"Chúng tôi đang trông đợi hồi đáp từ phía Trung Quốc về đề nghị mua vũ khí hiện đại và các thiết bị quân sự khác sản xuất tại Nga, bao gồm thêm một loạt tiêm kích Su-35 thứ hai", Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga cho hay.
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên mua máy bay Su-35 của Nga. Hợp đồng mua 24 máy bay loại này trị giá 2,5 tỷ USD được ký năm 2015. Cơ quan Hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga thông tin với TASS hồi tháng 4 rằng toàn bộ máy bay Su-35S trong hợp đồng đầu tiên đã được hoàn tất chuyển giao.
Tháng 8/2018, Bộ Quốc phòng Nga nói tất cả số máy bay Su-35 bán cho Trung Quốc sẽ được chuyển giao vào cuối năm. Bốn chiếc Su-35S đầu tiên, theo Diplomat, đã tới một trung tâm huấn luyện bay của Không quân Trung Quốc (PLAAF) ở thành phố Thương Châu, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc hồi tháng 12/2016. Loạt máy bay thứ hai gồm 10 chiếc Su-35 được chuyển giao vào tháng 12/2017.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc hồi tháng 4/2018 xác nhận rằng các máy bay Su-35 đã chính thức được biên chế vào PLAAF.
Tháng sau đó, các máy bay Su-35 lần đầu tiên hộ tống một số máy bay ném bom Xian H-6K trong một chuyến bay tuần tra trên bầu trời eo biển Ba Sĩ (nằm giữa Đài Loan và Philippines) và vòng quanh đảo Đài Loan vào ngày 11/5/2018.
Hợp đồng mua Su-35 đầu tiên giữa Trung Quốc và Nga bao gồm cả việc Nga cung cấp các thiết bị mặt đất, động cơ dự phòng, dự kiến hoàn tất vào năm 2020, theo một nguồn tin quân sự-ngoại giao từ Nga.
"Một số hệ thống đi kèm mua thêm, ví dụ thiết bị hỗ trợ mặt đất, vẫn chưa được chuyển giao. Khách hàng sẽ nhận được mọi thiết bị theo hợp đồng vào cuối năm 2020", nguồn tin nói với tạp chí quân sự HIS Jane's.
Điều đáng kể là một sỹ quan của PLAAF đã tiết lộ với HIS Jane's chi tiết về những loại vũ khí của Su-35 Trung Quốc: "Máy bay Su-35 được trang bị tên lửa đất đối không, không đối không, rocket không điều khiển, bom có điều khiển và không điều khiển. Tiêm kích này sẽ mang các loại tên lửa không đối không R-27, R-73 và họ RVV, kèm theo là tên lửa chống hạm Kh-35E".
Phiên bản Su-35 Trung Quốc được trang bị hệ thống radar tiêu chuẩn xuất khẩu, cụ thể là radar mảng pha quét bị động Irbis-E, có khả năng theo dõi 30 mục tiêu cùng lúc, khóa cùng lúc 8 mục tiêu. Ngoài ra, máy bay được trang bị hệ thống tác chiến điện tử, thiết bị thu tín hiệu tích hợp để tương thích với hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu của Trung Quốc.
Mỗi chiếc Su-35 phiên bản Trung Quốc có giá ước tính khoảng 85 triệu USD. Ban đầu Nga lưỡng lự trong việc bán Su-35 cho Trung Quốc bởi lo ngại Trung Quốc học lỏm việc sản xuất động cơ AL-41F1S, hay còn gọi là động cơ ALS-117S. Theo nhiều nguồn tin, ban đầu Trung Quốc muốn mua riêng động cơ AL-41F1S. Lý do là cho đến nay, chế tạo động cơ cho máy bay chiến đấu vẫn là điểm yếu của công nghiệp quốc phòng Trung Quốc.
Vì việc mua máy bay tiêm kích Su-35 của Nga, Trung Quốc bị Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt theo luật Đối phó kẻ thù của nước Mỹ qua lệnh trừng phạt (CAATSA) từ tháng 9/2018. Theo quyết định này, Cục Phát triển thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc là đối tượng chịu trừng phạt. Người đứng đầu EDD là Lý Thượng Phúc là cá nhân bị Mỹ áp dụng lệnh trừng phạt, bởi đã "có giao dịch quan trọng" với Rosoboronexport, cơ quan xuất khẩu vũ khí chính của Nga.
Sau Trung Quốc, Indonesia sẽ là khách hàng nước ngoài thứ hai mua máy bay Su-35.
Anh Minh
No comments:
Post a Comment