Mới đây, một số nguồn tin tình báo cho biết, rất nhiều đạn tên lửa hành trình "mới, đẹp và thông minh" Mỹ và đồng minh sử dụng trong chiến dịch không kích Syria đêm 14-4 không mang đầu đạn chiến đấu, mà là các thiết bị gây nhiễu, đối kháng điện tử.
Thông tin này rất khó có thể kiểm chứng, nhưng nếu đây là sự thực thì nó đã giúp giải đáp một vấn đề hóc búa đang làm đau đầu giới phân tích quân sự thế giới rằng: Tại sao đồng minh là dùng một số lượng lớn tên lửa để tấn công một vài mục tiêu có chọn lựa trên lãnh thổ Syria?
Tại sao Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzeh tại ngoại vi Damascus bị tới 76 tên lửa nhằm tới, nhưng hiện trường sau vụ không kích chỉ tương đương với việc bị trúng vài quả đạn tên lửa? Và quan trọng nhất là giả thiết này có thể giúp giải đáp con số tên lửa bị ngăn chặn có quá nhiều sai lệch giữa Syria, Nga và Mỹ?
Đã từng có chiến lệ
Mỹ và đồng minh trong nhiều cuộc không kích trước đây nhằm vào Liên bang Nam Tư, Iraq, Lybia thường sử dụng đòn phủ đầu bằng tên lửa hành trình với mục tiêu đánh gục hệ thống phòng không đối phương.
Tuy nhiên, có thông tin nhiều bạn đọc không biết đó là trong những đợt không kích phủ đầu đó, không chỉ có tên lửa hành trình mang đầu đạn tấn công, mà còn có cả tên lửa chống ra-đa, đối kháng điện tử.
Nhiệm vụ của chúng là áp chế một phần hệ thống phòng không đối phương và bắt các trận địa phòng không vốn được giữ bí mật phải lộ diện để làm mục tiêu cho các đơn tấn công tên lửa hoặc máy bay ném bom, máy bay cường kích sau đó. Ở lĩnh vực này, Mỹ và đồng minh có thể coi là những bậc thầy chiến thuật.
Điều này kết hợp với những thông tin vừa xuất hiện mới đây về việc nhiều tên lửa Mỹ và đồng minh sử dụng trong đợt không kích 14-4 có nhiệm vụ gây nhiễu, đối kháng điện tử đã tạo ra góc nhìn hoàn toàn mới về kết quả cuộc không kích vốn đang gây nhiều tranh cãi này.
Ở Syria, khi hoạch định chiến lược không kích Syria, chắc chắn Mỹ và đồng minh đã phải tính tới mọi kịch bản, trong đó có việc hệ thống phòng không Syria được phía Nga hỗ trợ.
Chính vì thế, để đạt được thành công về mặt chiến lược là phá hủy các mục tiêu được xác định, ngoài việc sử dụng tên lửa "mới, đẹp và thông minh", liên quân có thể đã phải sử dụng số lượng lớn đạn tên lửa gây nhiễu, đối kháng điện tử phóng ngoài tầm phòng không để tung hỏa mù giúp các đạn tên lửa mang đầu đạn thật tới được mục tiêu đã định.
Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Barzah tan hoang sau cuộc tấn công.
Yếu tố giúp lý giải những sai lệch về con số tên lửa bị ngăn chặn
Bên cạnh những yếu tố về kỹ thuật và chiến thuật, những con số thực tế trên chiến trường dường như cũng giúp xác định việc nhiều tên lửa Mỹ và đồng minh sử dụng tại Syria…không có nhiệm vụ phá hủy mục tiêu.
Điển hình là trường hợp Trung tâm nghiên cứu và phát triển Barzeh tại ngoại vi Thủ đô Damascus, Syria. Để phá hủy cơ sở được cho là nghiên cứu và phát triển vũ khí hóa học này của Syria, liên quân đã sử dụng tới 76 đạn tên lửa, trong đó có 57 tên lửa Tomahawk.
Điều đáng ngạc nhiên là kết quả tấn công của 76 tên lửa Tomahawk sau vụ không kích chỉ tương xứng với vụ tấn công của 4-5 đạn tên lửa mang đầu đạn nặng 450kg.
Tại sao lại có điều kỳ lạ trên! Phải chăng trong số 76 tên lửa được liên quân sử dụng có rất nhiều tên lửa được trang bị mồi bẫy và thiết bị đối kháng điện tử với mục đích che mù hệ thống phòng không Syria để các tên lửa mang đầu đạn thật đánh trúng mục tiêu.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy các thiệt hại do tên lửa hành trình Mỹ và liên quân gây ra cho khu vực nghiên cứu vũ khí hóa học Syria trước (ảnh trên) và sau (ảnh dưới).
Việc Mỹ và đồng minh sử dụng nhiều tên lửa gây nhiễu và mồi bẫy cũng giúp giải thích con số sai khác trong số lượng tên lửa bị ngăn chặn trong vụ không kích đêm 14-4. Rất nhiều tên lửa được sử dụng đã biến mất, không tới mục tiêu vì đơn giản nhiệm vụ của chúng là làm mồi bẫy và gây nhiễu.
Về phía Syria và Nga, con số 20 và 71 đạn tên lửa tấn công bị ngăn chặn dựa trên những thông tin thực tế từ các lực lượng phòng không cung cấp. Vậy trong số tên lửa bị hạ, có bao nhiêu tên lửa có mang đầu đạn và bao nhiêu tên lửa chỉ là mồi bẫy thu hút sự chú ý của lực lượng phòng không?
Trong khi đó, Mỹ và đồng minh tuyên bố toàn bộ tên lửa điều trúng mục tiêu và hệ thống phòng không Syria không có phản ứng. Đây có thể là một tuyên bố hơi quá, nhưng rõ ràng Washington có cái lý của họ. Các mục tiêu nằm trong kế hoạch (theo tuyên bố chính thức) đều đã trúng tên lửa và bị phá hủy.
Phải chăng đối với Washington toàn bộ 105 tên lửa sử dụng trong đợt không kích 14-4 đều đã hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi các tên lửa mang đầu đạn đánh trúng mục tiêu, thì các tên lửa mang mồi bẫy và đối kháng điện tử đã thu hút hỏa lực, cũng như năng lực trinh sát của hệ thống phòng không Syria với sự hỗ trợ của Nga.
Nếu kịch bản trên được xác nhận thì, ai được, ai mất trên chiến trường Syria hiện vẫn khó có thể xác định!
Tên lửa phòng không Syria kích hoạt nhằm chống trả lại cuộc tấn công của liên quân do Mỹ dẫn đầu hôm 14/4
No comments:
Post a Comment