Vào cuối tháng 4/1975, sau những thất bại liên tiếp ở Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng, đồng bằng Khu 5 và phòng tuyến Phan Rang - Xuân Lộc, tình thế trên chiến trường của Việt Nam Cộng hoà (VNCH) xấu đi nghiêm trọng. Trên chính trường Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức trong ấm ức, tinh thần từ giới cầm quyền cho đến binh sĩ hoang mang tột độ.
Trong khi đó, các binh đoàn chủ lực của Quân giải phóng đã đến vị trí tập kết chiến dịch, hình thành 5 cánh quân ép chặt Sài Gòn. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh đã sẵn sàng chờ giờ nổ súng.
Các mục tiêu chủ yếu cần đánh chiếm do Bộ Tư lệnh chiến dịch xác định là: Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH, Bộ Tư lệnh Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, sân bay Tân Sơn Nhất và Dinh Độc Lập. Đó là những mục tiêu mà khi đánh chiếm được sẽ nhanh chóng làm tan rã sự kháng cự của đối phương.
Ngành Kỹ thuật quân đội đã tập trung bảo đảm kỹ thuật cho hàng chục ngàn xe cơ giới phục vụ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975. Ảnh: Tư liệu.
Những hy vọng mong manh
Trong thế trận "không còn gì để mất", Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH khẩn trương tái phối trí lực lượng hòng cố thủ Sài Gòn để hy vọng vào một giải pháp chính trị nào đó. Hệ thống phòng thủ Sài Gòn được phân thành 2 tuyến:
Tuyến phòng thủ vòng ngoài: Bố trí cách trung tâm Sài Gòn 30-50 km. Lực lượng bao gồm 4 sư đoàn bộ binh (BB) và một số đơn vị quân binh chủng. Cụ thể:
Sư đoàn 22 BB (mới tái lập) ở Long An, Bến Lức, ngã ba Trung Lương, sở chỉ huy đặt tại Long An;
Sư đoàn 25 BB giữ Đồng Dù, Trảng Bàng, Củ Chi, Hậu Nghĩa, sở chỉ huy đặt tại căn cứ Đồng Dù;
Sư đoàn 5 BB giữ Lai Khê, Bến Cát, Bình Dương, sở chỉ huy đặt tại Lai Khê;
Sư đoàn 18 BB (chỉ còn 2 chiến đoàn) giữ Bàu Cá, Trảng Bom, Suối Đĩa;
Sư đoàn Thủy quân lục chiến (chỉ còn 2 lữ đoàn) giữ Long Bình;
Sư đoàn 5 Không quân đóng tại Tân Sơn Nhất;
Lữ đoàn 3 Thiết giáp giữ Biên Hoà;
Lữ đoàn 1 Dù giữ Bà Rịa - Vũng Tàu;
Tuyến phòng thủ bên trong bao gồm: Ba Liên đoàn Biệt động quân triển khai tại Bình Chánh, Hóc Môn, Bình Triệu. Bốn Khu chiến Đông, Tây, Nam, Bắc do các Liên đoàn Biệt động quân, Bảo an, Phòng vệ dân sự trấn giữ.
Mũi thọc sâu cơ giới đánh điếm Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975. Ảnh: Tư liệu.
Năm Liên khu phòng thủ nội đô gồm: Liên khu 1 (các quận 1, 3), Liên khu 2 (các quận 5, 6), Liên khu 3 (các quận 2, 4), Liên khu 4 (các quận 7, 8), Liên khu 5 (các quận 10 và 11).
Các ổ đề kháng cũng được tổ chức tại Bộ Tư lệnh biệt khu thủ đô, Bộ Tổng tham mưu (do Liên đoàn biệt kích dù 81 phòng thủ), Tổng nha Cảnh sát, Căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Bản thân Dinh Độc Lập cũng được bố trí làm một trung tâm đề kháng với một lữ đoàn cảnh vệ quốc gia có xe tăng và xe bọc thép tăng cường.
Ngoài ra, tại Quân khu 4 lực lượng Quân đoàn 4 do Thiếu tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư lệnh còn gần như nguyên vẹn. Trước đó, theo lệnh của Bộ Tổng tham mưu Quân lực VNCH, tướng Nguyễn Khoa Nam đã hoàn chỉnh kế hoạch lập "mật khu" để giữ đồng bằng sông Cửu Long làm căn cứ tiếp tục chống cự nếu Sài Gòn thất thủ.
Tướng Nam hy vọng với ba sư đoàn bộ binh 7, 9, 21 còn tương đối nguyên vẹn trong tay, gần nửa triệu địa phương quân và phòng vệ dân sự, cộng với các lực lượng còn sống sót rút từ các quân khu đã thất thủ về có thể lập được vành đai Alpha xung quanh thành phố Cần Thơ, trung tâm chỉ huy của Quân đoàn.
Trong trường hợp không giữ được Cần Thơ, tướng Nam còn có phương án dựa vào tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia với dãy núi Thất Sơn và các vùng có đông tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, có hàng trăm hang động hiểm trở để cầm cự lâu dài và chờ thời cơ phản công.
Trong tháng 4 năm 1975, một số công trình kiên cố dự định sử dụng cho Bộ tổng tham mưu Quân lực VNCH rút về đây đã được xây dựng.
Với lực lượng và cách bố phòng như trên, các tướng lĩnh cũng như giới lãnh đạo chóp bu của VNCH hy vọng sẽ cầm chân QGP được đến mùa mưa và có thể sẽ có một giải pháp chính trị nào đó có lợi với họ.
Tuy nhiên, mọi sự đã không xả ra như ý muốn.
Mũi thọc sâu cơ giới đánh điếm Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975. Ảnh: Tư liệu.
Vỏ quýt dày có móng tay nhọn
Trước tình hình như trên, Bộ Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã xác định cách đánh:
"Dùng một phần lực lượng thích hợp trên từng hướng, đủ sức hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tạn rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch phòng ngự vòng ngoài.
Đồng thời dùng đại bộ phận lực lượng của ta nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt ở vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích cơ giới mạnh đã được tổ chức chặt chẽ, tiến nhanh theo các trục đường lớn đánh thẳng vào 5 mục tiêu đã được lựa chọn trong nội thành".
Nhiệm vụ cụ thể của các hướng như sau:
Hướng Tây Bắc: Do Quân đoàn 3 đảm nhiệm có nhiệm vụ đánh chiếm Đồng Dù, tiêu diệt Sư đoàn 25BB, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và cùng Quân đoàn 1 đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu.
Hướng Bắc và Đông Bắc: Do Quân đoàn 1 đảm nhiệm, có nhiệm vụ đánh chiếm Phú Lợi, tieu diệt Sư đoàn 5BB, tiếp đó đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu và khu Bộ Tư lệnh các binh chủng.
Hướng Tây và Tây Nam: Do Đoàn 232 đảm nhiệm, có nhiệm vụ tiêu diệt Sư đoàn 25BB, cắt đường số 4, đánh chiếm Biệt khu Thủ đô và Tổng nha cảnh sát.
Hướng Đông: Do Quân đoàn 4 đảm nhiệm, có nhiệm vụ tiêu diệt sở chỉ huy Quân đoàn 3, Sư đoàn 18BB ở Biên Hòa, sau đó đánh chiếm dinh Độc Lập.
Hướng Đông Nam: Do Quân đoàn 2 đảm nhiệm, có nhiệm vụ đánh chiếm Bà Rịa- Vũng Tàu, căn cứ Nước Trong, Nhơn Trạch, sau đó phát triển vào nội thành cùng Quân đoàn 4 đánh chiếm dinh Độc Lập.
Căn cứ vào tình hình địch và quán triệt cách đánh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, các quân đoàn đều sử dụng một lực lượng thích hợp để đột phá tuyến phòng thủ vòng ngoài. Đồng thời tổ chức một lực lượng thọc sâu bằng cơ giới mạnh để sẵn sàng cơ động đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong nội thành.
Trên hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 sử dụng Sư đoàn 10 và một số đơn vị binh chủng làm mũi thọc sâu.
Trên hướng Bắc, Quân đoàn 1 sử dụng Sư đoàn 320 và một số đơn vị binh chủng làm lực lượng thọc sâu.
Trên hướng Tây Nam, Đoàn 232 sử dụng Sư đoàn 9 và một số đơn vị binh chủng làm lực lượng thọc sâu.
Trên hướng Đông, Quân đoàn 4 sử dụng Sư đoàn 7 và một số đơn vị binh chủng làm lực lượng thọc sâu.
Riêng Quân đoàn 2 thành lập binh đoàn thọc sâu gồm Lữ đoàn xe tăng 203 (thiếu dT2), Trung đoàn BB 66 và một số đơn vị binh chủng đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh quân đoàn.
Với cách đánh thích hợp, chỉ sau gần 5 ngày chiến đấu, các hướng tiến công đều hoàn thành nhiệm vụ, các mục tiêu chủ yếu đều bị đánh chiếm trong thời gian nhanh nhất. Đến 10 giờ 45 ngày 30.4.1975, lá cờ chiến thắng đã được cắm trên nóc Dinh Độc Lập.
12 giờ 30 cùng ngày, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Tướng Nguyễn Khoa Nam tự sát, Quân đoàn 4 VNCH không cần đánh cũng tan rã.
Xe tăng số hiệu 849 tham gia lễ duyệt binh mừng chiến thắng. Ảnh: Tư liệu.
Trong thành công đó của chiến dịch, không thể không nói đến một nét sáng tạo của nghệ thuật tác chiến chiến dịch. Đó là: Thành lập các mũi thọc sâu bằng cơ giới, nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu trong nội đô.
Thực ra, thọc sâu là một thủ đoạn tác chiến không quá xa lạ đối với QGP nói riêng và Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, trong các chiến dịch trước đây, nó thường chỉ được sử dụng ở quy mô nhỏ trên một không gian hạn chế và thường là các mũi bộ binh hoặc đặc công.
Còn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, nó đã được nâng lên một tầm cao mới cả về quy mô, về phương tiện cũng như không gian tác chiến.
Về quy mô, hầu hết các hướng tiến công đều sử dụng đến cấp sư đoàn bộ binh. Riêng hướng Quân đoàn 2, sử dụng cả lữ đoàn TTG làm chủ lực.
Về phương tiện sử dụng, tất cả đều cơ động bằng cơ giới với xe tăng thiết giáp đi đầu. Cách đánh này đã phát huy được tác dụng khi chiều sâu tác chiến lên đến vài chục km, lực lượng phòng thủ của địch thì nhiều tầng, nhiều lớp.
Những thành công đó tiếp tục là bài học kinh nghiệm quý báu cho công cuộc xây dựng quân đội vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam hôm nay.
No comments:
Post a Comment