Sự cố kỹ thuật?
Theo nhật báo trực tuyến L'Opinion, Hải quân Pháp đã gặp phải những sự cố không lường trước trong sứ mệnh tham gia tấn không Syria cùng với Mỹ và Anh ngày 14/3 vừa qua.
L'Opinion dẫn thông tin từ các quan chức giấu tên cho biết, Quân đội Pháp đã có kế hoạch phóng nhiều hơn 3 quả tên lửa hành trình phiên bản hải quân MdCN vào các mục tiêu ở Syria nhưng đã không thể thực hiện vì một lỗi kỹ thuật nào đó.
Hải quân Pháp đã triển khai trước 3 khinh hạm FREMM, gồm FS Aquitaine, FS Auvergne và FS Languedoc trên vùng biển phía Đông Địa Trung Hải ngoài khơi bờ biển Israel.
Cả 3 tàu này lần đầu tiên được trang bị tên lửa MdCN và mỗi chiếc được vũ trang một bệ phóng thẳng đứng Sylver A70 có khả năng phóng 16 quả MdCN. Thế nhưng, vào thời điểm tấn công, chỉ có duy nhất tàu Languedoc là có thể phóng được tên lửa.
Ban đầu, tờ La Lettre A đưa tin "các sự cố chưa rõ nguyên nhân" đã khiến con tàu chỉ huy FS Aquitaine không thể phóng bất cứ quả MdCN nào, con tàu thứ hai FS Auvergne cũng như vậy. Cuối cùng, chỉ có tàu dự phòng thứ ba FS Languedoc là phóng được 3 quả tên lửa và tất cả đều trúng mục tiêu.
Một nguồn tin của tờ báo này ngày 17/4 cho biết, việc hai tàu đã không khai hỏa có thể là do lỗi lập trình hoặc rệp máy tính nhưng từ chối bình luận thêm chi tiết. Hãng chế tạo tên lửa MBDA, tập đoàn đóng tàu Naval Group và Hải quân Pháp đều không đưa ra lời giải thích nào thêm.
Cũng trong ngày 17/4, L'Opinion dẫn các nguồn tin hải quân nói rằng ban đầu Pháp có kế hoạch sử dụng 2 trong 3 khinh hạm, mỗi chiếc sẽ phóng một loạt "hơn 3 quả tên lửa". Tuy nhiên, chỉ có tàu FS Languedoc là có thể phóng đi 3 tên lửa sau khi con tàu chỉ huy FS Aquitaine đã không thể khai hỏa.
L'Opinion cho biết, tờ báo này không thể khẳng định hay phủ nhận thông tin trên báo Lettre A rằng con tàu thứ hai cũng đã "tịt ngòi". Theo kế hoạch ban đầu Pháp sẽ phóng tổng cộng 16 tên lửa nhưng thông tin này cũng không thể xác nhận.
Khinh hạm Aquitaine lớp FREMM của Hải quân Pháp
Sau khi một loạt kênh truyền thông đưa tin cho rằng các vấn đề kỹ thuật đã ngăn cản 2 trong số 3 khinh hạm FREMM của Hải quân Pháp đã không phóng được tên lửa, ngày 18/4 Đại tá Lục quân Patrick Steiger, phát ngôn viên của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Pháp trả lời trên trang Defense News rằng "loạt tên lửa thứ nhất đã không khai hỏa".
"Sử dụng tàu dự phòng phóng nằm trong kế hoạch B của Pháp", ông Patrick Steiger giải thích. "Tất cả các mục tiêu đã bị phá hủy. Hiệu quả quân sự đã đạt được. Điều đó đã khiến các chỉ huy quyết định không cần thiết phải dùng vũ khí hải quân tấn công lần hai".
Tuy vậy, ông Steiger cũng cho biết thêm, "hiện chưa rõ nguyên nhân nào đã gây ra vấn đề kỹ thuật nhưng việc không phóng tên lửa sẽ được điều tra".
Đây là lần đầu tiên Pháp đưa vào sử dụng thực chiến tên lửa MdCN, biến thể phóng từ tàu chiến của tên lửa hành trình phóng từ trên không SCALP do MBDA chế tạo.
Sự cố trên giải thích tại sao trước đó giới chức Pháp đã không công bố cụ thể con tàu nào đã phóng tên lửa và tại sao nước này triển khai 3 chiếc FREMM, được tháp tùng bởi một khinh hạm phòng không, một khinh hạm tác chiến ngầm và một tàu tầm tấn công nhanh, nhưng chỉ có một chiếc phóng tên lửa.
Sự "mất tích" khó hiểu của 1 quả tên lửa không quân
Trước sự vụ này cũng đã xuất hiện những nghi vấn liên quan tới một trong 10 quả tên lửa SCALP được các máy bay chiến đấu của Không quân Pháp mang theo tham chiến ở Syria.
5 máy bay Rafale cất cánh từ căn cứ không quân Saint Dizier tham gia vụ không kích ngày 13/4, mỗi chiếc mang theo 2 tên lửa SCALP.
Ngày 14/4, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, 9 quả SCALP đã bắn trúng các mục tiêu nhưng đoạn video công bố trên tài khoản Twitter của bà hôm đó lại cho thấy không còn chiếc Rafale nào mang theo tên lửa khi chúng quay trở về căn cứ.
Cũng chưa rõ liệu quả SCALP thứ 10 đã phóng chệch mục tiêu, bị bắn hạ hay đã "tịt ngòi" sau khi phóng.
Cả người phát ngôn quân đội Pháp và lực lượng không quân nước này đều từ chối bình luận về việc tại sao Không quân Pháp đã không phóng quả tên lửa SCALP thứ 10.
Máy bay chiến đấu Pháp xuất kích tấn công Syria
No comments:
Post a Comment