Cơ quan hợp tác kỹ thuật-quân sự liên bang (FSVTS) của Nga cho biết, phía Nga đã tiếp tục chào bán cho Quân đội Trung Quốc (PLA) lô tiêm kích thế hệ 4++ Su-35 thứ hai sau khi hoàn tất đơn hàng đầu tiên vào tháng 4/2019.
Su-35 là một phiên bản của tiêm kích Su-27 mà PLA đã mua từ Nga trước đây, Bắc Kinh từng đặt hàng các mẫu Su-27 và Su-30 với số lượng lớn trong những năm 1990.
Tiêm kích thế hệ 4++ Su-35
Mặc dù Su-30 được sử dụng rộng rãi trong Hải quân Trung Quốc với vai trò tấn công hàng hải nhưng Su-35, tương tự như Su-27, dự kiến sẽ chỉ được trang bị cho Không quân Trung Quốc (PLAF).
"Chúng tôi đang chờ phản hồi từ phía Trung Quốc đối với đề xuất mua vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại do Nga sản xuất, bao gồm các lô tiêm kích Su-35 mới" - Thông báo của FSVTS cho hay.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc từng loan tin PLA đang cân nhắc khả năng mua thêm Su-35. Tin tức này được lan truyền khoảng 3 tháng trước khi Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế và chính sách khu vực của tập đoàn Rostec (Nga) - ông Viktor Kladov - có phát ngôn chính thức đề cập tới khả năng Trung Quốc mua thêm Su-35 từ Nga.
"Phía Trung Quốc đã tiếp nhận 24 chiếc Su-35, và trong 2 năm tới, họ sẽ đưa ra quyết định liệu sẽ mua thêm Su-35, lắp đặt Su-35 tại Trung Quốc hay mua tiêm kích thế hệ 5. Đây có thể sẽ là một cơ hội cho mẫu Su-57E" - ông Kladov nói.
Su-35 hiện đang là mẫu tiêm kích tiên tiến nhất của PLAF, cùng với tiêm kích tàng hình thế hệ 5 và tiêm kích đa nhiệm hạng nhẹ thế hệ 4++ J-10C của nước này.
Su-35 được đánh giá cao bởi các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến, radar Irbis-E, khung máy bay làm bằng vật liệu composite cao cấp, khả năng cơ động cao nhờ vector lực đẩy 3 chiều, khả năng mang vũ khí lớn với 14 tên lửa, gồm tên lửa không-đối-không R-77 và tên lửa chống tàu Kh-35.
Tuy nhiên, theo tạp chí MW, khả năng Trung Quốc mua thêm Su-35 vẫn không có gì chắc chắn. Mặc dù Su-35 có sự cải tiến đáng kể so với Su-27 và J-11B - hai loại tiêm kích chủ lực chiếm ưu thế trên không của PLAF nhưng phiên bản J-11D sắp tới của Trung Quốc (hiện đang trong giai đoạn nguyên mẫu cuối cùng) sẽ có khả năng không thua kém gì Su-35.
Ngoài việc cùng có khung máy bay chế tạo từ vật liệu composite, khả năng mang tải lớn và trang bị vector lực đẩy 3 chiều, J-11D còn có được lợi thế khi trang bị các loại vũ khí nội địa, như tên lửa không-đối-không PL-15 và radar quét mảng pha điện tử chủ động.
Hệ thống radar này không chỉ mạnh mẽ hơn, mà còn có khả năng kháng nhiễu cao hơn và giúp giảm tín hiệu radar nhiều hơn đáng kể so với hệ thống radar thụ động trang bị trên Su-35. Trong khi đó, tên lửa PL-15 được đánh giá là tiên tiến hơn R-77 của Nga và tên lửa AIM-120C của Mỹ, với tầm bắn ước tính từ 150-200km.
Tiêm kích thế hệ 5 Su-57.
Xét thêm cả những lợi ích khi chế tạo mẫu máy bay này trong nước thì theo MW, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ lựa chọn J-11D thay vì mua thêm các chiến đấu cơ Su-35.
Song, điều đó không có nghĩa Trung Quốc sẽ ngừng mua các loại máy bay chiến đấu tiên tiến của Nga. Tiêm kích Su-57, với độ tinh vi cao hơn, hiện nắm giữ nhiều khả năng đặc biệt mà PLA có thể muốn đặt mua, thậm chí Bắc Kinh có thể trang bị cho PLAN để chúng đảm nhiệm vai trò chiếm ưu thế đường không và tấn công hàng hải.
No comments:
Post a Comment