Vậy việc trang bị những tổ hợp S-300 cho Syria có làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực cũng như đe dọa như thế nào đến lực lượng không quân Israel?
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói: Vụ tiến công của người Mỹ vào Syria đã loại bỏ "nghĩa vụ đạo đức" của chúng tôi đối với "các đối tác phương Tây". Do vậy, Nga đang cân nhắc để cung cấp các tổ hợp phòng không hiện đại S-300 cho Syria, sau gần 10 năm hợp đồng này bị đóng băng vì sức ép của Israel.
S-300: Thông điệp với Mỹ và Israel?
Nhưng nếu Nga chuyển giao S-300 cho Syria sẽ tạo thành tiền lệ nguy hiểm, vì nó đe dọa cán cân quân sự của khu vực. Tuyên bố cung cấp S-300 cho Syria không chỉ là mối đe dọa với những cuộc tiến công của Mỹ và liên quân trong tương lai, mà cả với những lực lượng không quân Israel.
Trong những năm qua, lợi dụng sự bất ổn do cuộc nội chiến tại Syria, lấy cớ tiêu diệt những mối đe dọa tiềm ẩn "từ trong trứng nước", không quân Israel đã thường xuyên ra, vào không phận Syria để đánh phá các lực lượng Iran và Hezbollah đang tham chiến cùng quân đội chính phủ Syria.
Lý do là Israel lo ngại Iran và Hezbollah sẽ biến Syria thành hành lang vận chuyển vũ khí và căn cứ địa tổ chức các cuộc tiến công vào lãnh thổ Israel.
Tổ hợp tên lửa S-300 do Nga chế tạo. Ảnh minh họa.
Trong những cuộc tiến công như vào chỗ không người đó, duy nhất có một lần vào tháng 2 vừa qua, một chiếc F-16D của không quân Israel mới bị lực lượng phòng không Syria bắn rơi, 2 phi công đã kịp nhảy dù thoát nạn. Điều này đã gây căng thẳng trong khu vực.
Do vậy tuyên bố của Nga về cung cấp S-300 cho Syria có thể được hiểu là thông điệp chính trị và quân sự, không chỉ với Mỹ, mà còn cả với Israel.
Triển vọng về sự xuất hiện của S-300 tại Syria đã khiến Israel bất an, sự kiện này có thể sẽ phá hủy mối quan hệ "mỏng manh" giữa hai nước và các kênh giao tiếp cởi mở với nhau, tờ Bloomberg vội vã viết: bây giờ Israel muốn "tự do cơ động" trên bầu trời Syria phải nhờ vào "sự thỏa thuận cho phép của từ Moscow"?
Trong những năm gần đây, không quân Israel thường xuyên xuất kích từ không phận Lebanon, sử dụng các loại vũ khí tiến công chính xác tầm xa, do vậy các hệ thống phòng không kiểu cũ của Syria đành bất lực.
Nếu tên lửa S-300 được trang bị cho quân đội Syria, sẽ làm giảm khả năng tiến công bằng không quân của Israel với những mục tiêu nằm sâu trong lãnh thổ Syria. Đây là quan điểm của Đại tá Viktor Murakhovski, chuyên gia của lực lượng phòng không Nga.
Đồng quan điểm với Murakhovski, Jeremy Binni, biên tập viên khu vực Trung Đông và châu Phi của tạp chí Jane's Defense Weekly nói: trong quá khứ, Syria đã được trang bị một số hệ thống phòng không tầm ngắn và tầm trung tương đối tốt; nếu có thêm S-300, họ sẽ tạo ra một mạng lưới phòng không hoàn chỉnh trên toàn quốc.
Về vấn đề này, một số chuyên gia Israel xem xét lựa chọn duy nhất đó là có "một nỗ lực ngay lập tức để tiêu diệt những hệ thống phòng không mới này" bằng vũ khí chính xác tầm xa, được mang phóng bởi những máy bay tàng hình F-35I mà Israel mới được trang bị và khả năng tác chiến điện tử vượt trội của người Israel.
Máy bay tàng hình F-35I của Israel. Ảnh minh họa.
Liệu có xảy ra đụng độ quân sự Nga - Israel
Giới truyền thông quốc tế đã đưa ra nhiều dự đoán sau tuyên bố của Ngoại trưởng Nga; có xảy ra cuộc đụng độ giữa quân đội Nga tại Syria và quân đội Israel hay không? Nhưng có thể chắc chắn một điều là những hệ thống S-300 chỉ bị phá hủy khi những hệ thống này nằm trong tay người Syria.
Cựu giám đốc cơ quan tình báo Nativ của Israel, Yakov Kedmi đã đặt câu hỏi về sự suy thoái của các mối quan hệ:
"Rõ ràng Israel không hài lòng, nếu quân đội Syria nhận được nhiều hệ thống vũ khí phòng không hiện đại. Nhưng tôi nghĩ rằng, điều này không gây ra sự rạn nứt sâu các mối quan hệ; suy cho cùng, lợi ích trong các mối quan hệ quốc tế không phải lúc nào cũng phải làm vừa lòng các quốc gia khác".
Ông Kedmi cũng lấy ví dụ về việc Mỹ cung cấp các loại máy bay chiến đấu hiện đại F-16 và xe tăng M1 Abrams cho Ai Cập; máy bay chiến đấu hạng nặng tầm xa F-15 và máy bay cảnh báo sớm cho Arab Saudi?
Israel không thích điều đó và tất nhiên là Israel phản đối. Tuy nhiên người Mỹ cũng bù lại cho chúng tôi bằng thứ khác, và với Nga chúng tôi cũng có những mối quan hệ thân thiện.
Kedmi cũng nhấn mạnh rằng sự xuất hiện của S-300 từ Syria là không ảnh hưởng đến cán cân quyền lực, bởi vì hiện tại "Syria ở một trạng thái khá yếu".
"S-300 có thể gây một chút phức tạp, nhưng sẽ không ngăn cản hành động của các máy bay của Israel thực hiện nhiệm vụ trên bầu trời Syria. Nhưng S-300 không phải là một vấn đề lớn, nếu họ sở hữu thêm S-400 cùng các hệ thống khác nữa thì có".
Cần lưu ý rằng hệ thống phòng không S-300, và thậm chí hiện đại hơn là tên lửa S-400 đã hiện diện trên lãnh thổ của Syria, tuy nhiên những hệ thống này nằm trong biên chế của quân đội Nga; có nhiệm vụ bảo vệ căn cứ Hmeymim và Tartus của Nga tại đây.
Một tay không che nổi bầu trời
Hiện tại quân đội Syria chỉ có trong trang bị những hệ thống phòng không cũ, phần lớn được chế tạo dưới thời Liên Xô và một ít của Nga (được trang bị trước khi cuộc nội chiến bùng nổ - năm 2011).
Những hệ thống phòng không của Syria là các tổ hợp tầm trung, xa như S-125, S-200, Buk-M1, Buk-M2, Kvadrat (phiên bản xuất khẩu của hệ thống Kub) và tầm thấp như Osa và Strela, nhưng đã bị phá hủy khá nhiều bởi cuộc nội chiến. Ngoài ra, Syria còn có nhiều tổ hợp phòng không hiện đại hơn, như các hệ thống Pantsir-S1 mới được trang bị.
Tổ hợp Pantsir-S1 của phòng không Syria.
Trung tướng Aitech Bizhev, nguyên Phó Tư lệnh phòng không Nga, nói với tờ báo VIEW: phần lớn vũ khí phòng không của quân đội Syria đã lạc hậu, cần phải có kế hoạch thay thế. Những hệ thống tên lửa S-200, S-75 hoặc S-125 chỉ có thể theo dõi và bắn tối đa vào 1 mục tiêu.
Đối với hệ thống phòng không S-300, có thể theo dõi và đồng thời tiêu diệt 6 mục tiêu một lúc; như vậy về hiệu quả, 1 tiểu đoàn tên lửa S-300 có thể tương đương với 6 tiểu đoàn phòng không trang bị những vũ khí cũ.
Bằng phương pháp tính toán, hiệu quả về số lượng các mục tiêu bị phá hủy, 1 tiểu đoàn S-300 có thể tương đương với 1 trung đoàn tên lửa tầm trung của mẫu thập niên 1990.
Bizhev lưu ý rằng, S-300 sẽ tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của Syria.
Trong trường hợp lặp lại của cuộc tấn công tên lửa của Mỹ như vừa qua, S-300 có thể bắn hạ bất kỳ vật thể bay nào trong không gian nào với vận tốc siêu âm, S-300 còn là một tổ hợp phòng không di động, do vậy nó có khả năng cơ động cao, thời gian chuyển thế từ hành quân sang chiến đấu chỉ có 6 phút nên đối phương sẽ hết sức bất ngờ.
Tuy nhiên, việc chỉ trang bị một vài tổ hợp phòng không S-300 với tham vọng bảo vệ hoàn toàn không phận Syria là một điều phi thực tế, vì một hệ thống S-300 chỉ có bán kính bảo vệ hiệu quả từ 60 đến 90 km.
Theo ông, hệ thống phòng không khu vực như hệ thống S-300 được xây dựng trên cơ sở bảo vệ các cơ sở đặc biệt quan trọng, bao gồm các nhà máy điện, trung tâm chỉ huy, trung tâm chính trị và kinh tế, bến cảng, sân bay, khu công nghiệp.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả các cuộc đánh trả tập kích đường không của Mỹ và đồng minh, quân đội Syria cần xây dựng một hệ thống phòng không đa tầng, hỗn hợp, với sự tham gia không chỉ của S-300 mà còn cả không quân và lực lượng tác chiến điện tử.
Hiệu quả bảo vệ được tính theo công thức sau: phương tiện phòng không phải cao hơn từ 1,3 đến 1,7 lần so với phương tiện tấn công của địch. Phương án tối ưu cho địa hình Syria đó là trang bị 3 hoặc 4 trung đoàn S-300 (mỗi trung đoàn có 12 bệ phóng). Chỉ với trang bị như vậy, quân đội Syria có thể đủ lực bảo vệ các cở sở đầu não, trung tâm chính trị.
Tuy nhiên, dẫu có được trang bị tới "tận răng" nhưng vẫn sẽ không đủ để Syria đẩy lùi một cuộc tấn công lớn của Mỹ khi họ sử dụng cụm tàu sân bay và tập kích ồ ạt của hàng trăm tên lửa hành trình vào một khu vực mục tiêu bởi trong những trường hợp như vậy, S-300 không đủ đạn để chống lại cuộc tiến công có cường độ lớn.
Ngoài ra, các chuyên gia nhấn mạnh rằng, việc sử dụng toàn bộ tên lửa S-300 để chống lại cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình như Tomahawk là không hiệu quả.
Bản chất những tên lửa hành trình là máy bay không người lái, bay ở tốc độ cận âm và rất thấp; để tiêu diệt những mục tiêu này, cần các tên lửa tầm ngắn như Pantsir-S1 và Buk-M2, sẽ đảm bảo hiệu quả hơn.
Còn tổ hợp tên lửa S-300 thiết kế để tiêu diệt những mục tiêu phức tạp, có tốc độ và độ cao lớn như máy bay chiến đấu, máy bay ném bom chiến lược, máy bay cảnh báo sớm trên không…. S-300 cũng có thể tiêu diệt các mục tiêu có tốc độ và bay thấp như máy bay không người lái và tên lửa hành trình, nhưng sẽ lãng phí và hiệu quả chắc chắn không cao.
Ngày 9/4 vừa qua, Israel bị cáo buộc tấn công căn cứ không quân T-4 ở miền trung Syria, nơi Israel cho là Iran đang xây dựng một căn cứ không quân riêng của mình ở đó làm ít nhất 14 người thiệt mạng, trong đó có 7 thành viên quân đội Iran, đang giúp chính quyền Syria chống khủng bố ở nước này.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 bắn hạ máy bay không người lái loại nhỏ.
No comments:
Post a Comment