Người tinh ý một chút sẽ đặt câu hỏi: Tại sao đại đội phó lại đi nạp đạn- một vị trí không đòi hỏi gì nhiều về trình độ chuyên môn kỹ thuật, thường do các binh nhất, binh nhì đảm nhiệm? Thực sự đó là một câu hỏi có lý!
Đại đội phó kỹ thuật- Anh là ai?
Trong biên chế của binh chủng Tăng Thiết giáp Quân đội nhân dân Việt Nam, có một chức danh hơi khác đối với các đơn vị bộ binh- chức danh cấp phó kỹ thuật. Đó là thành viên trong ban chỉ huy đơn vị, có nhiệm vụ giúp cấp trưởng giải quyết mọi vấn đề liên quan đến công tác kỹ thuật trong phạm vi đơn vị.
Tuy nhiên, chức danh này chỉ có từ cấp đại đội trở lên. Ở cấp đại đội được gọi là Đại đội phó kỹ thuật, ngày nay gọi là Phó đại đội trưởng về kỹ thuật.
Trong điều kiện hiện tại, các cán bộ kỹ thuật cấp đại đội thường được đào tạo tại hệ kỹ thuật của Trường sĩ quan Tăng Thiết giáp (trước đây gọi là Trường sĩ quan Chỉ huy- Kỹ thuật Tăng) hoặc từ sĩ quan hệ chỉ huy chuyển loại qua. Còn trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thường thường các cán bộ kỹ thuật cấp đại đội trưởng thành từ lái xe lên.
Thông thường, trong số lái xe của mỗi đơn vị người ta sẽ chọn lấy một người có tay lái khá nhất, có kinh nghiệm sử dụng, bảo quản, sửa chữa xe... để giao nhiệm vụ làm kỹ thuật viên. Sau một thời gian, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ này sẽ được đưa đi bồi dưỡng một lớp ngắn hạn rồi sau đó bổ nhiệm Đại đội phó kỹ thuật.
Khi đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện- sẵn sàng chiến đấu thì đại đội phó kỹ thuật có trách nhiệm tổ chức tốt công tác bảo đảm kỹ thuật cho nhiệm vụ của đơn vị, đồng thời chịu trách nhiệm chính về hệ số sẵn sàng chiến đấu của toàn bộ số trang bị trong biên chế của đại đội mình.
Là giáo viên phụ trách các khoa mục huấn luyện kỹ thuật của đơn vị, đặc biệt là huấn luyện nâng cao trình độ cho đội ngũ lái xe.
Xe tăng 390 chuẩn bị hành quân thần tốc vào Nam chiến đấu.
Khi hành quân chiến đấu, đại đội phó kỹ thuật là người giúp đại đội trưởng lập kế hoạch hành quân phù hợp với tình hình đường sá và khả năng của xe máy, lái xe, tính toán số lượng khí tài dự bị cần thiết phải đem theo, các cung chặng phải bổ sung nhiên liệu, dầu mỡ và bảo dưỡng các cấp v.v...
Trong quá trình hành quân thường đi cuối đội hình cùng với tổ thợ kịp thời khắc phục mọi hỏng hóc trong khả năng của mình.
Còn trong chiến đấu, vị trí của đại đội phó kỹ thuật là ở Đài quan sát kỹ thuật. Các thành phần giúp việc gồm có kỹ thuật viên, thợ sửa chữa và các thành viên dự bị. Có trường hợp được trang bị xe dắt (BTS).
Đài quan sát kỹ thuật thường đặt sau đội hình chiến đấu, ở khoảng cách có thể quan sát được tình hình chiến đấu và thường xuyên cơ động theo đội hình với nhiệm vụ kịp thời cứu kéo, cứu hộ, và sửa chữa các hỏng hóc của trang bị... xảy ra trong quá trình chiến đấu.
Thiếu úy Lê Văn Phượng nhập ngũ năm 1965. Sau khi vào binh chủng anh được cử đi học lái xe tăng. Về đơn vị công tác một thời gian anh được đi đào tạo lái xe cấp 2 và được giao nhiệm vụ làm kỹ thuật viên đại đội rồi làm trợ lý kỹ thuật tiểu đoàn. Từ năm 1973 anh được bổ nhiệm làm Đại đội phó kỹ thuật của Đại đội 4 xe tăng.
Trong cuộc hành quân "Thần tốc" dọc miền duyên hải, Lê Văn Phượng thường đi cùng xe 380 là xe đi cuối đội hình.
Anh đã chỉ dạo khắc phục hầu hết các hư hỏng nhỏ trong đại đội và góp công lớn trong việc đưa đủ 100% xe của đơn vị đến vị trí tập kết (xe 386 sau đó mới hỏng). Và mặc dù là cán bộ đại đội song trên đường hành quân thỉnh thoảng anh vẫn xuống lái đỡ lái xe khi anh em mệt.
Lê Văn Phượng - thành viên đặc biệt của kíp xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975. Ảnh: Nguyễn Khắc Nguyệt.
Sự lựa chọn của lịch sử?
Chiến dịch Hồ Chí Minh trên cánh đông đã tiến hành được 3 ngày song hướng chủ yếu của quân đoàn 2 vẫn bị đối phương cầm chân ở căn cứ Nước Trong. Đại đội XT 5 phối thuộc cho Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 đã chiến đấu liên tục 3 ngày song vẫn chưa chọc thủng được cái chốt chặn nguy hiểm này và đã bị tổn thất khá nhiều- kể cả khi được chi viện 1 xe của Đại đội XT 4.
Không thể chờ đợi lâu hơn, ngày 29.4.1975 Lữ đoàn xe tăng 203 quyết định tung Đại đội XT 4 vào nhằm tạo ra bước đột phá mới để mở đường tiến quân cho quân đoàn nhanh chóng tiến về Sài Gòn. Nhiệm vụ của đại đội là chọc thủng tuyến phòng ngự vòng ngoài của địch tại căn cứ Nước Trong và nhanh chóng phát triển ra đường 15.
Tính chất của trận đánh này là tiến công địch phòng ngự trong công sự nhưng lại có một chút dáng dấp hành tiến tiến công. Vì vậy, cả đại đội phó kỹ thuật cùng các thành viên tổ kỹ thuật đều đi theo các xe để phụ giúp cho nạp đạn.
Đây là một công việc hết sức nặng nhọc nên có thêm người giúp sẽ đỡ vất vả. Ngoài ra, khi có thêm một người nạp đạn thì chiến sĩ nạp đạn sẽ có thể sử dụng khẩu trọng liên 12, 7 mm để diệt địch.
Sau khi xe 380 bị thương trong trận đánh trước, đại đội phó kỹ thuật Lê Văn Phượng chuyển sang đi cùng xe tăng 390. Thành viên của xe này gồm có: Trung úy Vũ Đăng Toàn, chính trị viên đại đội kiêm trưởng xe; Nguyễn Văn Tập- lái xe; Ngô Sĩ Nguyên- pháo thủ và Đỗ Cao Trường- pháo thủ số hai (nạp đạn).
Xe tăng 390 trong đội hình QGP đánh chiếm dinh Độc Lập trưa 30.04.1975. Ảnh tư liệu.
Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt. Quân địch lợi dụng các công sự kiên cố và địa hình có lợi ngăn chặn quyết liệt.
Để tăng cường sức mạnh hỏa lực, pháo thủ số hai Đỗ Cao Trường nhô người ra ngoài tháp pháo bắn 12, 7 mm. Công việc nạp đạn trong xe do đại đội phó Lê Văn Phượng đảm nhiệm. Những loạt đạn trọng liên thẳng căng đã làm tăng đáng kể hỏa lực của xe tăng.
Bỗng một quả đạn pháo nổ gần. Vài mảnh đạn văng lên chém vào hông và chân của Trường. Tuy vậy, anh vẫn kiên cường chiến đấu cho đến lúc trận đánh kết thúc thắng lợi mới chịu đi viện. Kể từ đó trở đi, vị trí pháo thủ số hai- nạp đạn của xe tăng 390 do thiếu úy Lê Văn Phượng, Đại đội phó kỹ thuật đảm nhiệm.
Đó chính là câu trả lời cho câu hỏi đã đặt ra ở trên. Còn tại sao lại như vậy thì có lẽ là do sự lựa chọn của lịch sử!
No comments:
Post a Comment