộc chiến tranh giữa Iran và Hoa Kỳ, Iran sẽ áp dụng triệt để chiến lược phòng thủ từ xa, sử dụng các lực lượng chính trị, quân sự gây bất ổn, khủng hoảng chính trị tại Yemen, Liban, Isreal, Syria...
Mục đích là gây nên sự hỗn loạn cho toàn bộ khu vực, buộc Hoa Kỳ và đồng minh phân tán lực lượng, gây nên mặc cảm sợ hãi cho nhiều Đông mình của Hoa Kỳ khí bước vào cuộc chiến.
Tựu chung lại, vị thế địa chính trị, tinh thần bất khuất của các chiến binh Ba Tư, cộng thêm học thuyết chiến tranh đầy rủi ro……. sẽ đặt Hoa Kỳ vào một tình thế lưỡng nan.
Không tấn công Iran thì vị thế và uy thế sức mạnh của Hoa Kỳ sẽ giảm xuống, Iran sẽ tiếp tục gây bất ổn tại Vùng Vịnh và Trung Đông. Nhưng mở một cuộc chiến tranh với nguy cơ bị sa lầy sẽ đánh gục tương lai chính trị Tổng thống Trump và nền kinh tế Mỹ.
Nước Mỹ cần một chiến lược dài hơn, với học thuyết về quân sự và chiến lược ngoại giao hoàn toàn mới để đối phó với Iran.
*** Các nhận định trong bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
No comments:
Post a Comment