Tuesday, September 11, 2018

Nga bất ngờ bắt tay "kẻ địch cũ" - Taliban ở Afghanistan: Nước cờ táo bạo của TT Putin?

Nga bất ngờ bắt tay
Nga bất ngờ bắt tay "kẻ địch cũ" - Taliban ở Afghanistan: Nước cờ táo bạo của TT Putin?
Động thái hỗ trợ Taliban gần đây giữa những diễn biến nóng rẫy cho thấy tham vọng lớn hơn của Nga nhằm kiểm soát các yếu tố chính trị-quân sự khu vực Trung Đông, Bắc Phi và Tây Á.

Trong bài viết nhan đề "Người Nga muốn gì khi bắt tay với Taliban? - What does Russia Want with the Taliban?", Ty Joplin - Nhà nghiên cứu về Trung Đông  thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao (Mỹ) đã phân tích về các biến động địa chính trị quân sự ở khu vực này, trong đó có những động thái mới của Nga.

Theo Ty Joplin, về khía cạnh kinh tế, người Nga cần một khu vực ổn định ở Tây Á và một quan hệ đối tác mạnh mẽ với Trung Quốc. Cùng với việc "vỗ béo" nền kinh tế Nga, TT Putin đang tìm cách trở thành một "chúa tể" trong khu vực phức tạp này.

Nga bất ngờ bắt tay kẻ địch cũ - Taliban ở Afghanistan: Nước cờ táo bạo của TT Putin? - Ảnh 1.

Ty Joplin - Nhà nghiên cứu về Trung Đông thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách Ngoại giao (Mỹ).

Trong cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Syria, chế độ của Tổng thống Assad nhiều lần bên bờ vực sụp đổ và Tổng thống Nga Putin đã trở thành cứu cánh duy nhất giúp chính phủ Syria tồn tại và từng bước chiến thắng trước các nhóm phiến quân và khủng bố.

Ở hướng ngược lại, Tổng thống Mỹ Trump lại liên tục quyết định thực thi các hoạt động quân sự chống lại các lực lượng trung thành với chính phủ Syria.

Trong bối cảnh căng thẳng đó, Đại sứ Nga tại Libăng đã đe dọa bắn hạ bất kỳ tên lửa nào của Hoa Kỳ khai hỏa vào lãnh thổ Syria, và máy bay chiến đấu Nga liên tục "khiêu khích" các phương tiện của Mỹ, Anh và Pháp ở Địa Trung Hải.

Tại Iraq, Libya và Iran, Công ty dầu mỏ quốc gia của Nga, Rosneft, đã thực hiện các giao dịch trị giá nhiều tỷ đô la để mua bán dầu.

Nếu nhìn một cách đơn giản, đây là chỉ là những sự kiện rời rạc. Nhưng khi được ghép lại thành một bức tranh, có vẻ như người Nga đang bắt đầu trỗi dậy ở cương vị là nhà môi giới năng lượng chính tại Trung Đông và thế giới Hồi giáo.

Điều này có nghĩa là một liên minh đã hình thành giữa các kẻ địch trong lịch sử.

Tại Afghanistan, người Nga đã bắt đầu đứng ra bảo đảm cho các cuộc đàm phán giữa các phe nhóm trong chính phủ và các nhóm chiến binh đối lập.

Đáng chú ý nhất, các chuyên gia nghiên cứu hiện đã đưa ra kết luận tương đối chắc chắn rằng Nga đang bí mật hỗ trợ cho Taliban - một nhóm nổi dậy mà Nga đã cố tiêu diệt khi Taliban bắt đầu mở rộng kiểm soát Afghanistan trong thập niên 1980.

Putin, người đã từng nói: "Nga sẽ không đàm phán với những kẻ khủng bố và sẽ tiêu diệt chúng", hiện đang nỗ lực cho các hoạt động hướng chính phủ Afghanistan chuyển sang đối thoại với Taliban, và đang làm cách để đảm bảo ảnh hưởng trong khu vực của Nga không bị giảm sút.

Ván bài của người Nga ở Afghanistan

Từ năm 1979 đến hết thập niên 1980, Liên Xô đã thất bại và bị sa lầy tại Afghanistan làm cho nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề và gián tiếp dẫn tới sự sụp đổ của Liên Xô.

Người Nga coi Afghanistan là Chiến tranh Việt Nam của Liên Xô, và Liên bang Xô Viết về cơ bản đã từ bỏ tham vọng hiện diện quân sự và chính trị ở Afghanistan vào cuối thập niên 1980.

Nhưng hiện tại, mọi thứ đã thay đổi, và việc người Nga tái can thiệp vào Afghanistan không còn quá rủi ro và tốn kém như thời Liên Xô.

Nga bất ngờ bắt tay kẻ địch cũ - Taliban ở Afghanistan: Nước cờ táo bạo của TT Putin? - Ảnh 2.

Lính Spetsnaz người Nga chuẩn bị cho một nhiệm vụ ở Afghanistan trong thời gian Liên Xô đóng quân tại đây.

TT Putin đã làm bùng nổ một tham vọng mới của người Nga khi tiến vào châu Á và Trung Đông với một mục tiêu mới: Làm cho nước Nga vĩ đại trở lại.

Để làm được điều đó, Putin đã hướng tới việc trở thành một đồng minh với các quốc gia can thiệp và các nhóm vũ trang sẽ không thể bị loại bỏ bằng vũ lực trên chiến trường Afghanistan.

Vào tháng 3/2018, những tin đồn lan truyền rằng các quan chức Mỹ đang tranh cãi để làm sáng tỏ việc người Nga có cung cấp vũ khí cho Taliban hay không.

Một vị tướng Mỹ cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng quân đội Hoa Kỳ đã tìm thấy các bằng chứng về một đường dây cung cấp viện trợ quân sự của Nga tới tay Taliban, và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được cho là thể hiện sự ngạc nhiên với những tuyên bố như vậy.

Để hiểu được bản chất của sự hỗ trợ của người Nga đối với Taliban, các nhà báo đã phỏng vấn Paul Stronski, một cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, đã phục vụ trong vị trí tư vấn cho Tổng thống Mỹ và là Cố vấn an ninh quốc gia về các vấn đề Nga và Á-Âu.

Tiến sĩ Stronski nói:

"Theo tôi hiểu, Nga đã cung cấp một số hỗ trợ quân sự hạn chế cho Taliban. Ngoài ra, các hỗ trợ chính trị và kinh tế chắc chắn là có.

Đại diện đặc biệt của Nga tại Afghanistan, ông Zamir Kabulov đã từng tuyên bố năm 2015 rằng lợi ích của Nga và Taliban có một điểm chung ở một vấn đề, đó là đánh bại IS. Vì vậy, IS chính là mấu chốt đem họ đến với nhau".

Các hỗ trợ ngoại giao và tài chính của Nga cho Taliban có thể thấy rõ và thậm chí phần nào được người Nga thừa nhận công khai, thì việc xác minh người Nga cung cấp vũ khí cho Taliban là bất khả thi.

Cảnh sát trưởng quận Baharak của Afghanistan tuyên bố rằng "ít nhất hàng nghìn vũ khí đã được người Nga cung cấp cho các chỉ huy dân quân ở miền bắc'' và một nhà phân tích khác tuyên bố rằng việc người Nga giúp đỡ những kẻ địch của Hoa Kỳ là "một phần của trò chơi của người Nga ở Afghanistan".

Tuy nhiên, nhà phân tích về nước Nga, Alexei Malashenko lập luận rằng các loại vũ khí đang được sử dụng tại Afghanistan, ví dụ là những khẩu súng trường tấn công AK rất khó để cáo buộc là do Nga viện trợ và vũ khí này thông dụng tới mức "có thể đến từ bất cứ đâu.".

Tờ báo Đức, Zeit đã xuất bản một bài viết khai thác từ một lính đánh thuê người Nga được điều động tới Afghanistan với trao đổi giữa người lính và sĩ quan chỉ huy:

Nikulin: Tôi sẽ được triển khai ở đâu? Ở Syria à?

Ivanov: Không, đó là một vấn đề đã cũ. Tôi không được phép nói cho bạn biết bạn sẽ được gửi đến đâu. Nhưng bạn có thể tự mình tìm ra. Quân đội của chúng ta đã từng chiến đấu ở đó vào những năm 1980.

Có rất nhiều hoang mạc và nhiều ngọn núi ở đó. Sẽ có một hoạt động gìn giữ hòa bình ở đó nữa. Khi bạn đến đó sau khóa huấn luyện, bạn thậm chí sẽ nhận được một huy chương dũng cảm. Nhưng sẽ không có nhiều danh dự hơn thế. Bạn sẽ không được trên truyền hình. Còn câu hỏi nào khác không?

Nga bất ngờ bắt tay kẻ địch cũ - Taliban ở Afghanistan: Nước cờ táo bạo của TT Putin? - Ảnh 3.

Lực lượng Liên Xô tham chiến ở Afghanistan trong thập niên 1980

"Té nước theo mưa" và sự trỗi dậy của Taliban

Mục đích tài trợ cho Taliban của người Nga là sự chuẩn bị cho khả năng chính phủ Afghanistan được phương Tây hậu thuẫn sụp đổ trong thời gian gần và Afghanistan sẽ dần trở lại ảnh hưởng của Taliban.

Nếu điều đó xảy ra, ông Putin không muốn người Nga không còn bất kỳ liên hệ với đất nước này, vì vậy họ (Nga và Taliban) đã kết thân một cách nhanh chóng.

Nga bất ngờ bắt tay  kẻ địch cũ - Taliban ở Afghanistan: Nước cờ táo bạo của TT Putin? - Ảnh 4.

Lực lượng Taliban hành quân trong vùng nông thôn Afghanistan.

Tiến sĩ Stronski nói tiếp:

"Trong những năm qua, người Nga đã thực hiện một loạt các động thái thay đổi trong chính sách đối ngoại để định vị mình trong thế giới Hồi giáo. Nga dường như đang phát triển mạng lưới liên lạc riêng của họ để bảo vệ lợi ích của người Nga nếu chính quyền trung ương Afghanistan sụp đổ".

Điện Kremlin tin rằng Taliban đang tập trung chủ yếu vào tranh giành quyền lực, vì vậy nó là mối đe dọa đối với chính quyền trung ương Afghanistan, nhưng không phải là mối lo cho các nước láng giềng ở Trung Á.

Còn IS, nếu chúng tiếp tục phát triển và đạt được những điều kiện cần thiết ở Afghanistan, sẽ mở rộng hơn với các chi nhánh hoạt động ở Afghanistan và Pakistan và có khả năng gây rủi ro cho Trung Á - vùng đệm giữa sự bất ổn và ổn định giữa Afghanistan và Nga".

Nói cách khác, Putin muốn đảm bảo IS không có thêm bất kỳ sự phát triển nào ở Afghanistan vì nhóm này chính là nhân tố đe dọa kế hoạch địa chính trị rộng lớn của Nga, vì vậy ông sử dụng mọi nguồn lực sẵn có ở Afghanistan để tiêu diệt nhóm khủng bố. "Vì lý do này, Nga đã tăng cường hợp tác với Taliban."

Vào ngày 31/1, một nghiên cứu của BBC phát hiện ra rằng Taliban hoạt động công khai ở 70% diện tích Afghanisan, mở rộng hoàn toàn so với những năm trước đó. Ước tính từ Không quân Hoa Kỳ (USAF), đặt tỷ lệ phần trăm thấp hơn một chút so với BBC - 56%.

Tuy nhiên, nhiều nguồn phân tích cho thấy rằng chính phủ Afghanistan hiện chỉ kiểm soát khoảng 30% lãnh thổ - phần còn lại được cho là khu vực giao tranh hoặc kiểm soát bởi Taliban và các phe phái khác. Để so sánh, các nghiên cứu trong năm 2015 ước tính chính phủ Afghanistan kiểm soát 72% diện tích.

Chính phủ Afghanistan thực tế là chưa sụp đổ và bị thay thế, nhưng nó đã mất kiểm soát tới mức không còn có thể đưa ra các quyết sách chính trị hiệu quả ở những vùng chiến lược nhất định với người Nga.

Đồng thời, IS đã duy trì một sự hiện diện vững chắc tại Afghanistan, và đã phải chịu đựng không kích liên tục của Liên quân, bao gồm cả một trong những quả bom phi hạt nhân lớn nhất trên thế giới, và các cuộc không kích tìm-diệt gần đây của Mỹ nhằm tiêu diệt các chỉ huy hàng đầu của nhóm khủng bố.

ISIS đã chứng tỏ rằng chúng khó bị đánh đuổi và thậm chí còn khó khăn hơn để tiêu diệt.

Trục Á Châu của TT Putin

Trọng tâm của ông Putin đối với kế hoạch địa chính trị Á Châu có liên quan nhiều đến việc hạn chế ảnh hưởng của phương Tây và thúc đẩy nền kinh tế năng lượng của Nga. Nền kinh tế Nga đang phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ - một đặc điểm cố hữu của nền kinh tế Nga và TT Putin đã cố gắng, nhưng thay đổi là không đáng kể.

Nga bất ngờ bắt tay kẻ địch cũ - Taliban ở Afghanistan: Nước cờ táo bạo của TT Putin? - Ảnh 5.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Một ước tính cho rằng giá dầu giảm 1 USD có thể khiến chính phủ Nga thiệt hại lên tới 2,5 tỷ USD, gây áp lực liên tục lên điện Kremlin để đảm bảo các giao dịch dầu ổn định trong khi giữ giá cao.

Vì vậy, những tập đoàn dầu mỏ của Nga đã tìm cách đảm bảo các giao dịch trên khắp Tây Á và Bắc Phi.

Nga cũng đã trở thành nhà cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc và thỏa thuận gần đây giữa Rosneft thuộc sở hữu nhà nước Nga và Trung Quốc hứa hẹn sẽ mở rộng nguồn cung cấp với các tuyến đường ống dẫn dầu mới thông qua Kazakhstan.

Đối với Trung Quốc, họ tự nhận thấy có sự liên kết giữa các mối quan tâm với Nga ở Afghanistan và mục tiêu riêng củahọ để phát triển dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất thế giới "Sáng kiến vành đai và con đường".

Sáng kiến do Trung Quốc đưa ra nhằm tạo ra các con đường liên lục địa trở thành các tuyến giao dịch trên đất liền và đại dương để hợp lý hóa việc nhập khẩu và xuất khẩu của Trung Quốc.

Về bản chất, nó sẽ kết nối các nền kinh tế châu Á và Trung Đông với Trung Quốc, và Nga đã thể hiện họ nỗ lực với cương vị một đối tác trong sáng kiến này.

Cả Nga và Trung Quốc đều muốn một sự ổn định chính trị trong khu vực để làm cho sáng kiến trở nên thiết thực.

Nga không thể đủ khả năng để một mình thực thi kế hoạch địa chính trị và kinh tế khi nó bị đe dọa bởi sự bất ổn hoặc khủng bố tràn lan.

Để nhận được hỗ trợ, Nga cũng đã tăng cường hỗ trợ cho quân đội ở Pakistan - một quốc gia quan trọng trong các điểm ảnh hưởng của Nga và một then chốt của sáng kiến Vành đai và con đường của Trung Quốc.

Tiến sĩ Stronski kết luận:

"Taliban nói chung không đặt ra mối đe dọa cho các nước láng giềng của Nga, mà đối thủ chủ yếu là chính quyền trung ương Afghanistan. Nếu chính phủ đó sụp đổ, Nga muốn Taliban tiêu diệt IS".

Đây là lý do tại sao người Nga đã quyết định trở lại Afghanistan với một đối tác mới nhưng là "kẻ địch cũ" - Taliban. Trong bối cảnh phức tạp và ngày càng khó lường tại Trung Đông và Tây Á, Nga đang nỗ lực để thay thế người Mỹ trở thành bá chủ của khu vực.

Việc cung cấp viện trợ quân sự cho các nhóm dân quân như Taliban chỉ là một phần nhỏ trong cỗ máy của người Nga đang tăng tốc để tiến tới quyền lực và vững chắc hóa nền kinh tế không mấy ổn định của Nga.

No comments:

Post a Comment