Gần đây, tình hình tại Syria ngày một nóng lên, đặc biệt là các mối nguy cơ đến từ trên không với hành động xâm phạm không phận Syria của các máy bay quân sự nước ngoài, đã đặt ra yêu cầu tăng cường khả năng phòng không của quốc gia Cận Đông này.
Đây có thể là cơ hội tuyệt vời để các tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại Buk-M2 hay các biến thể nâng cấp mới hơn và Tor-M2 của Nga thể hiện năng lực của mình tại Syria, nhưng hiện tại chúng vẫn chưa có mặt tại đây. Moscow có lý do để không triển khai Buk-M2 hay Tor-M2 tại Syria.
Không cần thiết và ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn
Với năng lực tác chiến đã được chứng minh trên chiến trường, tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 xứng đáng là một trong những vũ khí phòng không tầm trung hiệu quả hàng đầu thế giới với tỷ lệ đánh chặn mục tiêu thành công lên tới gần 90%.
Điều này cũng tương tự với tổ hợp phòng không lục quân tầm thấp Tor-M2. Tuy nhiên, chiến trường Syria lại không phải là "đất diễn" thích hợp cho chúng.
Thực tế, sau nhiều năm nội chiến, năng lực chiến đấu của hệ thống phòng không Syria không hề bị suy giảm nhiều. Quân đội Syria sở hữu lực lượng vũ khí phòng không đủ các tầm và tương đối hiện đại. Quân đội Syria cũng sở hữu tổ hợp Buk-M2, Pantsir-S1, cũng như nhiều tổ hợp phòng không tầm ngắn và tầm trung khác như Pechora, Kub, hay S-200.
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 của Syria.
Chính vì thế, việc Nga nếu có triển khai thêm Buk-M2 hay Tor-M2 cũng không có nhiều ý nghĩa về mặt chiến lược-chiến thuật, thậm chí có thể gây cản trở hoạt động của các tổ hợp phòng không Syria khi phải dành không gian tác chiến cho chúng.
Mặt khác, các tổ hợp Buk-M2 hay Tor-M2 đều là các vũ khí phòng không lục quân tầm ngắn và trung. Chúng cần được triển khai gần mặt trận hoặc tại các vị trí dễ bị phiến quân tập kích.
Điều này ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn bởi không chỉ có mối nguy hiểm trên mặt đất mà còn từ trên không khi mà không ít lần các hệ thống phòng không Syria bị không quân nước ngoài tập kích.
Lấy gì có thể đảm bảo, các máy bay chiến đấu Israel hay liên quân quốc tế do Mỹ đứng đầu có thể phân biệt được đâu là tổ hợp tên lửa phòng không Buk của Nga, đâu là của Syria để tránh không kích nhầm. Điều này có thể gây thương vong, thiệt hại không đáng có cho lực lượng quân sự Nga tham chiến tại Syria.
Nếu việc triển khai các tổ hợp Buk-M2 hay Tor-M2 chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ bảo vệ các căn cứ quân sự Nga tại Syria, thì đây là việc làm thừa thãi và tốn kém không cần thiết. Hiện tại, "Bộ đôi" S-400 và Pantsir-S1 đang làm rất tốt công tác của mình.
Với những lý do trên, việc các tổ hợp Buk-M2 hay Tor-M2 vắng mặt tại Syria là điều hoàn toàn hợp lý.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 của Syria.
"Bộ đôi" S-400 và Pantsir-S1 đã là đủ ở Syria?
Có thể thấy, trong suốt những năm nội chiến tại Syria, có rất ít hình ảnh về các tổ hợp vũ khí phòng không của Quân đội Syria rơi vào tay phiến quân.
Ngoài ra, năng lực phòng không của Syria cũng được chứng minh qua sự kiện bắn hạ máy bay trinh sát điện tử RF-4E của Thổ Nhĩ Kỳ hay gần đây nhất là sự kiện bắn hạ máy bay F-16I và ngăn chặn nhiều tên lửa hành trình phóng từ Israel. Điều này minh chứng rõ ràng, năng lực phòng không Syria không hề yếu kém.
Cái Quân đội Syria cần là chính là năng lực điều phối hoạt động của các đơn vị phòng không trong thời chiến; tăng cường năng lực phát hiện, cảnh báo sớm để ngăn chặn mục tiêu và quan trọng hơn là "người bảo đảm" để hệ thống phòng không Syria không bị tập kích quy mô lớn từ nước ngoài.
Việc Nga triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 và Pantsir-S1 ngoài mục đích bảo vệ các căn cứ Nga tại Syria, thì có ý nghĩa rất lớn đối với hệ thống phòng không Syria.
"Bộ đôi" S-400 và Pantsir-S1 đã là đủ ở Syria?
Thực tế, tên lửa S-400 đã giúp bổ sung điểm khuyết về khả năng cảnh giới tầm xa, cũng như liên kết hệ thống phòng không Syria trong một mạng chỉ huy hợp nhất. Mặt khác, điều quan trọng hơn là "ô phòng không" của Nga đã cởi bỏ nguy cơ bị không kích quy mô lớn từ lực lượng nước ngoài để hệ thống phòng không Syria có thể tự do hoạt động.
Điều này được thể hiện rõ ràng ở thời điểm trước năm 2015 và sau đó, khi Syria mãnh mẽ đáp trả lại các hành động xâm phạm không phận của Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.
Giới hạn đánh trả của phòng không Syria sẽ còn tiếp tục được củng cố với sự hỗ trợ của Nga, cũng như những thành công trên chiến trường của Quân đội Syria gần đây.
Như vậy, S-400 và Pantsir-S1 triển khai tại Syria đã hoàn thành tốt công việc của mình, mà không cần Nga phải triển khai thêm các tổ hợp phòng không Buk-M2 hay Tor-M2 tới quốc gia Cận Đông này.
Tổ hợp tên lửa phòng không Buk-M2 của Nga
No comments:
Post a Comment