Giám đốc Công ty Tư vấn-thông tin "Defense Express", chuyên gia quân sự Sergei Zguretz đã chia sẻ về sự hỗ trợ quân sự của Mỹ đối với quân đội Ukraine , ý nghĩa của các tổ hợp chống tăng Javelin và về những nghiên cứu chế tạo của Ukraine trong lĩnh vực vũ khí.
PV: Tên lửa hành trình Neptune của Ukraine mới được thử nghiệm có ưu thế so với các mẫu tương tự của Châu Âu?
Cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình chống hạm Neptun của Ukraine diễn ra hôm 17/8
Sergei Zguretz: Bất cứ loại vũ khí nào đều khó có thể mang ra so sánh với các mẫu do nước ngoài chế tạo bởi tính hiệu quả của từng loại phụ thuộc vào hàng loạt yếu tố liên quan: tính năng kỹ thuật, mức độ trang bị, khả năng vận hành hiệu quả. Ngoài ra, còn phải tính đến mối quan hệ hiệu quả-giá thành.
Khi chúng ta tập hợp tất cả những yếu tố này thì có thể dẫn đến tình huống các mẫu vũ khí nước ngoài, trông có vẻ công nghệ hơn, nhưng lại hoàn toàn không phù hợp với điều kiện thực tế của Ukraine.
Lấy ví dụ, khi chúng ta nói về Javelin thì sẽ thấy các nghiên cứu chế tạo của Ukraine trông đời cũ hơn, nhưng nếu xét tới khả năng vận hành của binh sĩ thì sẽ thấy tổ hợp Stugna của chúng ta gần gũi và dễ sử dụng hơn Javelin của Mỹ.
- Liên quan tới Javelin: Những tên lửa này cần được bàn giao cho quân đội của chúng ta để thử nghiệm, tình hình hiện nay như thế nào?
- Javelin giải quyết 2 vấn đề: chính trị và thực tiễn. Theo quan điểm chính trị, chúng là tín hiệu nhất định gửi tới một loạt các nước châu Âu rằng, Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine bằng cách cung cấp các mẫu vũ khí công nghệ cao.
Nếu trước đây là các trạm vô tuyến, những hệ thống trinh sát pháo binh, thì tiếp đến chúng ta đã tiếp nhận Javelin - Điều đó chứng tỏ hợp tác kỹ thuật quân sự và sự hỗ trợ từ phía Mỹ đang từng bước được tăng cường.
Tên lửa chống tăng Javelin. Ảnh: The Drive
Về phía thực tiễn, tên lửa Javelin giúp chúng ta đạt được độ chính xác cao trong việc tiêu diệt khí tài thiết giáp trên chiến trường nhờ vào hệ thống dẫn hướng hiện đại.
Trước khi tiếp nhận chúng, một phần binh sĩ Ukraine đã được phía Mỹ đào tạo, sau đó khí tài này được áp dụng vào điều kiện thực tế ở các thao trường của chúng ta. Có những đơn vị sẽ sử dụng Javelin trong trường hợp thực sự nguy hiểm hoặc khi phía Nga triển khai phương tiện thiết giáp.
Trong thời gian tới một số lượng đáng kể các tổ hợp chống tăng Stugna sẽ được cung cấp cho các đơn vị của Ukraine, bởi vậy những phương tiện chống tăng do Ukraine sản xuất sẽ tăng đáng kể.
Tiềm lực hiện nay của Phòng Thiết kế "Luch" là chế tạo các tên lửa điều khiển cho xe tăng và các tổ hợp tên lửa chống tăng tầm bắn khác nhau cho các đơn vị lục quân, chế tạo tổ hợp Olkha và tên lửa hành trình Neptune. Điều đó chứng tỏ tiềm lực của lĩnh vực công nghiệp quốc phòng trong nước khá tốt.
- Có thêm sự hỗ trợ quân sự nào cho Ukraine từ phía Mỹ hay không?
- Mỹ đã có sự hỗ trợ đáng kể. Trong giai đoạn xảy ra chiến sự ở đông Ukraine, chúng ta đã tiếp nhận những thứ cần thiết, và không chỉ là các thiết bị y tế.
Trước tiên Mỹ đã giúp đỡ quân đội Ukraine nhiều trạm radar hiện đại. Washington đã cung cấp cho quân đội Ukraine các trạm radar Harris Falcon II và Falcon III với tổng giá trị lên tới gần 70 triệu USD, và những khoản tiền này sẽ tiếp tục tăng thêm.
Đó là những trạm radar rất hiệu quả, có khả năng hoạt động trong điều kiện nhiễu điện tử của phía Nga – áp chế được hoạt động của Harris là điều không thể. Điều đó cho phép các lực lượng chiến dịch đặc biệt của chúng ta, các đơn vị tấn công-đổ bộ có thể thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khá thuận lợi.
Bên cạnh đó, Mỹ còn cung cấp các radar AN/TPQ-36 và AN/TPQ-49, có khả năng theo dõi hỏa lực từ súng cối hoặc các hệ thống pháo do lính đánh thuê Nga triển khai ở khoảng cách 20-40km, và xác định chính xác các toạ độ của địch.
Nắm được điều đó, quân đội Ukraine có thể triển khai phản công bằng pháo binh và tiêu diệt kẻ địch nhanh gọn. Sự xuất hiện của những trạm radar này giúp hiệu quả của các đơn vị pháo binh tăng lên đáng kể. Mặc dù tình hình chiến sự hiện này chưa khốc liệt như trước đây nhưng những trạm radar này đang hoạt động và đảm bảo sự kiểm soát trên chiến trường.
Thiết bị bay không người lái Raven cũng được các đơn vị của chúng ta sử dụng, chúng đã giúp kiểm soát được trận địa. Tôi nghĩ rằng đó không phải là những mẫu khí tài duy nhất mà chúng ta có thể chờ đợi. Đó là những ví dụ điển hình cho thấy Mỹ đang theo dõi khá sát diễn biến tình hình tại Ukraine.
- Quay trở lại vũ khí nội địa: Mới đây đã diễn ra công tác thử nghiệm các xe tăng T-72AMT – một trong những đặc điểm của chúng được "Ukroboronprom" chỉ ra là khả năng triển khai tên lửa điều khiển GM Combat. Chúng quan trọng như thế nào đối với quân đội Ukraine?
- Cuộc chiến tranh ở đông Ukraine đã xóa tan những nghi ngờ cho rằng thời đại của những chiếc xe tăng đã trôi qua. Từng cuộc chiến cho thấy xe tăng vẫn là phương tiện chiến đấu đặc biệt tích hợp khả năng bảo vệ, hỏa lực và tính cơ động. Sự kết hợp của những phẩm chất này vẫn rất độc đáo.
Mặc dù chiến thuật đã thay đổi – chúng ta không sử dụng các xe tăng để đột phá tấn công nhưng không loại trừ chúng ta sẽ phải làm điều đó trong tương lai. Các xe tăng sẽ vẫn là phương tiện chiến đấu vô cùng cần thiết trên trận địa.
Xe tăng T-72AMT. Ảnh: Army Technology
Chúng ta có 2 lữ đoàn xe tăng, số lượng khí tài thiết giáp hạng nặng trong các lực lượng vũ trang gia tăng đáng kể. Chúng ta đang có xe tăng chủ lực T-64 do Ukraine chế tạo và một số xe tăng T-84 và T-72 - những chiếc xe tăng này đã bị đưa ra khỏi hàng ngũ quân đội.
Song, nhu cầu của các lực lượng vũ trang đối với khí tài hạng nặng đã dẫn tới quyết định đưa các xe tăng T-72 trở lại hàng ngũ chiến đấu. Và do các yêu cầu đối với phương tiện thiết giáp hạng nặng ngày càng cao nên chúng đã được nâng cấp lên phiên bản T-72AMT.
Hiện mẫu mới đang được thử nghiệm trên thao trường để xác định những tính năng mà giới quân sự cần có từ mẫu xe này. Đó là hệ thống phòng vệ cải tiến, những tính năng về hỏa lực, những thiết bị quan sát trận địa mới (trước tiên đối với trận chiến ban đêm), khả năng điều khiển khi được trang bị các trạm sóng vô tuyến Aselsan do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất.
Chúng ta chỉ nhìn thấy một trong những quá trình thử nghiệm là bắn tên lửa điều khiển. Trên thực tế, trong quá trình thử nghiệm, thêm nhiều chỉ số được kiểm tra, và qua trao đổi với những người tham dự, T-72AMT cho thấy nó có nhiều ưu điểm nhưng cũng có không ít điểm còn phải hoàn thiện.
Sau khi thử nghiệm, nhà máy sản xuất sẽ lên kế hoạch những gì cần phải làm. Tiếp đến sẽ chế tạo lô nguyên mẫu được đưa vào vận hành thử trong các đơn vị chiến đấu, và sau đó mới đưa ra những kết luận về việc tiếp tục hoàn thiện mẫu thiết kế này.
Điểm thú vị là tại các cuộc thử nghiệm bắn tên lửa điều khiển tôi tham dự, có một đoàn đại biểu đông người đến từ Ba Lan. Họ quan sát phiên bản nâng cấp này. Hóa ra, hiện nay Ba Lan cũng đưa các xe tăng T-72 trở lại hàng ngũ chiến đấu.
Họ đang thành lập lữ đoàn phòng vệ lãnh thổ trang bị các xe tăng T-72, và những giải pháp tốt của Ukraine có thể khiến phía Ba Lan quan tâm.
Đây có thể là nền tảng để triển khai dự án phối hợp nâng cấp các xe tăng của Ba Lan dựa trên những giải pháp đã được Ukraine ứng dụng.
Tôi cho rằng chiếc xe tăng này có những tính năng để đứng trong hàng ngũ chiến đấu của quân đội Ukraine một thời gian dài, và có thể không chỉ trong quân đội Ukraine.
- Nhiều khí tài trình diễn tại lễ duyệt binh sẽ được xuất khẩu. Chính phủ có tạo điều kiện tài chính để quân đội Ukraine được trang bị vũ khí sản xuất dành cho phương Tây hay không?
- Chỉ có một mẫu khí tài, tổ hợp tác chiến đa chức năng được thiết kế cho khách hàng nước ngoài, nó đã được trình làng dưới dạng mô hình bệ phóng tự hành. Đó là mẫu khí tài duy nhất mà tạm thời được chế tạo bằng tiền của khách hàng nước ngoài.
Điều này sẽ đẩy nhanh sự xuất hiện của khí tài này trong quân đội Ukraine. Bằng tiền của khách hàng nước ngoài, chúng ta sẽ đầu tư để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Sau đó, khi tính toán những chi tiết bổ sung để tăng đáng kể tính năng của tổ hợp này so với mẫu xuất khẩu thì trong một thời gian ngắn, chúng ta sẽ tiến hành công tác thử nghiệm nhà nước theo những tiêu chuẩn của mình và sẽ sản xuất nó cho phục vụ nội địa.
Vấn đề duy nhất đối với tất cả chỉ có một – đó là tiền. Có những mẫu khí tài tiêu tốn khá nhiều tiền, và chúng ta cần phải đặc biệt lưu ý sự cân bằng giữa tính hiệu quả và giá thành để không bị "đứt gánh", đặt hàng đúng những mẫu cần thiết với số lượng đủ để bảo đảm sự cân bằng lực lượng tối ưu trên chiến trường.
No comments:
Post a Comment