Rạng sáng ngày 16/9, Không quân Israel bất thình lình mở cuộc tấn công nhằm vào sân bay quốc tế Damascus và một số đơn vị phòng không Syria .
Thế nhưng, cuộc tấn công dường như không làm Damascus quá bất ngờ, ngay từ những phút đầu lực lượng phòng không Syria đã đánh trả quyết liệt bằng tên lửa và pháo cao xạ.
Theo phóng viên của Al-Masdar News và một số người dân tại hiện trường, có ít nhất 4 quả tên lửa của Israel đã bị phòng không Syria bắn hạ. Dẫu vậy, Quân đội Syria cũng chịu tổn thất đáng kể khi ít nhất một tổ hợp tên lửa tầm xa S-200 bị đánh hỏng.
Đáng chú ý, cho tới thời điểm này, vẫn chưa có nguồn tin nào lên tiếng về việc Không quân Israel bao nhiêu quả tên lửa và đặc biệt là máy bay nào trực tiếp xông vào "lưới trời" Damascus.
"Người cũ" đáng tin cậy F-16I với "kẻ lang thang" Delilah
Nhìn lại hầu hết các cuộc tấn công vào Syria giai đoạn 2015-2018, Không quân Israel thường xuyên sử dụng tiêm kích F-16I Sufa. Nó là thiết kế nâng cấp từ phiên bản hai chỗ ngồi F-16D Block 52 dành cho Không quân Israel, đơn giá một chiếc lên tới 70 triệu USD (năm 2006).
Những chiếc F-16I có 50% hệ thống điện tử hàng không do Israel sản xuất như mũ bay, màn hình HUD, máy tính nhiệm vụ... Ngoài ra, nó được trang bị thùng nhiên liệu phụ đặt ở gốc cánh tăng đáng kể tầm bay.
Đặc biệt, các thay đổi điện tử trên F-16I cho phép Israel tích hợp một loạt các công nghệ vũ khí tiên tiến do nước này phát triển. Trong đó có hai loại tên lửa không đối đất hiện đại gồm Delilah và Popeye.
Tiêm kích đa năng F-16I Sufa.
Delilah là tên lửa hành trình độc đáo do IMI thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu cố định và di động với độ chính xác gần như tuyệt đối.
Theo đó, trong khi các tên lửa hành trình khác phải khóa mục tiêu vào hệ thống dẫn đường trước khi phóng thì Delilah lại có khả năng "tuần tra, giám sát khu vực" trước khi thực hiện cuộc tấn công.
Tính năng này cho phép Delilah lượn lờ trên khu vực bị oanh kích để tìm kiếm những mục tiêu có giá trị cao được ngụy trang kỹ càng nhất. Tên lửa được trang bị động cơ turbin phản lực cho phép nó đi "lang thang" trong một thời gian khá dài.
Tên lửa Delilah có tầm bắn lên đến 250 km, vượt ra ngoài tầm với của hầu hết các hệ thống phòng không tầm xa hiện nay, được trang bị nhiều loại đầu dò mục tiêu khác nhau như: Cảm biến hình ảnh kỹ thuật số, cảm biến hồng ngoại, INS/GPS cho phép tấn công các mục tiêu cố định hoặc di chuyển cả ở trên đất liền lẫn trên biển.
Delilah có chiều dài 2,71m; sải cánh 1,1m; đường kính thân 0,33m; trọng lượng phóng 187 kg. Mặc dù mang theo đầu đạn nhẹ có trọng lượng chỉ 30 kg nhưng do tên lửa có độ chính xác rất cao nên đủ khả năng để tiêu diệt hầu hết các mục tiêu quân sự và giảm thiệt hại cho các cơ sở dân sự.
Ngoài ra, F-16I có thể kết hợp tác chiến với tên lửa không đối đất Popeye do Rafael Advanced Defense Systems phát triển và đưa vào trang bị năm 1985.
Nó sử dụng một động cơ nhiên liệu rắn, tầm bắn 78 km, trang bị đầu đạn nổ phá mảnh nặng tới 340 km hoặc đầu đạn nổ xuyên 360 kg.
Hay "tân binh" F-35I?
Để đảm bảo sự thành công của bất kỳ chiến dịch không kích nào, người ta thường lựa chọn loại vũ khí tin cậy nhất. Tuy vậy, trong cuộc tấn công rạng sáng ngày hôm qua, không loại trừ khả năng Israel đem "tân binh" F-35I "thử lửa".
Với khả năng tàng hình, F-35I là vũ khí lý tưởng cho một cuộc không kích vào mục tiêu được bảo vệ bởi hệ thống phòng không dày đặc, nhiều tầng nhiều lớp.
Tiêm kích tàng hình F-35.
Đặc biệt, F-35I có thể mang theo tên lửa AGM-88 HARM - "sát thủ" tiêu diệt các đài radar cảnh giới, đài radar điều khiển hỏa lực tên lửa phòng không. Điển hình là radar 5N62 – "trái tim" của "ngôi sao số 1 phòng không Syria" S-200.
Phá hủy đài 5N62 cũng coi như là "tiêu diệt toàn bộ" hệ thống phòng không S-200. Bởi không còn đài radar bắt mục tiêu và dẫn đường tên lửa, S-200 không khác nào "rắn mất đầu".
AGM-88 HARM có tầm bắn tới 150 km, tốc độ bay Mach 2. Với đầu nổ nặng 66 kg là thừa sức để phá tan tành đài radar khổng lồ 5N62 của S-200.
Tuy nhiên, rạng sáng ngày hôm qua, Không quân Israel được cho là đã phóng đi nhiều tên lửa nhắm vào một loạt các mục tiêu tại Damascus.
Với năng lực tấn công mặt đất còn hạn chế (khoang vũ khí trong thân F-35I không mang được nhiều tên lửa đối đất), Israel không thể dùng một mình F-35I tham gia chiến dịch không kích.
Cho nên có khả năng Tel Aviv kết hợp cặp "song sát" F-16I với F-35 cùng tham gia chiến dịch không kích. "Liên quân" này sẽ đảm bảo mục tiêu làm suy yếu năng lực phòng không Damascus và thử nghiệm khả năng đột phá "lưới trời" nhiều tầng nhiều lớp của Syria.
Tiêm kích F-16 bắn ném bom
No comments:
Post a Comment