Nhằm hà hơi tiếp sức cho chính quyền tay sai, ngày 28.3.1975- Tổng thống Giê-rơn Pho cử Đại tướng Uây- en, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ sang giúp đỡ.
Trực tiếp đi thị sát chiến trường, Uây-en đã cố vấn cho Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu: "thiết lập một tuyến phòng thủ với cái neo đặt ở thị xã Phan Rang, lấy Xuân Lộc làm mũi nhọn và Tây Ninh là rìa phía tây" hòng cố thủ phần đất còn lại để hy vọng vào một giải pháp chính trị nào đó.
Uây- en còn nhấn mạnh: "Phải giữ cho được Xuân Lộc. Mất Xuân Lộc coi như mất Sài Gòn". Đồng thời y còn úp mở khả năng Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tăng viện trợ cho Sài Gòn. Như chết đuối vớ được cọc, Thiệu quyết tâm giữ bằng được Xuân Lộc.
"Cánh cửa thép" Xuân Lộc có làm được "chiếc cọc"?
Xuân Lộc là thủ phủ tỉnh Long Khánh (nay là thị xã thuộc tỉnh Đồng Nai). Thị xã này có quốc lộ số 1 và đường sắt xuyên Việt đi qua, có ngã ba Dầu Giây là điểm cuối của đường 20 từ Đà Lạt về, có đường 56 nối với Vũng Tàu; cách Sài Gòn 60 km về phía Đông - Đông Bắc, cách Biên Hòa 25 km về phía Đông.
Địa hình khu vực này không quá phức tạp, gồm nhiều đồi thấp xen giữa các cánh đồng, bãi sắn, vườn cây. Phía Nam có điểm cao Tân Phong (độ cao tuyệt đối 300 m), phía Tây có điểm cao Núi Thị rất thuận lợi cho quan sát chiến trường, tổ chức chỉ huy phòng thủ.
Xe tăng, bộ binh Quân đoàn 4 tiến công giải phóng Xuân Lộc tháng 4/1975. Ảnh: Báo Bình Dương
Với mục tiêu biến Xuân Lộc thành "cánh cửa thép" che chở cho Sài Gòn từ hướng Đông, Quân lực VNCH đã nâng cấp cấu trúc Xuân Lộc thành cụm cứ điểm mạnh với hai trung tâm chính là tiểu khu quân sự Long Khánh và căn cứ Sư đoàn 18 bộ binh, hai tiền đồn quan trọng là Núi Thị và Tân Phong.
Hệ thống vật cản và công sự chiến đấu ở Xuân Lộc được thiết kế hết sức kiên cố, vững chắc. Phía bên ngoài cứ điểm, mọi con đường vào Xuân Lộc đều có hào chống tăng cùng với các bãi mìn dày đặc. Xung quanh các cứ điểm là tầng tầng lớp lớp rào dây thép gai. Bên trong cứ điểm, công sự chiến đấu được xây dựng kiên cố với nhiều boong ke, lô cốt, hầm ngầm.
Lực lương phòng thủ ở đây cũng rất mạnh, bao gồm Sư đoàn 18 Bộ binh (với các Trung đoàn 43, 48 và 52), lực lượng Địa phương quân ở tỉnh và các đơn vị tăng phái gồm Trung đoàn 8 (thuộc Sư đoàn 5 Bộ binh), Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, Liên đoàn 7 Biệt động quân, hai tiểu đoàn pháo binh, Liên đoàn 81 Biệt cách Dù, toàn bộ Lữ đoàn 1 Dù (với các Tiểu đoàn 1, 2, 8, 9) và Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù.
Sư đoàn 4 Không quân VNCH từ sân bay Cần Thơ phụ trách không yểm chiến thuật. Tất cả lực lượng trên đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo (Tư lệnh Sư đoàn 18).
Với thiết trí công sự vật cản vững chắc, với lực lượng phòng thủ hùng hậu, với sự chi viện không hạn chế của không quân, pháo binh... Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hy vọng sẽ chặn đứng được đà tiến công của QGP, giữ nguyên phần đất còn lại ít nhất đến mùa mưa để tìm một giải pháp nào đó.
"Cánh cửa thép" cũng bị chọc thủng- Mọi ngả đường đến Sài Gòn đã mở toang
Ngày 02.4.1975, tướng Trần Văn Trà- Tư lệnh QGP Miền trực tiếp tới Sở chỉ huy Quân khu 7 tại xã Vĩnh An bên bờ sông Đồng Nai để giao nhiệm vụ cho các đơn vị Quân khu 7 và Quân đoàn 4 tiến công tiêu diệt Xuân Lộc nhằm mở rộng hành lang tiến công Sài Gòn.
Lực lượng QGP tham gia tiến công Xuân Lộc ban đầu gồm 3 sư đoàn bộ binh 6, 7 và 341, 2 tiểu đoàn xe tăng, 1 trung đoàn pháo binh cùng lực lượng địa phương. Trong đó, Sư đoàn 7 và 1 tiểu đoàn xe tăng vừa tham gia trận hành tiến tiến công giải phóng Đường 20 đang trên đường quay về.
Do thời gian chuẩn bị quá gấp gáp, tướng Hoàng Cầm- Tư lệnh Quân đoàn 4 đề nghị cho lui ngày tiến công sang 9.4.1975. Tướng Trần Văn Trà đồng ý.
5 giờ 40 phút ngày 9.4.1975 trận đánh bắt đầu. Sau khi các trận địa pháo của quân đoàn bắn chế áp mục tiêu 1 giờ, các hướng mũi bộ binh được xe tăng dẫn dắt bắt đầu thực hành tiến công vào các mục tiêu được giao.
Trên hướng chủ yếu, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 7) và 8 xe tăng chiếm được một phần hậu cứ của chiến đoàn 52. Trên hướng thứ yếu, Trung đoàn 266 (Sư đoàn 7) đánh vào thị xã đã đến sát sở chỉ huy tiểu khu.
Tại vòng ngoài, các Trung đoàn 270 (Sư đoàn 341), Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) đánh bại 2 tiểu đoàn của Chiến đoàn 43, 48. Ở khu vực Dầu Dây, Sư đoàn 6 diệt 5 chốt từ Hưng Nghĩa đến đèo Mẹ Bồng Con.
Nhìn chung, trên tất cả các hướng, phía VNCH chống trả rất quyết liệt. Một số xe tăng bị mìn, bị hỏng.
Ngày 10.4.1975, phía QGP tung lực lượng dự bị vào tham chiến. Phía VNCH trong thế cùng đường cũng đưa quân lên cứu viện, dựa vào công sự kiên cố chống trả điên cuồng đồng thời tăng cường đánh phá bằng không quân vào các cánh quân QGP hoặc hủy diệt các cứ điểm đã mất.
Sau 5 ngày tiến công, QGP vẫn không hoàn thành được tất cả các mục tiêu đề ra nên tạm dừng. Thấy vậy, tướng Lê Minh Đảo cho rằng QGP đã "hụt hơi". Ngày 14.4 Đảo tổ chức họp báo tại trận thách thức tướng Hoàng Cầm tiếp tục tiến công. Lê Minh Đảo không ngờ sấm sét đang chuẩn bị giáng xuống đầu mình từ hướng khác.
Đoàn quân giải phóng trên quốc lộ I từ Nha Trang tiến về giải phóng miền Nam.
Phía QGP, trước tình hình khó khăn của trận đánh, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 đã quyết định chuyển hướng tiến công: Không đánh vỗ mặt chính diện nữa mà đánh vào phía sau quân địch.
Cụ thể là: "Tập trung lực lượng đánh chiếm khu vực Ngã ba Dầu Dây và Núi Thị, đồng thời uy hiếp sở chỉ huy Quân đoàn 3 VNCH ở Trảng Bom, đánh địch ở Biên Hòa, Tràng Bom ra phản kích; pháo kích mạnh sân bay Biên Hòa, đẩy địch ở Xuân Lộc vào tình trạng hoang mang, bối rối vì bị cắt rời khỏi hậu phương, bị bao vây cô lập từ nhiều phía...".
Rạng sáng ngày 15.4.1975, khi pháo 130 ly bắt đầu bắn phá căn cứ không quân Biên Hòa, không cho máy bay từ đây yểm trợ Xuân Lộc thì Sư đoàn 6 được tăng cường Trung đoàn 95, hiệp đồng tiến công Chiến đoàn 52 (gồm Trung đoàn 52 của Sư đoàn 18, Lữ đoàn 3 Thiết kỵ, và các lực lượng Địa phương quân ở Kiệm Tân).
Đến cuối ngày QGP đã đánh chiếm được ngã ba Dầu Giây (giao điểm của Quốc lộ 1 với đường 20) và đoạn cuối đường 20 từ Trúc Tân đến Kiệm Tân, đánh bại nhiều cuộc phản kích từ Trảng Bom ra, uy hiếp sở chỉ huy tiền phương Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa đặt tại Trảng Bom.
Cùng ngày hôm đó, tại Xuân Lộc, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đồng thời tấn công, đánh lui hai chiến đoàn 43 và 48 của Sư đoàn 18, diệt một phần Lữ đoàn 1 Dù.
Mất Dầu Giây và đường 20, Biên Hòa trở thành điểm tiền tiêu; Xuân Lộc bị cô lập và mất vị trí quan trọng, tử thủ chẳng ích gì. Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh Quân đoàn 3 Việt Nam Cộng hòa, ra lệnh rút bỏ Long Khánh. Ngày 18 tháng 4, một phần lực lượng ở Xuân Lộc được bốc bằng trực thăng về Biên Hòa - Trảng Bom lập phòng tuyến mới.
Quá trình lui quân của các lực lượng VNCH trong những ngày tiếp theo diễn ra trong mối lo thường trực bị QGP phục kích, tập kích bằng hỏa lực. Cho đến sáng ngày 21 tháng 4 những tuyến phòng thủ cuối cùng của Quân lực VNCH tại Xuân Lộc hoàn toàn tan rã.
Đó cũng là thời điểm "Cánh cửa thép" Xuân Lộc đã chính thức bị chọc thủng. Mọi con đường vào Sài Gòn đã mở toang.
No comments:
Post a Comment