Trong chiến dịch không kích của Mỹ và đồng minh nhằm vào Syria ngày 14-4, có một điểm đặc biệt là toàn bộ lực lượng tham chiến của liên quân của đều sử dụng vũ khí tấn công chính xác cao tầm xa, phóng ngoài tầm phòng không và không hề tiếp cận vào các khu vực nằm trong ô phòng không của Syria.
Tại sao chiến thuật này được áp dụng? Phải chăng Mỹ và liên quân đã dự đoán được phần nào năng lực phòng không của Syria và nếu máy bay liên quân trực tiếp tham chiến sẽ chỉ có kết cục "một đi, không trở lại".
Chọn phương án tác chiến an toàn
Chiến thuật tác chiến truyền thống trước đây của Mỹ và NATO là sử dụng tên lửa hành trình phủ đầu áp chế hệ thống phòng không đối phương, sau đó máy bay chiến đấu sử dụng chiến thuật SEAD với vũ khí chính xác cao tung đòn tấn công phẫu thuật vào các vị trí chiến lược của đối phương.
Tuy nhiên, sau những bài học rõ ràng trong đợt không kích nhằm vào sân bay quân sự Sharyat, Mỹ và đồng minh đã phần nào hiểu ra rằng hệ thống phòng không của Syria được tổ chức tốt và có năng lực chiến đấu cao. Điều này đã tới việc liên quân thay đổi chiến thuật tác chiến và điều này có thể thấy rõ ràng trong chiến dịch không kích tối 14-4.
Tiêm kích F-15 và F-16 do Mỹ sản xuất.
Tham gia hoạt động tập kích đường không nhằm vào Syria là máy bay ném bom B-1B, máy bay chiến đấu F-15, F-16 của Mỹ mang theo tên lửa hành trình JASSM AGM-158 tầm bắn tới 370km và đầu đạn nặng 450kg tấn công các mục tiêu trong lãnh thổ Syria từ khu vực Al-Tanf và từ nhiều hướng khác nhau xung quanh lãnh thổ Syria.
Trong khi đó, tàu chiến và tàu ngầm Mỹ từ Hồng Hải và Địa Trung Hải tấn công bằng tên lửa hành trình Tomahawk phiên bản hiện đại nhất (có khả năng tàng hình) có tầm bắn gần 2.000km.
Phối hợp cùng với lực lượng tác chiến của Mỹ là 4 máy bay cường kích Tornado GR4 thuộc Không quân Hoàng gia Anh. Chúng mang theo tên lửa hành trình tầm xa Storm Shadow. Đây chính là những đơn vị đã tung đòn tấn công nhằm vào các cơ sở quân sự tại Homs ở khoảng cách trên 400km.
Cuối cùng, Pháp tham chiến với các tên lửa hành trình tầm xa SCALP phóng từ khinh hạm lớp Aquitaine và máy bay chiến đấu Rafale với tầm bắn trên 400km.
Tuy nhiên, với kết quả 71/103 tên lửa hành trình tấn công của liên quân bị ngăn chặn do Bộ Quốc phòng Nga công bố, rõ ràng Mỹ và đồng minh đã lựa chọn phương án tác chiến hợp lý. Nếu sử dụng máy bay chiến đấu trực tiếp tham gia nhiệm vụ này, kết quả ra sao cũng dễ dàng có thể đoán định.
Một vấn đề khác đáng chú ý là từ trước tới nay, hoạt động tác chiến của Mỹ và đồng minh luôn đề cao việc sử dụng ưu thế về khí tài quân sự để giảm thiểu tổn thất sinh mạng trên chiến trường.
Điều này thể hiện rõ bản chất của các đội quân nhà nghề, tham chiến vì đồng lương. Việc bất kỳ binh sĩ thiệt mạng trong các sứ mệnh quân sự đều có nguy cơ tạo ra làn sóng phản đối ở trong nước. Đặc biệt là hoạt động quân sự tại Syria không nhận được nhiều sự ủng hộ ở cả Mỹ, Anh và Pháp.
Đây chính là một trong những yếu tố buộc giới hoạch địch chiến lược tác chiến Mỹ và đồng minh phải chọn giải pháp "an toàn", nhưng tốn kém là sử dụng vũ khí tấn công chính xác cao tầm xa.
Tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-S1
Hệ thống phòng không Syria không hề yếu kém
Syria là một quốc gia sở hữu lực lượng phòng không mạnh, chuyên nghiệp ở khu vực Cận Động. Kết luận này đã được đưa ra sau cuộc khảo sát của chuyên gia quốc phòng Nga cuối năm 2016. Kể cả sau nhiều năm nội chiến và chống khủng bố, Syria vẫn sở hữu lực lượng phòng không mạnh và tương đối hoàn thiện ở khu vực Cận Đông.
Nền tảng của hệ thống phòng không Syria là 36 tổ hợp pháo-tên lửa Pantsir-S1, 3-6 tiểu đoàn tên lửa Buk-M2E, 25 tiểu đoàn tên lửa Kvadrat và 8 trung đoàn tên lửa S-200VE. Con số trên còn chưa tính tới các tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp, pháo cao xạ, ra-đa trinh sát và các đơn vị tác chiến điện tử.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Syria sở hữu hệ thống phòng không mạnh vì Damascus luôn chú ý tới việc xây dựng và nâng cấp trước các mối đe dọa liên tục từ Israel.
Từ những năm 1980, các kíp điều khiển tên lửa của Syria đã được tiếp cận với công nghệ phòng không hiện đại nhất từ Liên Xô, trước cả các quốc gia Đông Âu. Từ đó tới nay, Syria cũng luôn liên tục cập nhật cho hệ thống phòng không nội địa.
Trong những năm nội chiến, Syria phải kiềm chế năng lực phòng không phần nhiều để tránh leo thang căng thẳng và kịch bản bị can thiệp quân sự từ nước ngoài. Tuy nhiên, cũng có những dấu mốc thể hiện sức mạnh của phòng không Syria.
Tên lửa Buk-M2E
Điều đó có thể thấy rõ qua việc phòng không Syria bắn hạ máy bay trinh sát FR-4E của Thổ Nhĩ Kỳ, máy bay không người lái Predator của Mỹ ở Latakia và mới đây nhất là sự kiện bắn hạ tên lửa hành trình, cũng như máy bay chiến đấu F-16I của Israel hồi tháng 2-2018.
Cùng với đó, hệ thống phòng không Syria còn có sự hỗ trợ cả về nhân lực và vật lực từ Nga.
Trong tuyên bố sau cuộc không kích của Mỹ và đồng minh, Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Nga, tướng Valery Gerasimov tiết lộ, trong suốt 1 năm rưỡi qua, các chuyên gia Nga đã tham gia quá trình khôi phục năng lực phòng không của Syria và quá trình này vẫn đang tiếp tục.
Ngoài ra, dù không công khai, nhưng ai cũng có thể biết rõ Nga đang hỗ trợ Syria về mọi mặt và "thành quả" đã được đền bù xứng đáng qua kết quả của cuộc không kích do Mỹ và đồng minh tiến hành rạng sáng 14-4.
Điều này đã giúp thêm sáng tỏ việc tại sao máy bay liên quân không bị bắn rơi tại Syria vì đơn giản "tránh voi, chẳng xấu mặt nào".
Các máy bay ném bom B-1B đã tới căn cứ Al-Uldeid của Mỹ ở Qatar 1 tuần trường vụ tấn công Syria ngày 14/4
No comments:
Post a Comment