Bình luận về việc máy bay chiến đấu đa năng Su-30MK2 của Không quân nhân dân Việt Nam tin tưởng sử dụng tên lửa không đối không R-27, chuyên gia quân sự Nga, Phó tiến sĩ khoa học Quân sự, Đại Tá Makar Aksenenko đã cho biết ý kiến như sau trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Sputnik:
"Máy bay thương hiệu Sukhoi tất cả các phiên bản tương đối hiện đại trở lên (cũng như các máy bay MiG: MiG-29, MiG-35) đều có khả năng trang bị nhiều loại vũ khí khác nhau. Tất cả phụ thuộc vào nhiệm vụ quân sự được đặt ra trước từng phi vụ.
Theo tôi, tên lửa R-27 - loại vũ khí đa năng tầm trung, có rất nhiều biến thể, với hiệu suất chiến thuật và kỹ thuật khác nhau, 'được mài nhọn' dùng cho các nhiệm vụ cụ thể, phụ thuộc vào đặc tính của mục tiêu.
Thực tế sử dụng của cả Nga và nước ngoài cho thấy R-27 là vũ khí tuyệt vời. Nó nằm trong trang bị của một loạt quốc gia mua thiết bị quân sự của Nga: Ấn Độ, Trung Quốc, Algeria, Việt Nam.
Tên lửa 'hạng trung' này thực hiện tốt các nhiệm vụ trên không ở tầm gần và trung bình (đánh chặn), 'làm việc' tốt trong điều kiện đối phương sử dụng chế áp điện tử. Là loại vũ khí 'dùng cho mọi việc', R-27 có thể được sử dụng 'bám chặn' nhiều loại mục tiêu, rất thuận tiện khi bất ngờ gặp địch thủ.
Tên lửa rất tốt khi chặn đánh các đối tượng tầm thấp, bay không nhanh (tên lửa hành trình, UAV). Khả năng của R-27 đã được chứng tỏ trong thực tế chiến đấu và trực chiến. Tôi tin rằng sự lựa chọn của Không quân Việt Nam khá hợp lý".
Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân Việt Nam mang tên lửa R-27 và pod tác chiến điện tử làm nhiệm vụ trực ban chiến đấu. Ảnh: Quân đội nhân dân.
Ngoài vũ khí tấn công, hệ thống tác chiến điện tử hay "trạm phát nhiễu chủ động" của chiếc Su-30MK2 trên (có vẻ như là loại Gardenia) cũng thu hút sự quan tâm sâu sắc.
Đặc biệt hơn, tờ báo Nga còn đặt câu hỏi với Đại tá Makar Aksenenko về khả năng Nga bán thế hệ sau của nó là L-265 Khibiny và khí tài này sẽ cải thiện đến đâu khả năng sống còn của máy bay trong tác chiến so với phiên bản trước. Đại tá Makar Aksenenko giải thích:
"Khibiny - hệ thống tác chiến điện tử thế hệ kế tiếp. Vì những lý do hiển nhiên, tôi không thể bình luận về các đặc điểm chiến thuật - kỹ thuật của nó. Tuy nhiên, nếu tính đến kinh nghiệm sử dụng trong thực tế của máy bay Nga, biết nó làm việc thế nào, có thể khẳng định Khibiny sẽ làm Su-30MK2 trở thành tổ hợp chiến đấu trên không kiểu mới".
Ngoài ra, "tổ hợp Khibiny tất nhiên sẽ không làm cho Su-30MK2 hoàn toàn bất khả xâm phạm, nhưng sẽ làm nó đồng hạng với các thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo, nói 'không' trước những lợi thế chiến thuật của máy bay mới.
Và kết quả của trận chiến trên không sẽ được quyết định bởi tính chuyên nghiệp, kỹ năng, sự can đảm của các phi công. Và, tất nhiên, tình yêu của họ đối với quê hương. Và tôi chắc chắn rằng các phi công Việt nam sở hữu những phẩm chất này ở tầm cao", Đại tá Makar Aksenenko kết luận.
Tiêm kích Su-30MK2 của Không quân nhân dân Việt Nam
Việc trang bị cho máy bay tiêm kích các hệ thống tác chiến điện tử dạng pod treo ngoài như Gardenia hay Khibiny tỏ ra là giải pháp hiệu quả và đơn giản hơn nhiều so với cách làm của Mỹ như phủ cho máy bay lớp sơn hấp thụ tín hiệu radar - đắt đỏ nhưng tiêm kích Mỹ vẫn hiện rõ trên màn radar thế hệ cũ, được sản xuất tại Liên Xô trong những năm 1960 -1970.
Trong khi đó theo ý kiến của người Nga, phương tiện chiến tranh điện tử hiện đại của họ có khả năng làm chiếc máy bay cũ kỹ (như An-2) trở thành "lỗ đen", không một phương tiện nào có thể phát hiện, nếu không tiếp cận ở khoảng cách tầm bắn của một khẩu súng lục.
Nếu như trong tương lai các máy bay chiến đấu Su-30MK2, Su-27SK hay thậm chí là Su30SM hoặc Su-35S được Nga bán kèm pod tác chiến điện tử L-265 Khibiny thì chắc chắn tính năng kỹ chiến thuật của chúng sẽ gia tăng vượt bậc so với hiện tại.
Máy bay chỉ huy cảnh báo sớm trên không A-100 của Nga được trang bị một phiên bản của pod tác chiến điện tử Khibiny
No comments:
Post a Comment