Xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT Terminator được Nga tạo ra từ việc đúc rút những kinh nghiệm thu về từ thực tế chiến trường Chechnya, khi xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) cần có một phương tiện đi kèm có thể bảo vệ nó trong tác chiến đô thị, nơi mà hỏa lực của MBT khó phát huy tác dụng vì vướng phải vật cản trên cao hay bị khuất tầm nhìn.
Từ nguyên mẫu BMPT ra đời ban đầu cho tới nay thì "Kẻ hủy diệt" đã trải qua 3 thế hệ với một số sửa đổi ở khung thân, cấu hình vũ khí cũng như cơ cấu kíp điều khiển để được Quân đội Nga chấp nhận đưa vào biên chế.
Phiên bản mới nhất của xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT Terminator do Nga chế tạo
Ukraine là quốc gia thừa hưởng nhiều thành tựu về nền công nghiệp xe tăng từ Liên bang Xô Viết nên nhìn thấy sự thành công của mô hình BMPT Terminator thì dĩ nhiên họ cũng không thể đứng ngoài cuộc. Kiev đã trình làng tới 2 biến thể Kẻ hủy diệt của mình nhưng đáng tiếc rằng đứng cạnh sản phẩm của Nga thì nó không khác gì phiên bản lỗi.
Nguyên mẫu đầu tiên xuất hiện trong khuôn khổ Triển lãm quốc phòng Arms and Security 2017 sử dụng khung gầm xe tăng chiến đấu chủ lực T-64, phần giáp trước và hông xe được bao phủ gia cường bởi các phiến giáp phản ứng nổ Kontakt 1.
Xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT của Ukraine
Xe cũng được lắp một tháp pháo nhỏ, nhẹ, có khả năng xoay rất nhanh với góc bắn lớn để tấn công những mục tiêu mà khẩu pháo chính của xe tăng rất khó hoặc không thể bắn được.
Trên tháp pháo này lắp 2 khẩu pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm, 4 tên lửa chống tăng có điều khiển AT-5 Spandrel cùng với 1 súng phóng lựu tự động AGS-17 cỡ 30 mm và thiết bị ngắm bắn quang điện tử.
Dễ nhận thấy trong khi BMPT của Nga có thiết kế rất gọn gàng nhưng chỉ cần nhìn qua cũng đủ thấy uy lực đáng sợ của nó thì chiếc thiết giáp của Ukraine lại khá thô sơ, trông giống như một bản nháp của BMPT đời đầu.
Xét về mức độ bảo vệ, trong khi cỗ chiến xa Nga đã được gia cường xung quanh bằng giáp phản ứng nổ Relikt thế hệ mới nhất thì Ukraine vẫn chỉ trang bị cho xe của mình loại Kontakt 1 đã rất lạc hậu, trong khi họ đã lắp cho nhiều chiếc T-64 khác giáp Nozh hiện đại không thua gì Relikt, đây thực sự là điều khó hiểu và khiến cho chiếc BMPT Ukraine bị gọi là "phiên bản lỗi".
Xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT phiên bản hạng nhẹ của Ukraine
Ngoài phiên bản hạng nặng trên, mới đây Ukraine còn cho ra mắt phiên bản hạng nhẹ của BMPT do họ thiết kế đặt trên khung gầm xe chiến đấu bộ binh BMP-1.
Chiếc chiến xa thứ hai này có tên gọi là Duplet, vẫn trang bị một tháp pháo nhỏ, nhẹ trên đó gắn 2 khẩu pháo tự động 2A42 cỡ 30 mm đi kèm 2 súng máy đồng trục 7,62 mm cùng các ống phóng đạn khói ngụy trang.
Đây có vẻ là phiên bản BMPT được tạo ra với mục đích yểm trợ xe chiến đấu bộ binh khi tác chiến trong môi trường đô thị hơn là hỗ trợ cho xe tăng chủ lực khi cấu hình vũ khí và giáp bảo vệ của nó chỉ ở mức vừa phải.
Nhưng nếu vậy thì mục đích thiết kế như một phương tiện xung kích trong môi trường nhiều vật cản che khuất tầm nhìn tại thành phố lại không được đáp ứng đầy đủ, xe rất dễ bị bắn cháy bởi các loại hỏa lực chống tăng thông thường.
Ý tưởng trên của Ukraine sẽ còn phải hoàn thiện nhiều nếu muốn sang tới giai đoạn sản xuất hàng loạt.
Xe chiến đấu hỗ trợ tăng BMPT Duplet do Ukraine chế tạo
No comments:
Post a Comment