Trong cuộc tập kích bằng tên lửa hành trình của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các mục tiêu bị cáo buộc là nơi sản xuất và tàng trữ vũ khí hóa học trên đất Syria hôm 14/4, có giả thiết cho rằng máy bay ném bom B-1B Lancer đã phóng cả đạn mồi bẫy ADM-160 MALD đi kèm đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm AGM-158 JASSM.
Tên lửa MALD được xem như phương tiện tác chiến điện tử có khả năng làm lẫn lộn các mục tiêu trên không đối với các đài radar phòng không của đối phương và tái tạo chính xác các tín hiệu phản xạ radar từ một máy bay tàng hình cho tới tên lửa hành trình.
Trong suốt hành trình hoạt động trên không phận kẻ địch, ADM-160 MALD di chuyển theo đường bay được lập trình từ trước (có thể tái lập trình) và tạo ra khoảng 100 mục tiêu giả khác nhau trong phạm vi tác chiến. Khi đó, các hệ thống phòng không đối phương không thể phân biệt được số lượng quá lớn đối tượng bay, dẫn tới quá tải và bị gây nhiễu chủ động.
Tên lửa mục tiêu ADM-160 trong trạng thái chưa triển khai
Do không được trang bị đầu đạn và khả năng tự hủy như đạn tấn công đích thực mà đã có giả thiết cho rằng quả tên lửa không đối đất mà Syria thu giữ và đưa cho người Nga thực chất chỉ là MALD.
Nếu thực sự Nga đã "bắt nhầm" phải MALD thay vì AGM-158 JASSM hay Storm Shadows thì họ khó mà tìm ra bí mật ẩn chứa trong lớp vỏ tàng hình, các mạch điện tử lập trình tinh vi, hay thu thập tín hiệu nhiệt từ động cơ của tên lửa thật để tìm ra cách đối phó hay học hỏi và chế tạo sản phẩm tương đương.
Tuy nhiên kể cả khi mẫu vật mà Moskva nhận được chỉ là một quả đạn mồi bẫy, không thể khai thác trên khía cạnh sao chép tính năng thì giá trị của nó vẫn không hề suy giảm, thậm chí còn có thể gọi là vô giá.
Tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD sau khi được phóng từ máy bay chiến đấu
Dựa vào quả tên lửa MALD trong tay, Nga sẽ mổ xẻ và nắm được chi tiết quy tắc tạo ra tín hiệu giả của khí tài này, cũng như đặc trưng về đường bay và chế độ hoạt động trên không trong suốt hành trình của nó.
Khi đã khám phá được đầy đủ các bí mật trên, hệ thống phòng không của Nga và Syria sẽ không bị rơi vào trường hợp quá bỡ ngỡ nếu lại phải đối mặt với nó trong tương lai, lúc này con bài của Mỹ sẽ bị mất thiêng hay ít nhất cũng giảm đi rất nhiều tính năng tác dụng.
Hiệu quả của việc khai thác chiến lợi phẩm trên đến đâu có lẽ phụ thuộc nhiều vào mức độ nguyên vẹn của quả đạn sau khi lao xuống đất, đáng tiếc rằng đến thời điểm này vẫn chưa có hình ảnh rõ nét của nó để đưa ra được dự đoán chính xác hơn.
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Giới thiệu cơ chế tác chiến của tên lửa mồi bẫy ADM-160 MALD-J
No comments:
Post a Comment