Đô đốc Gorshkov: Chiếm hạm khuếch trương sức mạnh của Hải quân Nga
Theo hãng thông tấn AP, một trong những khinh hạm trang bị tên lửa hiện đại nhất của Hải quân Nga - Đô đốc Gorshkov đã cập cảng Havana, Cuba ngày hôm qua (24/6) trong chuyến thăm chính thức tới quốc gia bên bờ biển Caribbe này.
Đô đốc Gorshkov mới chỉ được Nga đưa vào biên chế năn ngoái. Đây là một trong những tàu chiến hiện đại nhất của Nga, trang bị tên lửa hành trình, các hệ thống phòng không và nhiều loại vũ khí tiên tiến khác.
Đô đốc Gorshkov được thiết kế với những yêu cầu rất tổng quát: Có khả năng chiến đấu hiệu quả với các tàu mặt nước và tàu ngầm; tấn công các mục tiêu trên đất liền bằng vũ khí chính xác cao; đối phó với máy bay của kẻ thù tiềm ẩn; thực hiện nhiệm vụ trinh sát bằng cách tận dụng lợi thế do có tầm nhìn thấp cùng rất nhiều tính năng khác nữa.
Gorshkov có căn cứ ở cảng Severomorsk và thuộc biên chế của Hạm đội phương Bắc Hải quân Nga. Đây là chiếc tàu đầu tiên trong lớp tàu hộ vệ mới được Nga chế tạo nhằm thay thế cho các tàu khu trục cũ từ thời Liên Xô và được đưa vào sử dụng với mục tiêu khuếch trương sức mạnh ra ngoài biên giới Nga.
Sức mạnh tấn công chính của Đô đốc Gorshkov nằm ở 16 ống phóng thẳng đứng tên lửa hành trình Kalibr/Oniks. Trong khi đó, hệ thống phòng thủ được bảo đảm bằng 32 tổ hợp tên lửa hải quân Polimet-Redut. Hệ thống phòng thủ tầm cực gần gồm hai pháo Palash, còn phòng thủ chống ngầm được bảo vệ bởi 4 ống phóng ngư lôi Packet-NK.
Khinh hạm Đô đốc Gorshkov trong buổi tổng duyệt cuối cùng chuẩn bị cho lễ kỷ niệm ngày truyền thống Hải quân Nga. Ảnh: Sputnik
Cập cảng Cuba nhưng thông điệp lại chuyển tới... Mỹ?
Hải quân Nga cho biết, Đô đốc Gorshkov đã đi qua kênh đào Panama vào biển Caribbe ngày 18/6 và đã trải qua chuyến hành trình 28.000 hải lý kể từ khi rời cảng Severomorsk vào tháng 2/2019, qua Trung Quốc, Djibouti, Sri Lanka và Colombia.
Nhóm tàu hải quân Nga được Quân đội Cuba bắn 21 phát đại bác chào mừng khi vào tới vịnh Havana. Gorshkov cũng đáp lễ bằng nghi thức riêng của mình.
Nga không cung cấp thông tin chi tiết về mục đích của chuyến hải trình lần này nhưng Kremlin đã tăng cường đáng kể các khả năng quân sự cũng như sự hiện diện quân sự của mình ở nước ngoài kể từ sau khi sáp nhập Bán đảo Crimea năm 2014.
Các lực lượng vũ trang Nga đã tiếp nhận hàng trăm máy bay và hàng chục tàu chiến mới trong những năm gần đây trong chương trình cải cách quân đội sâu rộng nhằm khuếch trương sức mạnh ra bên ngoài.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Nga và Mỹ đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ sau chiến tranh Lạnh, Moscow đang không ngừng gia tăng sự hiện diện trên toàn cầu. Một ví dụ điển hình cho kế hoạch này là Nga đã thiết lập tại Syria một căn cứ không quân và một căn cứ hải quân.
Các quan chức Nga cũng thường xuyên đề cập tới việc đàm phán các thỏa thuận để tàu chiến và máy bay Nga sử dụng các cảng và căn cứ không quân ở ngoại quốc.
Đô đốc Gorshkov là một trong những tàu chiến hiện đại nhất của Nga. Ảnh: AP
Các tàu chiến Nga đa liên tục hiện diện ở Havana trong suốt thập kỷ qua. Năm 2008, sau chuyến thăm của Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev, một nhóm tàu hải quân Nga đã đi vào vùng biển Cuba mà truyền thông nước này miêu tả là chuyến thăm chính thức đầu tiên kể từ năm 1991.
Đến năm 2010 cũng có một nhóm tàu hải quân nữa của Nga thăm thành phố phía Nam Cienfuegos cùng với các chuyến thăm tiếp theo năm 2013 và 2014.
Tháng Giêng năm 2015, tàu trinh sát Viktor Leonov tới Havana trong một chuyến đi thăm không báo trước, chỉ một ngày trước khi Mỹ và Cuba diễn ra các cuộc đàm phán tái thiết lập các quan hệ ngoại giao. Tàu Viktor Leonov trở lại Cuba một lần nữa vào tháng 3/2018.
Tất cả các sứ mệnh hải quân của Nga tới Cuba đều được nhìn nhận như biện pháp khuếch trương sức mạnh quân sự áp sát bờ biển Mỹ dù cả Cuba và Nga đều cho rằng chúng không liên quan gì tới mục tiêu này.
Thời kỳ đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Vladimir Putin đã ra lệnh cho Quân đội Nga đóng cửa trạm do thám điện tử có từ thời Liên Xô ở Cuba nhằm tìm kiếm mối quan hệ nồng ấm hơn với Mỹ.
Tuy nhiên, khi căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước gia tăng, các quan chức quân sự Nga lại liên tục nhắc tới việc tái triển khai sự hiện diện tại Cuba.
Trên thực tế, các tàu chiến và máy bay Nga vẫn thường xuyên tới vùng biển Caribbe. Trong một động thái thể hiện sức mạnh, hai chiếc máy bay ném bom chiến lược Tu-160 có khả năng mang vũ khí hạt nhân đã đáp xuống Venezuela vào tháng 12/2018 mà Quân đội Nga gọi đó là một sứ mệnh huấn luyện.
Thế nhưng, điểm đáng chú ý là hoạt động triển khai này diễn ra trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị mới nhất ở Venezuela.
Nga cũng đã từng điều máy bay Tu-160 và tàu tuần dương mang tên lửa tới thăm Venezuela vào năm 2008 khi Nga và Mỹ đang căng thẳng sau cuộc chiến chớp nhoáng giữa Nga và Georgia. Sau đó hai chiếc Tu-160 còn tới Venezuela vào năm 2013.
Video giới thiệu Khinh hạm Đô đốc Gorshkov Đề án 22350 Hải quân Nga
No comments:
Post a Comment