Mỹ nói 100% tên lửa trúng đích, không có quả nào bị đánh chặn còn Nga-Syria tuyên bố đã dùng các loại tên lửa phòng không đời cũ bắn hạ tới 70% tên lửa của liên quân và thậm chí còn thu được ít nhất 2 quả gần như còn nguyên vẹn để "tặng" cho Nga. Mặc dù như thế thì vẫn có hàng chục quả tên lửa hành trình (TLHT) trúng đích.
Vậy làm thế nào để có thể chặn được các loại TLHT với hiệu quả cao nhất? Các loại vũ khí thông thường có thể hạ được Tomahawk hay không?... Đây là những vấn đề đang làm đau đầu giới quân sự các nước!
Vũ khí tối tân đã được đối phó như thế nào
Trong lịch sử chiến tranh, đa số các quốc gia trên thế giới thường chỉ sử dụng quân đội chính quy trong các hoạt động quân sự chứ rất ít huy động các lực lượng vũ trang khác như dân quân, tự vệ (DQTV) hoặc thậm chí không tổ chức các lực lượng này.
Khi phải đối đầu với những đội quân xâm lược lớn hơn, lại được trang bị nhiều vũ khí tối tân trong 30 năm kháng chiến trường kỳ của đất nước, toàn thể dân tộc Việt Nam đã tạo ra một cuộc chiến tranh nhân dân vô tiền khoáng hậu và chứng minh chân lý mà các nhà lý luận quân sự đã từng nêu ra: có thể đánh thắng một quân đội nhưng không thể đánh thắng một dân tộc!
Đây là nghệ thuật quân sự độc đáo của Việt Nam mà không có nhiều nước trên thế giới thực hiện được, trong đó lực lượng DQTV với vũ khí thông thường đóng vai trò rất quan trọng cả trong việc đối phó với các loại vũ khí tối tân mà quân đội chính quy cũng khó hóa giải được trên chiến trường…
Dân quân Trần Văn Ong, xã Đức Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình đã bắn hạ một máy bay F4H (Ảnh: Chu Chí Thành)
Trong Kháng chiến chống Mỹ, đứng trước hàng ngàn máy bay phản lực hiện đại nhất lúc bấy giờ của Không quân Mỹ, trong tay các chiến sỹ Việt Nam chỉ có các loại vũ khí thông thường như súng trường, súng máy, còn với pháo cao xạ loại nhỏ và vừa, chủ yếu cỡ 37mm và 57 mm cùng duy nhất 1 loại tên lửa phòng không S-75 (SAM-2) do Liên Xô viện trợ.
Nhưng mọi chiến sĩ và người dân VN đều ghi sâu lời kêu gọi của Bác Hồ từ ngày đầu Kháng chiến: "Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm…" để chống quân xâm lược, bảo vệ tổ quốc.
Vượt qua bao gian nan và máu lửa, Việt Nam đã lập được chiến công lẫy lừng khi lấy ít địch nhiều, dùng thô sơ thắng hiện đại.
Lúc đầu ta chỉ có một số vũ khí thu được của Pháp với rất ít đạn dược (mỗi khẩu súng chỉ vài viên đạn), sau đó mới được viện trợ các vũ khí thông thường như súng trường K-44, tiểu liên K-50 (với đầy đủ đạn dược)… của Liên Xô dùng trong Thế chiến 2 và cuối cùng, hiện đại nhất là súng trường CKC và tiểu liên AK mà tới nay ta vẫn đang sử dụng cũng như tự sản xuất được.
Đối phó với chiến tranh phá hoại ác liệt của KQ Mỹ ở miền Bắc VN, ngoài các đơn vị PK-KQ chủ lực còn có lực lượng DQTV hàng triệu người (cả các cô gái và cụ già).
Theo thống kê, kực lượng này được trang bị 280.962 súng bộ binh các loại và 6.224 khẩu từ đại liên trở lên với hàng ngàn tổ, đội bắn máy bay (cỡ trung đội trở xuống) trên khắp các địa phương, tạo nên mạng lưới phòng không nhân dân rộng lớn đánh trả tất cả các loại máy bay địch ở tầm thấp.
Theo các số liệu tổng kết chiến đấu của Việt Nam, chỉ với các loại súng bộ binh thông thường, riêng lực lượng DQTV miền Bắc đã bắn rơi 424 máy bay Mỹ các loại (chiếm 10,14% tổng số máy bay bị hạ) và đặc biệt có "9 trường hợp thần kỳ", tức là 9 lần chỉ sử dụng 1 đến 12 viên đạn súng trường hạ được các máy bay phản lực Mỹ tối tân như A-4, A-6, F-4, F-105...
Chiếc máy bay Mỹ cuối cùng bị dân quân Quảng Bình dùng súng bộ binh bắn rơi lúc 13h30 ngày 17/1/1973 ở miền Bắc là 1 chiếc không người lái (UAV) bay thấp.
Xin nhắc lại kinh nghiệm chiến đấu của quân và dân ta với các loại UAV của Mỹ hơn nửa thế kỷ trước đây (1965-1973). Loại UAV như BQM-34 có thể bay cao tới 20 km và bay thấp tới 100-200m, với nhiều kiểu cải tiến đều có kích thước và mặt phản xạ radar nhỏ hơn máy bay có người lái: thân dài chỉ 7- 9,1m, nặng từ 1.134-1.527 kg.
19 tuổi, Nguyễn Thị Hiền là tiểu đội trưởng dân quân Yên Vực, huyện Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa. Cô đã trải qua 800 đợt rải bom và bị bom B52 chôn sống 4 lần, năm 1966 (Ảnh: Mai Nam)
Các UAV này có tốc độ tới 1.200 km/h (300 m/s) và tầm bay 1.430 km, tức là các tính năng tương tự như tên lửa Tomahawk (dài 6,25 m, nặng 1.400 kg, có tốc độ 885 km/h, tức là 240 m/s và độ cao bay 30-150 m). UAV được phóng từ máy bay vận tải quân sự C-130 bay ngoài vùng hỏa lực phòng không và đã thực hiện hơn 3.400 phi vụ ở miền Bắc VN.
Nhưng tất cả các loại UAV dù bay cao hay bay thấp đều bị VN bắn rơi. Đặc biệt, ngày 4/3/1966 Mỹ sử dụng đồng thời 3 chiếc BQM-34 từ ba hướng bay vào trinh sát Hà Nội đã bị bộ đội phòng không ta xuất sắc bắn rơi cả 3.
Các kiểu UAV cải tiến 147-J, S, SC, NC… bay ở độ cao thấp (dưới 500m) với tốc độ 250m/s, rồi từ năm 1968, loại 147-SRE còn có thể bay đêm và trong thời tiết xấu, gây khó khăn hơn cho lực lượng phòng không miền Bắc.
Nhưng "vỏ quýt dày có móng tay nhọn", ta đã nhanh chóng tìm ra biện pháp đối phó: theo dõi kỹ quy luật hoạt động của C-130, từ đó phát hiện chính xác thời điểm phóng UAV đồng thời triển khai mạng quan sát mắt khắp nơi để báo động kịp thời cho các đơn vị trực chiến.
Theo chính số liệu của Lầu Năm Góc, Mỹ đã bị mất tới 350 UAV trong khi đánh phá miền Bắc VN, còn trong toàn cuộc chiến VN là 8.728 máy bay các loại (có 5.134 trực thăng) cùng hàng ngàn phi công so với 3.314 chiếc ở Triều Tiên nhưng đặc biệt ở chỗ ở VN đều là các loại máy bay hiện đại hơn và đắt tiền hơn.
Vẫn có thể lặp lại kỳ tích?
Đến nay, trong trang bị của chúng ta vẫn còn các loại vũ khí thông thường kể trên với số lượng lớn, đặc biệt là tiểu liên AK với cỡ nòng 7,62 mm uy lực và tốc độ bắn nhanh, dễ thao tác và tin cậy…
Đây vẫn là vũ khí lợi hại khi đối phó với các loại phương tiện bay ở độ cao thấp như máy bay, trực thăng và tên lửa hành trình (Tomahawk và nhiều loại khác).
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình tấn công Syria. Ảnh minh họa.
Vậy, 1 tổ chiến đấu "tam tam" với 3 khẩu AK liệu có thể hạ được Tomahawk như cha anh chúng ta đã bắn rơi Thần sấm, Con ma hay các máy bay không người lái nửa thế kỷ trước hay không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể được!
Trước hết, đây là 1 nhóm chiến đấu gọn nhẹ, cơ động nhanh và có hỏa lực khá mạnh (3 khẩu AK) so với "9 trường hợp thần kỳ" có 1 người đến 1 tiểu đội chỉ trang bị súng trường bắn phát một (K-44 hoặc CKC).
Nhóm này dễ dàng bố trí trên nóc các nhà cao tầng hoặc các điểm cao khác (đỉnh đồi nhỏ, đê ven sông…) dọc theo đường bay dự kiến của Tomahawk để phục kích, đón lõng.
Với tầm bắn hiệu quả chừng 400 m và tốc độ bắn 600 viên/ phút, tức là 10 viên/s thì 3 khẩu AK có thể tạo ra hoả lực 30 viên/s và hoàn toàn có thể hạ gục bất cứ loại tên lửa hành trình nào chứ không riêng loại Tomahawk của Mỹ.
Dùng lực lượng lớn hơn có thể tạo ra mật độ hỏa lực dày đặc hơn nhưng sẽ gặp khó khăn khi phải cơ động và duy trì trực chiến lâu dài (suốt cả đêm hay nhiều đêm liên tục, ở nhiều hướng và nhiều trận địa khác nhau…).
Tháng 6/1972, các dân quân du kích rà soát tại khu vực một máy bay Mỹ bị bắn rơi bằng vũ khí hạng nhẹ tại ngoại thành Hà Nội. Viên phi công đã bay sát ngọn cây để né tránh radar, nhưng các máy bay hoạt động ở độ cao đó dễ dàng trở thành mục tiêu của các loại vũ khí nhẹ.
Bên cạnh đó, tên lửa Tomahawk không phải là loại mục tiêu khó hơn so với các loại mục tiêu trước kia.
Xét cả về tốc độ bay dưới âm (khoảng 240 m/s) và độ cao hoạt động thấp (30 đến dưới 300m) cũng như không có khả năng cơ động lắt léo như máy bay phản lực có người lái (loại A-6, F-4, F-105, F-111…)., Tomahawk chỉ tương đương với các loại máy bay không người lái như BQM-34, 147-J… đều đã từng bị bắn hạ ở VN bằng các loại vũ khí thông thường.
Sẽ có rất nhiều khó khăn khi đối phó với Tomahawk và các loại tên lửa hành trình nói chung trong chiến tranh hiện đại vì chúng ta luôn không có nhiều vũ khí, trang bị phòng không tiên tiến. Khó khăn nhất ở đây là chúng ta có rất ít khí tài đánh đêm, không thể trang bị rộng rãi cho các lực lượng phòng không.
Nhưng trước đây chúng ta đã gặp và có cách giải quyết khó khăn này khi phải chiến đấu ban đêm với UAV và máy bay có người lái của KQ Mỹ ở tầm thấp bằng việc:
"Tổ chức mạng quan sát mắt rộng khắp, bổ trợ cho hệ thống radar cảnh giới ở các hướng để kịp thời phát hiện mục tiêu từ xa và lưới lửa DQTV dày đặc trên mọi địa hình để đánh chặn các mục tiêu bay vào vùng hỏa lực của các loại vũ khí thông thường…"
Mặc dù không đơn giản nhưng việc đối phó với các loại vũ khí tối tân là hoàn toàn khả thi cả về lý thuyết và thực tiễn. Hơn thế nữa, Việt Nam lại có nhiều kinh nghiệm chiến đấu và kho vũ khí thông thường đủ trang bị cho các chiến sĩ bộ đội và DQTV đầy tinh thần quả cảm và luôn sẵn sàng đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ tổ quốc.
Lính Syria vừa nghe nhạc vừa đánh chặn tên lửa Mỹ.
No comments:
Post a Comment