Trong sự kiện vừa diễn ra, chiếc tiêm kích F-16D (phiên bản 2 chỗ ngồi) của Không quân Israel đã bị tên lửa đất đối không của Syria bắn hạ, đây là diễn biến mới có thể xem như bước ngoặt, mở ra một kỷ nguyên mới khi máy bay Israel chẳng thể ra vào đất Syria như chỗ không người như trước nữa.
Hiện tại vẫn còn tranh cãi quanh chủng loại vũ khí đã "vít cổ" chiếc F-16D trên cũng như có hay không việc Nga đã ngầm trợ giúp bằng cách cung cấp tham số từ radar cảnh giới từ hệ thống S-400 triển khai gần đó, tuy nhiên hành động đáp trả của Israel là khá mạnh mẽ và đã gây cho Syria một số thiệt hại tương đối đáng kể.
Đối với tác chiến phòng không, để ngăn chặn đối phương một cách hiệu quả nhất thì trông chờ vào tên lửa từ mặt đất chưa bao giờ là phương án tối ưu, lý do là bởi bên phòng thủ luôn ở trạng thái bị động, dễ hứng chịu thiệt hại cho dù có giáng trả được kẻ địch, chính vì vậy mà sự kết hợp với không quân mới mang lại hiệu quả tối ưu.
Tiêm kích đánh chặn MiG-25 của Không quân Syria
Giả sử trong những phi vụ không kích mà phía Israel tiến hành trước đó, nếu Không quân Syria cho máy bay lên ngăn chặn thì tác dụng đầu tiên sẽ khiến tiêm kích của Israel chẳng thể tiến tới tầm bắn hiệu quả của tên lửa đối đất, họ sẽ phải cấp tốc vứt bớt bom đạn để rảnh tay đối đầu với máy bay đối phương.
Trong trường hợp kể trên, các đơn vị phòng không sẽ có điều kiện cũng như thời gian nhiều hơn để đối phó với số lượng nhỏ chiến đấu cơ lọt qua vòng ngăn chặn ban đầu của tiêm kích quân nhà, họ còn chủ động xác định tầm, hướng xâm nhập của phía bên kia để đưa ra phương án tác chiến tốt nhất.
Bên cạnh đó, tuy rằng sẽ có rủi ro nhưng việc cho máy bay lên đánh chặn còn mang lại xác suất tiêu diệt tiêm kích đối phương cao hơn nhiều lần so với chỉ sử dụng duy nhất tên lửa phòng không.
Tiêm kích đánh chặn MiG-29 của Không quân Syria
Từ đầu cuộc chiến tới giờ, nhiệm vụ của Không quân Syria chủ yếu là bay ném bom yểm trợ hỏa lực cho mặt đất vì trong tay phiến quân không có máy bay chiến đấu, nhưng đến lúc này khi Israel tăng cường hoạt động oanh tạc thì có lẽ các loại tiêm kích đánh chặn của Syria sẽ phải quay lại với vai trò ban đầu.
Trong tay Không quân Syria lúc này vẫn còn một số chiến đấu cơ hiện đại, đáng kể nhất là MiG-25 Foxbat hay MiG-29 Fulcrum, chiếc MiG-25 có lợi thế lớn ở tốc độ cực nhanh trong khi MiG-29 lại sở hữu độ linh hoạt cực tốt nhất là khi tác chiến cự ly ngắn, với sự phối hợp với đài radar chỉ huy từ mặt đất thì chúng hoàn toàn đủ sức đối đầu với tiêm kích hiện đại của Israel.
Viễn cảnh trong tương lai gần, một trận đối đầu lịch sử giữa các tiêm kích MiG-25/29 của Syria với F-15/16 thuộc biên chế Không quân Israel là điều hoàn toàn có khả năng xảy ra, khi đó năng lực tác chiến thực tế của máy bay chiến đấu sẽ được kiểm nghiệm một cách chính xác nhất.
Tiêm kích đánh chặn MiG-29 Fulcrum của Không quân Syria
No comments:
Post a Comment