Sau ngày đất nước thống nhất 30.4.1975, viễn cảnh hòa bình, độc lập đã mở ra trước mắt dân tộc Việt Nam đày xán lạn. Tuy nhiên, "cây muốn đặng, gió chẳng đừng", bè lũ Khmer Đỏ đã nhiều lần tiến công sang đất nước ta, gây nên những cuộc thảm sát vô cùng tàn bạo ở vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Không thể để cho chúng muốn làm gì thì làm, cuối năm 1978 đòn trừng phạt khủng khiếp đã chuẩn bị giáng xuống đầu bọn chúng với sự tham gia của nhiều binh đoàn chủ lực.
Trận đánh bóc vỏ mở cửa trên mặt trận hướng Đông Nam
Trung tuần tháng 12.1978, Lữ đoàn XT203 nhận lệnh sẵn sàng chiến đấu. Tuy nhiên, trước mắt lữ đoàn chỉ phổ biến xuống các đơn vị là chuẩn bị mọi mặt để tham gia diễn tâp thưc binh, mọi công tác chuẩn bị phải xong trước ngày 20.12.
Công tác chuẩn bị được thực hiện đúng theo kế hoạch, sáng ngày 20 các xe tăng ra kho đạn lĩnh đủ cơ số lắp vào xe rồi về tập trung tại vị trí quy định. Mọi người bàn tán không biết diễn tập ở đâu mà lắp đầy đạn thế này?
Sẩm tối ngày 20.12.1979, cả lữ đoàn lên đường ra đường 1, sau khi qua đèo Phú Gia, đèo Phước Tượng, đèo Lăng Cô thì cả đoàn dừng lại kiểm tra kỹ thuật chuẩn bị vượt đèo Hải Vân. Khoảng 3h sáng ngày 21.12, cả đoàn đến quân cảng Đà Nẵng và lên tàu của hải quân.
Sau 4 ngày 4 đêm lênh đênh trên sóng nước lữ đoàn có mặt ở Tri Tôn, tỉnh An Giang và về đóng tại chân núi Cấm Sơn. Đến tận lúc này chiến sĩ trong đơn vị mới biết là đi đánh nhau chứ không phải là đi diễn tập.
Nhiệm vụ của lữ đoàn là trong đội hình của quân đoàn tăng cường cho Quân khu 9 tiến công từ hướng Đông Nam lên.
Đại đội XT3, Tiểu đoàn 1 được giao nhiệm vụ đánh bóc vỏ, mở cửa mở tại khu vực làng Xổm Đông và làng Xổm Tây, tạo điều kiện cho chủ lực thọc sâu sang đất Campuchia .
Khoảng 18h, Đại đội 3 xuất phát từ chân núi Cấm theo đội hình hàng dọc. Tất cả đi với tốc độ chậm, chân dầu nhỏ, không đươc bật đèn và có công binh dẫn đường. Đoàn xe qua thị trấn Ba Chúc đổ nát xác xơ. Gần nửa đêm thì vượt qua mốc biên giới để tiến vào vị trí chiếm lĩnh.
Gần sáng, mấy quả pháo hiệu xanh lè bắn lên báo giờ "G" bắt đầu, sương mù đã tan, nhìn rõ được khá xa. Trên không trung từng tốp 3 chiếc máy bay bay về phía núi cắt bom. Những cột lửa đỏ rực bùng lên kèm theo những tiếng nổ lớn sáng lòa cả dẫy núi.
Xe tăng Lữ đoàn 203 huấn luyện.
Phía sau, đủ các loại pháo thi nhau phóng đạn như mưa, tiếng nổ long trời lở đất, khói đạn cay xè khét lẹt nồng nặc, cả một vùng rung chuyển lửa khói mịt mù, lá ngụy trang trên xe bay sạch sẽ.
Có lệnh "Xuất kích", Đại đội XT3 lợi dụng khói lửa của của pháo rồ máy tiến lện. Các xe phát huy tất cả các loại hỏa lực trên xe vừa chạy, vừa bắn vào tiền duyên quân địch. Trước hỏa lực dữ dội và xung lực mạnh mẽ của xe tăng và bộ binh, cứ điểm địch nhanh chóng bị tiêu diệt.
Xe tăng dẫn dắt bộ binh tiến sâu vào phía trong làm chủ trận địa. Từ phía sau, chủ lực của lữ đoàn và các lực lượng khác của quân đoàn nối đuôi nhau tiến sâu vào đất Campuchia, bắt đầu chiến dịch phản công từ phía Đông Nam.
Trận đánh mở màn chiến dịch đã diến ra hết sức nhanh chóng và giành thắng lợi vang dội, lớp vỏ cứng đã bị chọc thủng, cửa mở đã thông.
Nhiệm vụ đặc biệt: "Người còn thì xe còn..."
Hoàn thành nhiệm vụ mở cửa mở, Đại đội XT3 lùi về phía sau để củng cố. Lúc dồn đội hình, xe 838 không may bị sa lầy, bên trái xe ngập bánh chịu nặng, bùn đất lên tới lan can, bên phải ngập 1/2 bánh chiu nặng, thân xe nghiêng 15 - 17 độ. Xe càng nổ máy cố tự cứu mình thì càng lún sâu xuống bùn.
Do nhiệm vụ gấp gáp, đơn vị phải lên đường chiến đấu ngay không tổ chức cứu kéo được, một tổ gồm 9 chiến sĩ được giao ở lại bảo vệ xe. Trung sĩ Nguyễn Văn Điều được giao nhiệm vụ chỉ huy nhóm chiến sĩ này. Ngoài xe 838 bị sa lầy ra còn 1 xe ô tô Hồng Hà của Sư đoàn 304 bị hỏng nữa.
Đảm bảo kỹ thuật ở Lữ đoàn xe tăng 203
Đích thân Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Ngọc Sự giao nhiệm vụ cho nhóm, anh nhấn mạnh mệnh lệnh: "Xe tăng là phương tiện chiến đấu của quân đội, là khối tài sản lớn mà Tổ quốc, nhân dân giao cho chúng ta. Vì vậy, nhiệm vụ của nhóm là phải bằng mọi cách bảo vệ xe với tinh thần người còn thì xe còn, người mất xe mới mất!".
Ngay sau đó, toàn bộ đơn vị lên đường tiến sang phía Tây.
Trong điều kiện ở trên đất địch, quân địch chưa bị tiêu diệt hoàn toàn, chúng mới bị vỡ trận tháo chạy vào rừng, quân ta chưa có điều kiện truy quét, lực lượng thì mỏng, trang bị vũ khí ít... thật sự là một nhiệm vụ bất ngờ và quá nặng nề đối với nhóm chiến sĩ này.
Để đảm bảo an toàn và hoàn thành nhiệm vụ, nhóm thống nhất về canh gác thế này: mấy lính già gác đêm- từ khoảng 23 giờ tới sáng, còn cánh lính trẻ gác ngày và nấu cơm.
Về ngủ, không mắc màn mà chỉ quấn màn, nằm so le, súng lên đạn khóa an toàn để bên cạnh. Gác đêm mang 2 băng AK và 4 trái lựu đạn. Mật khẩu hỏi: Sắt, đáp Vàng. Trả lời sai bắn ngay, không hỏi lại!
Để nắm vững tình hình các anh còn tổ chức đi trinh sát vào sâu trong núi. Tiến sâu vào khoảng gần 1km thì thấy một doanh trại của lính Pôn Pốt, gồm hơn 20 cái lều dã chiến. Lều nào cũng còn rất nhiều đạn AK, hòm nguyên hòm cậy dở vung vãi. Tất cả chứng tỏ địch rút chạy có chỉ huy, chúng chủ động rút sâu vào trong rừng. Mức độ nguy hiểm cho nhóm công tác tăng lên.
Không thể nằm yen chờ may rủi, nhóm thống nhất phải tự huấn luyện cho anh em thật thành thạo chiến thuật chiến đấu cá nhân.
Đồng thời cũng phải huấn luyện cho anh em sử dụng súng 12,7mm, súng máy K53 và bắn pháo 100mm. Đồng chí lái xe hướng dẫn anh em cách lái xe tăng đề phòng khi cần thiết có thể chạy được...
Nguyễn Văn Điều, nguyên chiến sĩ Đại đội XT3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203.
Sau 4 ngày còn liên lạc được với lữ đoàn. Từ ngày thứ 5 trở đi thì hoàn toàn không liên lạc được. Mở đài ra chỉ thấy tiếng Khmer. Điều đó chứng tỏ quân ta càng ngày đi càng xa, còn địch vẫn quanh quẩn trong khu vực. Tình hình hết sức căng thẳng. Ngoài việc canh gác tại chỗ nhóm phải tổ chức thêm các vọng cảnh giới từ xa và thường xuyên tuần tra xung quanh.
Trong khi đó, lương thực, thực phẩm cũng cạn dần. Nhóm phải tổ chức cho bộ đội đi tát cá, thu nhặt trái dừa từ những cây dừa đổ do pháo bắn, xe đè... để sử dụng. Đồng hồ, lịch không có nên nhóm cũng quên luôn ngày tháng.
Một hôm, khoảng 7 h sáng một toán bộ binh khá đông từ phía đông nam tiến vào. Toàn nhóm báo động vào vị trí chiến đấu. Một số vào xe, một số lợi dụng địa hình địa vật sẵn sàng nổ súng.
Nhưng thật may! Đó không phải là địch mà là 1 trung đội công binh do trung đội trưởng Quy dẫn đầu đi tìm và tăng cường lực lượng cho nhóm. May nữa là họ đã không bắn nhầm nhau. Gặp nhau rồi họ mới biết hôm đó là đầu tháng 2 năm 1979 và họ đã xa đơn vị hơn 1 tháng.
Hai ngày sau, 1 chiếc tăng T54B số hiệu 844 và 1 xe thiết giáp trinh sát V100 do tiểu đoàn phó kỹ thuật Nguyễn Văn Đãi chỉ huy đã đến với họ. Thực ra, chiếc 844 này cũng bị hỏng ở Tà- keo và vừa mới sửa xong chạy về đây để cứu kéo xe 838. Chiếc xe Hồng Hà được thay phụ tùng cũng nổ máy tốt.
Sau khi tổ chức cứu kéo xe 838 lên khỏi bãi lầy, cả đội hình cơ động về đất Việt. Trên đường đi họ còn kéo thêm chiếc xe 918 bị hỏng vào bàn giao cho đơn vị bạn ở Tri Tôn.
Trong khi đó, Lữ đoàn xe tăng 203 đã nhận lệnh cùng quân đoàn cơ động ra biên giới phía Bắc sẵn sàng đánh địch. Một lần nữa họ bị tách khỏi đội hình đơn vị.
Chờ thêm ít hôm nữa xe 838 và 844 mới được xuống tàu thủy ra Bắc và trở về đội hình lữ đoàn sau gần 3 tháng lưu lạc. Họ đã được lữ đoàn biểu dương vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đặc biệt được giao: "còn người, còn xe".
(Ghi theo lời kể của Trung sĩ Nguyễn Văn Điều - nguyên chiến sĩ Đại đội XT3, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203)
No comments:
Post a Comment