Mìn limpet do Stuart Macrae, Tổng biên tập Tạp chí Armchair Science và Thiếu tá Cecil Vandepeer Clarke chế tạo năm 1939. Limpet được thiết kế với một khoang rỗng, làm cho nó nhẹ hơn và giúp thợ lặn xử lý dễ dàng hơn ở dưới nước. Bên trong mìn chứa được tối đa 4kg chất nổ, có thể làm hư hỏng thân tàu không bọc thép.
Mìn limpet được chế tạo dựa trên nguyên tắc đơn giản: Một hình nón bằng kim loại chứa đầy chất nổ và được trang bị nam châm để bám vào thân tàu. Nhờ vào khả năng bám chặt vào đá hoặc các vật thể khác nên mìn có tên là "limpet", tên của một loại ốc sên biển.
"Loại mìn này rất rẻ, dễ sử dụng, nhỏ gọn, chỉ cần hướng dẫn một lần là dùng được nhưng lại gây thiệt hại đáng gờm. Mìn limpet thường có ngòi nổ hoặc được cài thời gian, giúp người nhái có thời gian để tìm đến nơi an toàn", Phó đô đốc đã nghỉ hưu Jean-Louis Vichot, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo Hải quân Pháp, cho hay.
Thiếu tá Cecil Vandepeer Clarke đeo thử nghiệm mìn limpet trên người. Ảnh: Getty.
Trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai, mìn limpet được sử dụng nhiều lần, đặc biệt là trong chiến dịch Frankton năm 1942 nhằm vào các tàu buôn neo đậu ở cảng Bordeaux của Pháp. Theo báo chí Pháp, Frankton là chiến dịch quân sự do 10 thành viên trong đội đặc nhiệm Special Boat Service của Hải quân Hoàng gia Anh thực hiện.
Chiến dịch bắt đầu vào ngày 7-12-1942 khi 5 chiếc thuyền kayak xuất hiện trên cửa sông Gironde tấn công vào các tàu hàng đang neo đậu ở cảng Bordeaux nhằm ngăn chặn đường tiếp viện lương thực của phát xít Đức tới Nhật Bản.
Chiến dịch thành công, nhưng 8 trong 10 biệt kích của đội Special Boat Service đã thiệt mạng do mất tích trên biển hoặc bị phát xít Đức hành hình.
Ngày 16-1-1945, lực lượng kháng chiến Na Uy cũng đánh đắm con tàu SS Donau ở vịnh Fjord ở Oslo với cách thức sử dụng mìn limpet tương tự. Năm 1980, mìn limpet đã được sử dụng để đánh chìm Sierra, một tàu săn cá voi.
Loại mìn này cũng được Cơ quan tình báo đối ngoại của Pháp (DGSE) sử dụng để phá hủy con tàu mang tên Rainbow Warrior của Tổ chức Hòa bình xanh (Greenpeace) ở Auckland (New Zealand) năm 1985.
Theo Le Point, tháng 7-1985, tàu Rainbow Warrior neo đậu tại cảng Auckland (New Zealand) chuẩn bị tiến đến đảo san hô Mororoa ở miền Nam Thái Bình Dương để thực hiện sứ mệnh ngăn chặn cuộc thử nghiệm hạt nhân của quân đội Pháp.
Nhưng vào đêm 10-7-1985, hai quả bom đã nổ tung đánh chìm chiếc tàu trong vòng chưa đầy 5 phút. Chiến dịch trên do đội đặc nhiệm gồm hơn 10 người của DGSE tiến hành. Sau này, tiếng nổ đó được xác định là do mìn limpet gây ra.
Tổ chức Hòa bình xanh tố cáo chính phủ Pháp đánh bom chiếc tàu song Paris lúc đó phủ nhận mọi sự dính líu. Về sau này, chính phủ Pháp mới chấp nhận xin lỗi New Zealand đồng thời thỏa thuận bồi thường gần 9 triệu USD cho nước này.
Năm 1990, Liên hợp quốc trao tặng cho chính quyền New Zealand khoản tiền 2 triệu USD để giúp thành lập Quỹ Hữu nghị New Zealand-Pháp, tổ chức hỗ trợ những chương trình nhân đạo và an sinh xã hội, được coi như là một phần trong nỗ lực xoa dịu vết thương của New Zealand do vụ đánh bom tàu Rainbow Warrior gây ra.
Trong cuộc viếng thăm New Zealand vào tháng 4-1991, Thủ tướng Pháp lúc đó là Michel Rocard với tư cách cá nhân đã bày tỏ xin lỗi tới người dân New Zealand đồng thời cam kết sẽ không để xảy ra bất cứ vụ nào như Rainbow Warrior nữa.
Trong chuyến thăm New Zealand năm 2016, Thủ tướng Pháp Manuel Valls công khai thừa nhận vụ đánh bom chiếc tàu của Hòa bình xanh là "sai lầm nghiêm trọng" của Paris.
Tuy nhiên, theo Phó đô đốc đã nghỉ hưu Jean-Louis Vichot, người đầu tiên được sử dụng mìn limpet lại là người nhái Italy, những người đã tấn công vào hạm đội của Anh ở Địa Trung Hải.
No comments:
Post a Comment