Hiện tại trong biên chế Hải quân nhân dân Việt Nam mới chỉ có những tàu tên lửa tấn công nhanh hoặc tàu hộ vệ tên lửa hạng nhẹ cỡ 2.000 tấn. Những chiến hạm này sở hữu năng lực chống hạm khá tốt, tuy nhiên điểm yếu của chúng lại nằm ở khả năng tự vệ chưa cao.
Hỏa lực phòng không của Gepard 3.9 hay Molniya 1241.8 chủ yếu trông cậy vào pháo bắn nhanh AK-630M hoặc tên lửa Sosna-R có tầm bắn hiệu quả không quá 8 km, chỉ vừa đủ để tự vệ trước tên lửa hành trình chống hạm hay bom dẫn đường của đối phương.
Tuy nhiên theo đà phát triển, Hải quân Việt Nam rất cần một lớp tàu hộ vệ với lượng giãn nước lớn hơn, được trang bị tên lửa phòng không tầm xa để tạo lập ô phòng thủ tin cậy cho cả hạm đội.
Trước kia những lớp tàu chiến thỏa mãn yêu cầu của chúng ta thường có lượng giãn nước lên tới trên 6.000 tấn, như vậy là quá lớn. Nhưng tin vui là mới đây Nga đã chính thức giới thiệu một ứng viên tỏ ra rất phù hợp.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa đa năng Dự án 22356
Tại Diễn đàn quân sự quốc tế Army 2019, ngành công nghiệp đóng tàu quân sự Nga đã chính thức chào hàng lớp tàu hộ vệ tên lửa đa năng Dự án 22356 tới các khách hàng quốc tế, đây chính là biến thể xuất khẩu của Dự án 22350 lớp Đô đốc Gorshkov.
Khinh hạm Dự án 22356 được thiết kế với nhiệm vụ tiêu diệt mọi mục tiêu đường không, trên và trong mặt biển của đối phương, đi kèm năng lực tấn công mặt đất rất mạnh thông qua dàn tên lửa hùng hậu.
Tàu có chiều dài 135 m; chiều rộng 16,4 m; mớn nước 4,53 m; lượng giãn nước đầy tải 4.550 tấn; tốc độ tối đa 29,5 hải lý/h; tầm hoạt động 4.500 hải lý; thời gian bám biển liên tục 30 ngày.
Nga thiết kế sẵn một số cấu hình cơ bản cho khách hàng lựa chọn, khi hệ thống điện tử có thể bao gồm radar trinh sát đường không Fregat-M2EM hoặc Fregat-MAE-3, radar điều khiển hỏa lực là Mineral-ME, hệ thống quản lý tác chiến Sigma-E22356 hoặc Trebovanie-M, đi kèm hệ thống đối kháng điện tử TK-25E hoặc KT-308-05.
Cấu hình cơ bản của tàu hộ vệ tên lửa đa năng Dự án 22356
Dàn vũ khí của tàu rất đáng chú ý, khách hàng có thể lựa chọn cấu hình mang 16 tên lửa chống hạm siêu âm Yakhont hoặc 16 tên lửa Kalibr-NKE, tuy nhiên phương án hai tỏ ra ưu việt hơn vì tổ hợp Kalibr-NKE triển khai được cả tên lửa chống ngầm và tên lửa hành trình đối đất qua bệ phóng đa năng UKSK.
Hỏa lực phòng không cũng có sẵn hai phương án đó là mang theo tổ hợp tên lửa tầm trung Shtil-1 với 36 đạn đánh chặn 9M317ME tầm xa 50 km, hoặc hệ thống Rif-M (phiên bản hải quân của S-300F nâng cấp) với 32 tên lửa 48N6E2 tầm xa 195 km, tạo ra ô phòng không cực kỳ tin cậy.
Ngoài ra trên tàu còn có 1 pháo hạm cỡ 130 mm nòng đơn cùng 2 pháo bắn nhanh cỡ 30 mm, sàn đáp và nhà chứa máy bay ở đuôi tàu cho phép mang theo 1 trực thăng săn ngầm Ka-28 hoặc trực thăng cảnh báo sớm trên không Ka-31.
Rõ ràng sau khi điểm qua tính năng cơ bản thì có thể thấy rằng Dự án 22356 là một lớp chiến hạm rất mạnh và tương đối phù hợp với yêu cầu của Hải quân Việt Nam, nên được cân nhắc để đưa vào danh sách đặt mua nếu điều kiện cho phép.
Video giới thiệu tàu hộ vệ Đô đốc Gorshkov Đề án 22350 của Hải quân Nga
No comments:
Post a Comment