Kỳ trước: Syria bẻ gãy đòn tập kích: Chớ vội mừng, như thế là tự sát - Mỹ chuẩn bị đòn quyết định
--------
Trong bài phân tích trước, tôi kết luận rằng:
"Trong đòn tấn công rạng sáng 14/4 của Mỹ, Không quân Syria đã bảo toàn được lực lượng, họ đã thắng. Một chiến thắng được cho là khá dễ dàng, quân đội Syria hầu như không bị tổn thất nào, trong khi Mỹ mất 71 quả tên lửa? Kinh nghiệm chiến tranh với Mỹ và ở góc nhìn chiến thuật… nếu Nga-Syria vội mừng, thư giãn… là tự sát…"
Trên đây là cảm giác, thói quen quan sát, phán đoán vốn có của bất kỳ người lính nào đã kinh qua chiến trận, đặc biệt, đã từng đối đầu với quân đội Mỹ trên chiến trường… vào một chiến thắng của Nga-Syria tại thời điểm 3 ngày sau cuộc tấn công của Mỹ và liên minh vào Syria.
Hiện tượng luôn gắn liền với bản chất, nhưng trong chiến tranh, "hiện tượng tác chiến" luôn che đậy bản chất, đòi hỏi Bộ tham mưu đôi bên không chỉ căn cứ vào thông tin từ tình báo, quân báo, trinh sát…mà phải phân tích mổ xẻ, phán đoán đúng bản chất của vấn đề…
Mỹ không thể lặp lại sai lầm…
Nhiều chính khách Phương Tây cho rằng, Mỹ-Anh-Pháp khi tấn công vào Syria đã "phạm một sai lầm 3 lần". Điều đó là có thể trong cuộc chiến địa chính trị, nhưng trong tác chiến quân sự là không bao giờ.
Đã rất lâu, Mỹ-NATO luôn thực hiện phương thức "ngoại giao Tomahawk" để thống trị thế giới, Tomahawk thực sự như là "sứ giả của thần chết".
Lần đầu được đưa vào thực chiến ở Iraq 1991, Mỹ đã dùng tên lửa BGM-109 Tomahawk làm "quân tiên phong" đánh vào đài radar cảnh giới, sở chỉ huy, cơ sở thông tin liên lạc của Iraq. Mỹ đã phóng 297 tên lửa, trong đó có 282 tên lửa trúng đích, số còn lại rơi do trục trặc kỹ thuật và chỉ có… 2 quả bị bắn rơi.
Tên lửa hành trình Tomahawk Mỹ tấn công Iraq năm 2003.
Ở Nam Tư năm 1999, 218 tên lửa Tomahawk được phóng đi từ tàu ngầm Anh và tàu chiến Mỹ. Cuộc chiến Iraq 2003, 725 Tomahawk được bắn vào các mục tiêu ở Iraq. Còn tại cuộc chiến Libya 2011, chỉ trong ngày đầu 19/3 Mỹ - Anh phóng tới 124 quả, ngày 22/3 phóng tiếp 159 quả.
Trong các trận chiến này, tên lửa hành trình Tomahawk thực sự đã trở thành một công cụ có chức năng như là "sứ giả thần chết" mà sau này rất nhiều quốc gia nghe đến nó đã "tim đập chân run".
Vào ngày 7/4/2017, theo dữ liệu từ phía Nga, Mỹ đã phóng 59 quả Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria nhưng chỉ có 23 quả trúng đích, 36 quả còn lại bị mất tích…
Ngày 14/4/2018, Mỹ Anh, Pháp đã phóng vào Syria 105 quả tên lửa và cũng theo thông tin từ phía Nga - Syria, thì đã có 71 quả mất tích, Syria không hề hấn gì nhiều (tuy nhiên phía Mỹ khẳng định không có tên lửa nào của họ bị chặn).
Trong 71 quả bị hạ, theo thống kê của Nga, điều khiến chúng ta chú ý là không có một tên lửa nào phóng ra từ máy bay bị hạ. Anh, Pháp cũng đã khẳng định như vậy cho đòn tấn công của mình.
Nếu như đòn tấn công ngày 7/4/2017, sự "rụng như sung" của Tomahawk… bắt đầu từ đây Tomahawk đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình như những "sứ giả thần chết của Diêm vương" từ biển cả đại dương lao vào lục địa… thì ngày 14/4/2018 là "chiếc đinh cuối cùng".
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk tấn công Syria.
Tên lửa Tomahawk "mới, thông minh" phóng từ máy bay sẽ đảm nhận sứ mệnh này, là "sứ giả thần chết Nhà Trời" thay cho "sứ giả thần chết Diêm Vương"?
Sự khác biết rất lớn của "thần chết Nhà Trời" và "thần chết Diêm Vương" là "thần chết Nhà Trời" được thực hiện "ngay và luôn" từ nhiều hướng và không thể đánh chặn.
Tomahawk phóng từ biển bởi tàu ngầm, tàu mặt nước, thường ở khoảng cách xa, đi ngoằn ngoèo nên dễ phục kích, đánh chặn. Nhưng Tomahawk phóng từ máy bay thì phóng thẳng với khoảng cách gần, từ nhiều hướng, khiến đối phương không kịp đối phó…
Ý đồ tác chiến của Mỹ trong trận 14/4 là gì?
Như đã phân tích ở bài trước, với thắng lợi dễ dàng và nhanh chóng (trong vòng hơn 1 giờ) của phòng không Syria trước ba cường quốc quân sự số 1 thế giới như Mỹ, Anh, Pháp thì rõ ràng, với giới quân sự Mỹ, Anh, Pháp "chiến thắng không phải là phương án".
Mỹ, Anh, Pháp tấn công chớp nhoáng, tung ra hơn 100 quả tên lửa không phải để cho phòng không Nga-Syria tập bắn mà là để nhằm đạt mục tiêu chiến thuật chứ không phải để chiến thắng.
Mục tiêu chiến thuật đó là thăm dò, trinh sát, lực lượng phòng không Nga-Syria, thăm dò phản ứng của Nga để chuẩn bị tập trung lực lượng giáng đòn quyết định vào quân đội, chính quyền Assad của lên minh Mỹ, Anh, Pháp.
Mỹ tung ra con mồi lớn, 105 quả tên lửa các loại, bao gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk, cùng với các cánh nghi binh khác trên Địa Trung Hải để buộc phòng không Nga-Syria bộc lộ toàn bộ lực lượng về khả năng, vị trí để từ đó Mỹ và liên quân sẽ lên kế hoạch tác chiến cho trận quyết định sắp tới.
Có một điều đặc biệt đáng chú ý, trong trận này, thay vì phải dùng chiến thuật áp chế phòng không, là nguyên tắc cứng của chiến tranh hiện đại, thì Mỹ như tay "cao bồi" lao vào "đấm" luôn không thèm sử dụng các đòn chế áp cứng, mềm, vào hệ thống phòng không Syria.
Áp chế mềm, áp chế cứng hệ thống phòng không đối phương là đòn tấn công đầu tiên của Mỹ trong các cuộc chiến của Mỹ-NATO, nhưng tại sao với Syria, Mỹ lại không thực hiện?
Có thể nói sau hơn 1 tiếng đồng hồ tấn công, Bộ tham mưu Mỹ và liên minh chắc chắn đã rút ra được 3 điều cho một đòn tấn công quyết định sắp tới: Một là khả năng của loại tên lửa "mới, thông minh". Hai là phương án tác chiến khả thi. Và ba là hồ sơ về hệ thống phòng không Nga-Syria.
Kịch bản đòn tấn công quyết định…
Đòn tiếp theo mà Mỹ và liên quân tung ra sẽ có thêm lực lượng là B-52, B-2 và Hạm đội tàu sân bay USS Harry S. Truman đang trên đường hành quân đến Đông Địa Trung Hải.
Đặc biệt, không loại trừ lực lượng mặt đất của Mỹ xuất hiện khi xe bọc thép, xe tăng Abrams và BMP Bradley của Mỹ đã được di chuyển sang tập kết tại Jordan.
Sau khi thực hiện đòn thăm dò hay để trinh sát thực địa, lực lượng phòng không, căn cứ quan trọng của quân đội Syria… đã được đánh dấu thì toàn bộ sức mạnh của Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman, cùng với không quân Anh, Pháp và B-52, B-2 sẽ đồng loạt tấn công…
Bộ 3 máy bay ném bom chiến lược B-1B, B-2, B-52 Mỹ sẽ tung cú đấm quyết định vào Syria?
Đây mới là phương án tác chiến mang tính cách Mỹ, một cường quốc quân sự từng bá chủ hoàn cầu, làm mưa làm gió trong thế kỷ qua. Phương án tác chiến mà chiến thắng được ưu tiên cao nhất như đã từng đè bẹp Libya, Nam Tư, Iraq …
Đó là điều chắc chắn. Nhưng sự chắc chắn còn tùy thuộc vào trinh sát, thăm dò… được điều gì, từ đó Mỹ mới lên kế hoạch tác chiến tiếp theo hoặc từ bỏ ý định đó.
Bộ tham mưu Nga-Syria có nhận biết được ý đồ của Mỹ trong đòn tấn công này không? Chẳng ai coi thường bản lĩnh trí tuệ Nga trong chiến tranh, đặc biệt dưới quyền Tổng thống Putin.
Trong thời gian Mỹ phóng tên lửa, các lực lượng Nga tại Syria được chuyển trạng thái toàn bộ. Nghĩa là tất cả các đơn vị Nga tại Syria chuẩn bị chiến đấu ngay và luôn, nhưng chỉ "im lặng" theo dõi và chắc chắn "ghi chép số liệu kỹ thuật"…
Nga cho hay (hoặc tuyên truyền) rằng, 71 tên lửa bị bắn hạ là chỉ do lực lượng phòng không Syria trang bị vũ khí thời Liên Xô mà thôi. Điều này Nga muốn nhắc khéo Mỹ rằng chưa cần đến S-300, S-400… những thứ này để dành cho lúc khác… cuộc đối đầu khác.
Nga dự kiến đầu tháng 5, Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman sẽ đến tập kết tại Đông Địa Trung Hải. Để "chào đón" nó, Hải quân Nga tại Địa Trung Hải đã trải qua một cuộc tập trận bắn đạn thật tại đây.
Thật dễ hiểu khi Nga sẽ cung cấp cho Syria hệ thống phòng không S-300 và vận chuyển rất nhiều phương tiện trang bị phòng không cho Syria. Nga đang chuẩn bị sẵn sàng để chấp nhận một trận quyết chiến khi Mỹ liều lĩnh bước qua "vạch đỏ an ninh Nga" tại Syria.
Liệu Mỹ có tiếp tục "cuộc chơi"? Hãy chờ tháng 5 tới.
Đòn tên lửa ngày 14/4 chỉ là màn dạo đầu. Cuộc chơi tiếp tục hay không không chỉ phụ thuộc vào Mỹ mà còn vào Nga, vào "độ rắn", vào những con bài mà Nga sắp tung ra.
Mỹ phóng tên lửa Tomahawk tấn công Syria ngày 14/4
*** Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
No comments:
Post a Comment