Mỹ triển khai F-22 tới gần Iran
Không quân Mỹ hôm 27/6 đã lần đầu tiên triển khai các tiêm kích tàng hình F-22 Raptor tới Qatar - một động thái nhằm tăng cường lực lượng trước cuộc đối đầu tiềm năng với Iran.
Không quân Mỹ không công bố cụ thể số lượng F-22 được đưa tới Qatar. Tuy nhiên, một số nhiếp ảnh gia đã chụp được hình ảnh 12 chiếc tiêm kích tàng hình với mã đuôi "FF", cho thấy chúng thuộc về Không đoàn máy bay chiến đấu số 1 ở căn cứ không quân Langley, Virginia.
F-22 có thể sẽ sóng vai cùng với những tiêm kích F-35 mà Không quân Mỹ đã triển khai tới UAE trong tháng 4/2019.
Trước đó, F-22 từng được điều tới UAE để thực hiện các nhiệm vụ ở vùng Vịnh, Syria và Iraq. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng khả năng sẵn sàng chiến đấu trong tháng 3/2019 đã buộc Không quân Mỹ phải rút những chiếc F-22 này về nước.
Tiêm kích tàng hình F-22 Mỹ
Kể từ khi đi vào hoạt động trong năm 2005, F-22 chỉ đạt tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu trung bình gần 50% - xếp vào hàng thấp nhất trong số các loại máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ, do các hệ thống phức tạp trên F-22, cũng như lớp phủ hấp thụ sóng radar của chúng cần phải được bảo dưỡng chuyên sâu.
Bên cạnh đó, cơn bão Michael vào tháng 10/2018 đã làm hư hại căn cứ không quân Tyndall ở Florida - "ngôi nhà" của 2 phi đoàn bay với 55 chiếc F-22.
Không đoàn với 187 chiếc F-22 sẽ không đáp ứng được mục tiêu 80% lực lượng sẵn sàng chiến đấu do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis đặt ra trước khi từ chức để phản đối chính sách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump vào tháng 1/2019.
Ông Mattis đã yêu cầu tất cả các phi đoàn máy bay F-15, F-15, F/A-18, F-22 và F-35 của Không quân, Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ phải đạt tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu từ 80% trở lên vào cuối tháng 9/2019.
Hồi tháng 3 năm nay, Bộ trưởng Không quân Mỹ khi đó - bà Heather Wilson - đã cảnh báo rằng phi đoàn F-22 có thể không đạt được mục tiêu trên. 3 tháng sau, chuẩn tướng Heath Collins - sĩ quan điều hành chương trình này của Không quân Mỹ - đã đưa ra công bố chính thức.
Mặc dù tỷ lệ sẵn sàng chiến đấu của F-22 tương đối thấp nhưng vẫn có thể triển khai được. Không đoàn số 3 tại Alaska trong tháng 3/2019 đã triển khai được 24 trong tổng số 48 chiếc F-22 mà họ vận hành, cùng với 1 máy bay cảnh báo sớm E-3 và 1 máy bay vận tải C-17 một cách nhanh chóng.
F-22 trình diễn "voi đi bộ" tại căn cứ Elmendorf
Màn trình diễn "voi đi bộ" đã diễn ra tại căn cứ không quân Elmendorf trong thời gian diễn ra cuộc tập trận Polar Force.
"Cuộc tập trận kéo dài 2 tuần này đã mang lại cho các phi đoàn F-22 cơ hội chứng minh rằng chúng có đủ khả năng để triển khai tới tiền tuyến và giội hỏa lực choáng ngợp đối phương" - Thông báo của căn cứ nêu rõ.
Hiện các tiêm kích F-22 ở Qatar đã ở trong tâm thế sẵn sàng tấn công Iran. Căng thẳng đã dâng cao trong khu vực sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạn chế chương trình hạt nhân Iran ký kết năm 2015.
Tiếp đó, trong thời gian gần đây, Lầu Năm Góc nhiều lần cáo buộc Tehran đã tiến hành các vụ tấn công nhằm vào tàu chở dầu di chuyển gần Iran.
Hôm 19/6, Iran đã bắn hạ một máy bay trinh sát không người lái của Mỹ tại eo biển Hormuz, chốt chặn chiến lược nối Vịnh Ba Tư với bên ngoài.
Tổng thống Trump đã ra lệnh tiến hành cuộc tấn công trả đũa bằng không quân và tên lửa. Mặc dù kế hoạch này bị hủy bỏ vào phút chót nhưng ông Trump vẫn để ngỏ khả năng Mỹ tấn công Iran.
"Tôi không nói rằng đang có việc điều động binh sĩ... Tôi chỉ nói rằng nếu viễn cảnh đó [chiến tranh] diễn ra, nó sẽ không kéo dài lâu" - ông Trump trả lời kênh Fox Business.
Các lực lượng Mỹ đã sẵn sàng tấn công Iran
Các lực lượng chủ lực của Mỹ hoặc đã được triển khai tới khu vực này hoặc đã sẵn sàng để triển khai trong thời gian ngắn. Trong tháng 5/2019, 4 máy bay ném bom B-52 đã được điều tới Qatar, gia nhập cùng F-35 và các lực lượng khác của Mỹ trong khu vực.
F-35 đã thực hiện nhiều nhiệm vụ chiến đấu ở Iraq, trong khi B-52 từng có màn biểu dương lực lượng gần Iran.
Nếu Tổng thống Trump ra lệnh cho quân đội Mỹ tấn công Iran thì B-52 có thể bắn tên lửa hành trình nhằm vào các mục tiêu Iran từ cự ly hàng trăm dặm, trong khi F-35 có thể đến gần để ném xuống những quả bom dẫn đường bằng laser hay GPS.
Các máy bay ném bom B-2, hiện đang đóng tại căn cứ ở Missouri, có thể bay qua Đại Tây Dương để tham gia chiến dịch không kích này.
Lực lượng tiêm kích hạm trên tàu sân bay USS Abraham Lincoln.
Tàu sân bay USS Abraham Lincoln hôm 26/6 đã có mặt tại vịnh Ba Tư cùng với lực lượng hộ tống gồm 1 tàu tuần dương và 4 tàu khu trục. 40 tiêm kích F/A-18E/F của tàu Lincoln có thể tham gia tấn công Iran, tuy nhiên, do không có khả năng tàng hình nên chúng có thể trở thành mục tiêu của hệ thống phòng không Iran.
Các tàu hộ tống trong nhóm tác chiến của tàu Lincoln có thể mang tên lửa hành trình Tomahawk.
Trước đây, Tổng thống Trump từng hai lần ra lệnh cho các tàu chiến của Hải quân Mỹ tiến hành các cuộc tấn công hạn chế bằng tên lửa nhằm vào các cơ sở vũ khí hóa học của Syria.
Tuy nhiên, Iran hoàn toàn có khả năng phòng thủ trước các cuộc không kích của Mỹ, việc UAV trinh sát của Mỹ bị bắn hạ đã chứng minh điều đó.
Quân đội chính quy Iran và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hiện vận hành các tổ hợp phòng không S-200, S-300 do Nga sản xuất, cùng hàng trăm máy bay chiến đấu các loại, trong đó có hàng chục chiếc F-14 mà Tehran mua từ Mỹ trong những năm 1970.
Theo nhà báo quốc phòng David Axe, nếu vai trò của F-22 ở Iran cũng tương tự như những gì chúng từng làm ở Syria và Iraq, thì chúng có thể che chắn cho các lực lượng khác trước mối đe dọa từ máy bay đối phương, cũng như thả các loại bom dẫn đường bằng GPS để dọn đường cho các lực lượng này vượt qua các hệ thống phòng không Iran.
No comments:
Post a Comment