Xe tăng chiến đấu chủ lực ZTZ 99 được giới quân sự Trung Quốc quảng cáo là chiếc MBT tốt nhất thế giới, sở hữu sức mạnh vượt trội mọi loại chiến xa trên hành tinh này như T-90 của Nga, M1 Abrams của Mỹ, hay Leopard 2 của Đức...
Việc Bắc Kinh tin tưởng vào ZTZ 99 thực ra không phải là quá đáng, chiếc chiến xa này hội tụ trong mình đầy đủ những phẩm chất của một con quái vật thép trên chiến trường, như hỏa lực mạnh mẽ với pháo nòng trơn 125 mm được tích hợp hệ thống nạp đạn tự động, cho tốc độ tác xạ nhanh, đi kèm súng máy 12,7 mm điều khiển từ xa.
Sức cơ động của ZTZ 99 rất tốt do "trái tim" của nó là động cơ diesel tăng áp công suất 1.500 mã lực, cho vận tốc tối đa lên tới 70 km/h, kết hợp hệ thống kiểm soát hỏa lực tinh vi thông qua các loại kính ngắm, thiết bị hỗ trợ và máy tính đạn đạo tin cậy.
Xe tăng chiến đấu chủ lực ZTZ 99 (Type 99) của Trung Quốc
Song, yếu tố khiến dòng xe tăng chiến đấu chủ lực này trở nên đáng sợ lại nằm ở mức độ phòng vệ cực cao. Đó là hệ thống phòng vệ chủ động có thể phóng đạn đánh chặn tên lửa chống tăng của đối phương, hay thiết bị cảnh báo laser kiêm luôn chức năng trả đũa, đủ sức làm mù mắt trắc thủ kẻ địch.
Bên cạnh đó, các lớp phòng vệ thụ động của ZTZ 99 cũng rất đáng nói, Tổng công trình sư - Kỹ sư trưởng Zhu Yu Sheng từng tiết lộ: độ dày của giáp thép tháp pháo ZTZ 99 đạt 700 mm, thân xe đạt 500 - 600 mm, nếu tính cả lớp giáp phản ứng nổ được lắp bổ sung thì mức độ tương đương 1.000 - 1.200 mm.
Với các thông số như trên, việc đánh bại chiếc ZTZ 99 trên chiến trường đã là cực kỳ khó khăn, tuy nhiên trong một cuộc thử nghiệm thì kết quả cho thấy thực tế vỏ giáp của ZTZ 99 còn vững chắc hơn nhiều.
Tên lửa chống tăng có điều khiển HJ-8 (Hồng Tiễn 8) của Trung Quốc
Đối tượng được mang ra kiểm tra độ bền của vỏ giáp xe tăng ZTZ 99 là tên lửa HJ-8, đây là loại ATGM chủ lực của Quân đội Trung Quốc trong nhiều năm qua, nó có hình dáng bên ngoài và tính năng kỹ chiến thuật rất giống với BGM-71 TOW của Mỹ.
Hiện nay các phiên bản tên lửa HJ-8 đang phục vụ trong biên chế lục quân nước này đều có thể xuyên phá lớp giáp đồng nhất (RHA) dày 800 mm. Phiên bản mới nhất của dòng tên lửa chống tăng trên là HJ-8E được lắp đặt hệ thống định vị mục tiêu tầm nhiệt, sở hữu tầm bắn 4 km và có thể xuyên phá giáp dày tới 1.000 mm sau giáp phản ứng nổ (ERA).
Trong cuộc thử nghiệm dưới đây, một quả HJ-8 đã bắn thẳng vào giáp trước của chiếc ZTZ 99, mặc dù độ dày khu vực này chưa công bố rõ ràng nhưng theo thông lệ thì nó sẽ tương đương với phần giáp của tháp pháo.
Bắn tên lửa chống tăng HJ-8 vào giáp trước xe tăng ZTZ 99
Kết quả cho thấy sau phát bắn, phần giáp trước của ZTZ 99 không bị xuyên thủng, chứng tỏ ít nhất nó cũng chịu được sức công phá của tên lửa chống tăng mang liều nổ kép có khả năng thâm nhập qua 800 mm RHA sau ERA.
Thậm chí một số nhận định còn cho rằng phiên bản HJ-8 được sử dụng trong video trên là HJ-8E, nếu vậy thì độ vững chắc của vỏ giáp ZTZ 99 thực sự không thể coi thường. Cần lưu ý thêm một chi tiết nữa đó là HJ-8 đã bắn cháy rất nhiều xe tăng tại Trung Đông, từ M1 Abrams cho tới T-72 và Leopard 2A4...
Tuy nhiên lại tồn tại một luồng ý kiến khác cho rằng có thể tính năng thực tế của tên lửa HJ-8 không được như quảng cáo. Lịch sử đã ghi lại trong một cuộc thử nghiệm tương tự tại trường bắn TsNIIO 643a của Nga thì đạn AT-14 Kornet đã thua cả RPG-29, mặc dù thông số lý thuyết về sức xuyên của nó lên tới 1.200 mm RHA, vượt trội con số 750 mm RHA của RPG-29.
No comments:
Post a Comment